- Sau gần nửa tháng Hà Nội tổ chức phân làn phương tiện trên 4 tuyến phố: Bà Triệu, phố Huế - Hàng Bài, Đại Cồ Việt – Trần Khát Chân, Giải Phóng, đến này tình trạng người đi sai làn vẫn diễn ra phổ biến...

Vi phạm vẫn phổ biến

Theo ghi nhận của PV trên các tuyến phố được phân làn, tình trạng lộn xộn, đi sai làn đường vẫn diễn ra phổ biến, nhất là tình trạng xe máy đi vào làn đường của ô tô.

Trên tuyến phố Trần Khát Chân – Đại Cổ Việt, tại các điểm cắm biển chỉ dẫn phương tiện, có dải phân cách mềm đều có lực lượng Thanh tra giao thông đứng cắm chốt để chỉ dẫn phương tiện đi đúng làn đường.

Tuy nhiên, do lượng phương tiện vào buổi sáng đông, nên tình trạng xe máy đi vào làn của ô tô khá phổ biến, lực lượng Thanh tra phải liên tục tuýt còi nhắc nhở, hướng dẫn người dân đi đúng làn.

Tương tự, trên tuyến Phố Huế, rất nhiều xe máy sau khi qua những đoạn có lực lượng Thanh tra đứng chốt và dải phân cách cứng liền lấn sang phần đường dành cho ô tô.

Tình trạng xe máy lấn làn dành cho ô tô vẫn diễn ra phổ biến

Theo một Thanh tra đứng chốt tại tuyến đường này, sau gần nửa tháng tổ chức phân làn phương tiện, nhiều người dân đã ý thức được và đi đúng làn đường theo chỉ dẫn quy định. Tuy nhiên vẫn còn rất nhiều người đi lấn đường, nhất là tình trạng xe máy lấn đường ô tô.

Trong thời gian đầu, lực lượng Thanh tra và Cảnh sát giao thông chỉ đứng ra chỉ dẫn người dân, chứ chưa tổ chức phạt người vi phạm.

Ngoài ra, theo ghi nhận của PV, đã xuất hiện một số bất cập phát sinh. Cụ thể, tại các nút giao không có đèn đỏ, như nút giao Thịnh Yên – Phố Huế, vào đầu giờ sáng tuyến Phố Huế đông phương tiện, nếu có ô tô đi từ phố Thịnh Yên ra bắt buộc phải chạy cắt ngang làn đường của xe máy để sang phần đường cho ô tô, dẫn đến tình trạng tắc nghẽn, lộn xộn tại các nút giao này.

Trên tuyến phố Bà Triệu và Phố Huế - Hàng Bài có nhiều điểm giao cắt, việc sang đường của các phương tiện rất khó khăn khi phải mở rộng vòng cua để đi đúng làn đường, khiến tốc độ di chuyển bị chậm lại, gây ùn ứ.

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó chánh Thanh tra giao thông (Sở GTVT Hà Nội) cho biết: “Sau hơn 10 ngày chính thức tổ chức phân làn, ý thức của người dân đã bắt đầu có chuyển biến, tình trạng lấn làn đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, vi phạm vẫn còn, chủ yếu là xe máy lấn làn của ô tô”.

Theo ông Cường, để người dân tuân thủ đi theo làn đường quy định thì cần một thời gian dài. Trước mắt lực lượng chức năng ưu tiên nhắc nhở, chỉ dẫn cho người dân đi đúng làn đường là chính, còn chưa xử phạt.

Ông Nguyễn Xuân Tân, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội cũng cho biết: Tại các nút giao, khi ô tô hoặc xe máy có nhu cầu rẽ phải đi vào phần đường cho phương tiện khác, nếu có va chạm xảy ra sẽ tùy thuộc vào những tình tiết cụ thể để xác định ai đúng, ai sai. Còn không thể nói là xe vì xe máy đi sang đường ô tô nên xe máy sai, và ngược lại.

Sẽ phân làn tuyến quốc lộ 6

Theo kế hoạch được Sở GTVT và Công an Thành phố Hà Nội thống nhất, tuyến đường phân làn dài hơn 5km, từ Ngã Tư Sở đến nút giao Quang Trung - Lê Trọng Tấn (Hà Đông), toàn tuyến chủ yếu được tách làm 2 làn xe: phần đường giành cho xe ô tô và xe máy, xe thô sơ với mặt cắt các làn lòng đường là 3,75 và 2,75.

Trong cuộc họp liên ngành giao thông vận tải mới đây, các bên đi tới thống nhất, đoạn Nguyễn Trãi (từ Ngã Tư Sở -  Triều Khúc), sẽ được thí điểm phân thành 3 làn, theo hướng mặt đường ngoài sẽ chia thành hai làn, là làn dành cho ô tô và làn dành cho xe máy, xe thô sơ.

Riêng làn đường dành cho xe buýt hiện nay vẫn ưu tiên cho xe buýt, cùng với các loại phương tiện vận tải hành khách khác như: xe khách, taxi, xe đưa đón học sinh, cán bộ nhân viên (riêng xe khách dưới 12 chỗ có thể đi cả làn dành cho ô tô, lẫn làn ưu tiên phía trong).

Trên tuyến này, các phương tiện được phép đi vào để rẽ nhà, cơ quan. Trường hợp ô tô, xe máy có tình lần vào làn này để đi sẽ là vi phạm, sẽ bị lực lượng chức năng xử lý nghiêm.

Riêng đoạn đường từ Triều Khúc tới nút giao Quang Trung – Lê Trọng Tấn (Hà Đông) sẽ chia làm hai làn: làn ô tô và làn xe máy, xe thô sơ, riêng xe buýt vẫn hoạt động trên làn phía trong dành cho xe máy như hiện nay.

“Với thực tế hiện nay, lượng phương tiện quá lớn, đặc biệt là xe máy, trong giờ cao điểm, lực lượng chức năng sẽ linh hoạt trong việc phân làn để đảm bảo đường thông thoáng, tiện lợi cho người dân”, ông Nguyễn Quốc Hùng - GĐ Sở GTVT nói.

Đại tá Trần Thùy, Phó giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho biết: Việc phân làn, hay nói chính xác hơn là tách iofng phương tiện, cần phải cân nhắc làm sao để khi các phương tiện tham gia giao thông, nhất là khi có nhu cầu rẽ phải, rẽ trái đều được đảm bảo an toàn là trên hết.

Gia Văn