Đó là trường hợp của anh N.X.A (41 tuổi, Hà Nội). Cách đây 3 tuần, gia đình anh X.A mắc covid-19 nên mua máy đo SpO2 để theo dõi tại nhà. 

Tuy nhiên anh X.A được phát hiện khi ngủ thường xuyên có những cơn tụt oxy máu xuống rất thấp. Người nhà quan sát thấy có khi chỉ số chỉ còn dưới 70%.

Sợ di chứng tim, phổi do Covid-19, anh X.A đến khám tại Trung tâm hô hấp. Tại đây, các bác sĩ khai thác thấy anh có các triệu chứng như ngủ ngáy, đau đầu, buồn ngủ ban ngày, mất tập trung công việc từ rất lâu nhưng chưa được phát hiện và chẩn đoán bệnh.

Anh X.A được đo đa kí giấc ngủ tại Trung tâm Hô hấp. Kết quả đo cho thấy, bệnh nhân mắc chứng ngừng thở khi ngủ mức độ nặng, cơn ngừng thở dài nhất kéo dài 70 giây và SpO2 thấp nhất là gần 50%. Ngay lập tức bệnh nhân được tư vấn điều trị bằng phương pháp thở máy CPAP. Bước đầu cho thấy đáp ứng tốt, bệnh nhân đỡ buồn ngủ, tỉnh táo trong ngày hôm sau.

Theo các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai, ngừng thở khi ngủ (OSA) là một bệnh lí thường gặp hiện nay, tuy nhiên bệnh lại ít được biết đến và quan tâm trong cộng đồng mặc dù có thể có các biến chứng rất nặng nề, thậm chí tử vong. 

Tỷ lệ mắc bệnh tại Bắc Mỹ là 15-30% ở nam và 10-15% ở nữ. Các ước tính toàn cầu cho thấy có hơn 936 triệu người mắc bệnh lí trong độ tuổi từ 30-69 tuổi. Các yếu tố liên quan chính là tuổi, giới, béo phì và các bất thường về đường thở. 

Ngừng thở khi ngủ nếu không được phát hiện và điều trị kịp thởi có thể gây ra thiếu oxy toàn thân, ảnh hưởng đến các cơ quan như tim, phổi, thận, tuyến tụy, não… từ đó gây rối loạn chuyển hóa, tăng huyết áp, tăng nguy cơ nhồi máu não, nhồi máu cơ tim và đột tử. Hiện nay tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán ngừng thở khi ngủ là đo đa kí hô hấp và đa kí giấc ngủ.

Theo các bác sĩ, nếu có các triệu chứng lâm sàng nghi ngờ ngừng thở khi ngủ như ngủ ngáy, buồn ngủ ban ngày, đau đầu sau khi thức dậy, hãy đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Ngọc Trang