Theo bà Phan Lan Tú, Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội, thực hiện kế hoạch “Năm trật tự văn minh đô thị 2014” tiến tới xây dựng Hà Nội thành đô thị không dây nên Sở TT&TT đã phối hợp với Sở Xây dựng, Công ty Chiếu sáng và Thiết bị đô thị và các doanh nghiệp viễn thông, truyền hình cáp tại Thủ đô tiến hành thanh, thải, cắt bỏ nhiều tuyến cáp thừa trên 70 tuyến phố ở nội thành Hà Nội. Việc cắt bỏ những dây cáp thừa, tiến hành sắp xếp và bó gọn lại đã một phần làm đẹp mỹ quan đô thị vừa đảm bảo cho an toàn mạng lưới thông tin, viễn thông.
Bên cạnh đó, năm 2014, lần đầu tiên Sở TT&TT Hà Nội được UBND TP.Hà Nội giao cho nhiệm vụ đứng ra ký hợp đồng cho các doanh nghiệp viễn thông, điện lực, truyền hình thuê cống bể, các công trình hạ tầng ngầm dùng chung. Việc Sở TT&TT Hà Nội đứng ra thay mặt thành phố cho thuê hạ tầng ngầm một mặt để thu tiền về cho ngân sách, một mặt là để đảm bảo công bằng, thuận lợi cho các doanh nghiệp trong việc sử dụng chung hạ tầng trên địa bàn thành phố.
Bên cạnh đó, Sở TT&TT Hà Nội cũng thiết lập một đường dây nóng để tiếp nhận, thu thập tất cả các thông tin về sự sự cố hạ tầng trên tòan địa bàn. Việc thống nhất đầu mối để tiếp nhận các thông tin về sự cố nhằm đảm bảo xử lý sự cố một cách nhanh nhất.
Như ICTnews đã phản ánh, từ tháng 7/2014, Sở TT&TT Hà Nội đã phối hợp cùng các đơn vị sắp xếp lại các đường dây cáp đi nổi trên 23 tuyến phố. Trong đó, thanh thải toàn bộ dây, cáp đeo bám trên cột chiếu sáng là cột thép tại 10 tuyến phố và thanh thải, sắp xếp lại các đường dây cáp treo trên các cột chiếu sáng là cột bê tông ly tâm tại 13 tuyến phố.
Tính đến giữa tháng 9/2014, việc loại bỏ, sắp xếp và bó gọn hệ thống dây cáp thông tin đi nổi tại 19/23 tuyến phố của giai đoạn 2 đã được hoàn thành. Như vậy, qua 2 giai đoạn, vấn nạn “mạng nhện” giữa lòng Thủ đô đã được cơ bản giải quyết tại 29 tuyến phố.
Các đơn vị: Lữ đoàn 205, H47, Viettel, VTVcab, FPT... đã chủ động cử cán bộ phối hợp trong quá trình triển khai. Các tuyến phố sau khi thanh thải, sắp xếp lại đã thông thoáng hơn, giảm bớt được 1/2 lượng cáp thừa, cáp không sử dụng trên cột, đảm bảo an toàn và mỹ quan đô thị.
Tiếp đó, từ ngày 22/10 đến 25/12/2014, việc thanh thải, sắp xếp và bó gọn đường dây, cáp đi nổi trên hệ thống cột điện chiếu sáng tiếp tục được các đơn vị triển khai tại 55 tuyến phố Hà Nội.
Để thực hiện dọn dẹp “mạng nhện” trên các tuyến phố, các cơ quan quản lý ở Hà Nội đã yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông, Internet, truyền hình cáp treo dây văng, khuyên và các doanh nghiệp sẽ rà soát, lựa chọn cáp còn dùng được để treo vào. Sau đó, đơn vị chức năng sẽ cắt loại bỏ những dây nằm ngoài khuyên. Tuy nhiên, khi thực hiện, ngoài một số đơn vị chấp hành tốt thì có không ít doanh nghiệp làm theo kiểu đối phó.
Thậm chí, trong quá trình xử lý, nhiều doanh nghiệp viễn thông chưa chủ động trong vấn đề hợp tác cùng cơ quan chức năng loại thải cáp không còn tác dụng. Lượng dây cáp cháy hỏng nhưng vẫn được treo có tuyến chiếm tới 70-80%. Ví dụ, khi xử lý tại tuyến đường như Cát Linh, cơ quan chức năng phải dùng đến 30 chuyến xe tải nhỏ chở cáp đi xử lý theo dạng chất thải công nghiệp.
Bên cạnh đó, theo Sở TT&TT Hà Nội, trên địa bàn Hà Nội còn tồn tại vấn nạn treo trộm cáp, đây là nhiệm vụ nặng nề với Sở TT&TT cùng các đơn vị, cơ quan chức năng. Nhiều nơi vừa xử lý cắt cáp xong chỉ 1 tuần sau lại thấy kéo cáp trở lại. Nhiều doanh nghiệp chỉ nghĩ đến lợi ích của mình mà không tính đến các hậu quả gây ra. Có nơi ngõ chỉ rộng 1,5 mét nhưng xuất hiện cột với những cuộn dây rất lớn chạy ngay trên đầu, gây mất an toàn lưới điện, an toàn của người dân cũng như mỹ quan đô thị.
Việc treo trộm cáp thường được tiến hành vào ban đêm nên các đơn vị chức năng không thể lúc nào cũng bố trí người đi canh chừng hay cắt dây cáp treo vi phạm, vì thế nếu không có sự ủng hộ của doanh nghiệp viễn thông thì sự việc sẽ ngày càng trở nên phức tạp. Đại diện Công An Hà Nội cũng đề nghị cần sớm có chế tài xử lý rõ ràng thực trạng này. Nếu các doanh nghiệp vi phạm nhiều lần sẽ bị rút phép kinh doanh trên địa bàn.