- “Xe vào bến trước kia được “nằm” lại 20 phút bắt khách nhưng giờ đông quá đã phải rút ngắn còn 5 – 10 phút, trong khi nhu cầu đi lại không cao. Số xe này sẽ “đùn” hết ra đường cộng với ý thức hành khách vẫn đứng dọc đường “vẫy” xe thì không thể chấm dứt được thực tế xe bắt khách dọc đường”.

Trung tá Nguyễn Ngọc Mẽ, Đội trưởng Đội CSGT số 6, Phòng CSGT Công an TP.Hà Nội cho biết về thực trạng bến xe quá tải, xe bắt khách dọc đường, gây mất an toàn giao thông.

Xe “dù” do nhà xe và hành khách?

8 giờ sáng và cuối giờ chiều hàng ngày, tại cổng ra của Bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát luôn bị ùn ứ bởi lượng xe khách xuất bến dày đặc, xe nào ra khỏi bến cũng "nằm lỳ" xung quanh cổng từ 5 đến 10 phút để bắt khách. Hết giờ thì cho xe chạy chầm chậm, lòng vòng để tiếp tục đón khách.

Do lượng xe quá tải, mỗi chuyến xe xuất bến chỉ có chưa đầy một nửa số ghế nên nhiều nhà xe đã dùng "chiến thuật" bắt khách ở ngoài cổng, ngoài đường.



Đầu giờ sáng và cuối giờ chiều là thời điểm xe dù hoạt động rất sôi nổi xung quanh bến xe Giáp Bát và Mỹ Đình.

Thực tế, mỗi khi có đợt ra quân kiểm tra, kiểm soát trật tự ATGT, thì hoạt động của xe "dù" giảm rõ rệt, nhưng khi vắng bóng cơ quan quản lý, đâu lại vào đó.

Trung tá Nguyễn Ngọc Mẽ cho biết, chỉ trong vòng 2 tháng vừa qua, 400 trường hợp xe khách đã bị xử lý với các lỗi dừng, đỗ bắt khách dọc đường, thu tiền không trao vé cho khách, lắp thêm ghế phụ.

Mặc dù đã tăng nặng hình thức xử phạt, thậm chí giữ xe nhưng vi phạm xe khách vẫn diễn ra khi vắng bóng CSGT.

Trung tá Mẽ cũng khẳng định, ý thức hành khách là quan trọng chứ không chỉ trông chờ vào lực lượng CSGT.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hoàng Trung, GĐ Công ty Quản lý Bến xe Hà Nội cho rằng, mặc dù đã chấn chỉnh từ nhiều năm, nhưng việc dừng đón khách hiện vẫn chỉ trông chờ phần lớn vào ý thức của nhà xe và hành khách!

“Mỗi khi nhận được thông báo của lực lượng chức năng về vi phạm của nhà xe gửi về bến thì nhà xe và lái xe đều bị xử lý đình tài. Tuy nhiên, doanh nghiệp khoán quản doanh thu cho lái phụ xe nên vì lợi ích kinh tế, tình trạng xe khách bắt khách dọc đường dường như chưa có bài toán giải quyết” - ông Trung đánh giá. 

Dù bị xử lý nhưng xe dù vẫn ngang nhiên hoạt động.

Ông Hoành Văn Mạnh, Phó chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội cũng cho rằng, xe "dù" tồn tại được chính là một phần do lỗi của hành khách. Hành khách ngại vào bến mua vé, hay đứng dọc đường bắt khách hoặc hẹn xe ở một địa điểm gần nhà... đã vô hình chung tạo "đất" cho xe "dù" hoạt động. Tuyến có nhiều xe "dù" vi phạm nhất là các tuyến cự ly ngắn.

Không thể phủ nhận xe "dù" tồn tại có một phần do lỗi của hành khách, nhà xe. Nhưng rõ ràng để xảy ra tình trạng xe “dù” bắt khách dọc đường, lực lượng chức năng (TTGT, SSGT, và CSTT…) cũng có trách nhiệm không nhỏ.

Do bến xe quá tải!

Ông Nguyễn Hoàng Trung cho biết: Hiện nay Bến xe Giáp Bát xuất bến 800 lượt xe, bến xe Gia Lâm có 400 lượt xe ra vào trong khi nếu xếp khéo thì bến cũng có thể nhận thêm khoảng 200 lượt xe.

Với Bến xe Mỹ Đình có tần suất 1.300 lượt xe/ngày, mặc dù mới xây dựng năm 2004, song bến này đã không còn sức để “gánh” thêm xe.

Bến xe Mỹ Đình quá tải.

Theo Trung tá Mẽ, để giải quyết dứt điểm, điều phải làm trước tiên là trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong việc quy hoạch bến xe.

Bến xe Mỹ Đình theo thiết kế công suất tiêu chuẩn năm 2004 là 600 lượt xe/ngày nhưng từ năm 2009 đến nay lưu lượng xe xuất bến cao hơn gấp hai lần. Diện tích bến không đủ chứa xe nên thời gian xe đỗ ít, lệnh xe xuất bến sẽ phải giãn đều và có sự điều chỉnh phù hợp với số lượng có trong bến.

Một xe vào bến trước kia được “nằm” lại 20 phút bắt khách ở bến nhưng giờ đông xe đã phải rút ngắn còn 5 – 10 phút, trong khi nhu cầu đi lại không cao. Số xe này sẽ “đùn” hết ra đường cộng với ý thức hành khách vẫn đứng dọc đường “vẫy” xe thì không thể chấm dứt được thực tế xe bắt khách dọc đường

Vũ Điệp