Kho tàng ấy là vốn quý cần được sưu tầm, khai thác, bảo vệ và phát huy tác dụng trong công tác giáo dục truyền thống, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Trong gia tài khá đồ sộ với 30 đầu sách in riêng về Hà Nội của Nhà nghiên cứu Giang Quân có 1 cuốn sách viết về đất Thăng Long ngàn năm văn hiến qua ca dao – ngạn ngữ. Ở đây, tác giả đề cập tới hình ảnh đất và người Thủ đô nước Việt được đúc kết trong kho tàng văn hóa dân gian. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.


Thăng Long, Hà Nội đô thành/ Nước non ai vẽ nên tranh họa đồ


Trong kho tàng ca dao dân gian Việt Nam có biết bao câu ca nói về Thăng Long - Hà Nội, ca ngợi cảnh đẹp, ca ngợi con người, phản ánh đời sống nơi kinh thành hoa lệ.

Cùng với sự thăng trầm của lịch sử, mảnh đất này khi là Thủ đô đất nước, khi bị ngoại xâm chiếm đóng, nhưng rồi lại trở về với nhân dân, lại giữ vai trò trung tâm chính trị - văn hóa - kinh tế của đất nước: Thăng Long, Hà Nội đô thành/Nước non ai vẽ nên tranh họa đồ /Cố đô rồi lại tân đô /Nghìn năm văn vật bây giờ vẫn đây.

Hà Nội nằm giữa một vùng sông nước với những ngã ba sông, lại có núi Nùng trấn trung tâm. Ba Vì, Tam Đảo, Sóc Sơn bao phía bắc, tạo nên thế “rồng cuộn hổ ngồi”: Sông Tô một giải lượn vòng /Ấy nơi liệt sĩ anh hùng giáng sinh /Sông Hồng một khúc uốn quanh /Văn nhân tài tử lừng danh trong ngoài.

Hà Nội còn đẹp bởi: Giữa nơi thành thị có hồ xanh trong

Hà Nội không chỉ giàu có về di tích, danh lam thắng cảnh, về đình, đền, chùa, về kiến trúc, điêu khắc, về cổ vật… mà còn là một kho tàng vô cùng phong phú về văn hóa - văn nghệ dân gian phi vật thể.

Đó là hàng nghìn câu ca dao, ngạn ngữ, làn điệu hát, khúc nhạc, hàng trăm truyện cổ tích, truyền thuyết, huyền thoại, câu đối, truyện cười, hàng trăm trò chơi, thú chơi dân dã cũng như những mỹ tục thuần phong thanh lịch mang sắc thái riêng biệt của Thăng Long - Hà Nội có bề dày nghìn năm lịch sử, tinh hoa của nền văn hiến Việt Nam.

Kho tàng ấy rất ít được ghi lại thành văn bản mà chủ yếu được truyền tụng từ đời này sang đời khác. Trong quá trình lưu truyền ấy nó được bổ sung, chỉnh lý, sửa đổi cho phù hợp với từng thời đại và cả với tầng lớp giai cấp mà nó phổ biến. Cho nên văn hóa phi vật thể thường có nhiều lối kể, cách diễn đạt cũng như chi tiết nội dung khác nhau. Tính dị bản ở nó là tất nhiên. Nó còn được dùng lẫn ở nhiều địa phương với công thức “bình chung, rượu riêng”.

Thí dụ như trong ca dao miêu tả ngợi ca quê hương làng xóm, nhiều nơi ứng dụng lẫn của nhau chẳng biết ai lấy của ai, câu nào ra đời trước nữa: Hỡi cô thắt lưng bao xanh/Có về Kẻ Bưởi với anh thì về; Hỡi cô mà thắt bao xanh/Có về Kim Lũ với anh thì về; Hỡi cô thắt lưng bao xanh/Có về Kẻ Vẽ với anh thì về… Hà Nội cũng là quê hương của nhiều lễ hội nổi tiếng thiên hạ: Ai ơi mồng chín tháng tư/Không đi hội Gióng cũng hư mất đời; Nhớ ngày hăm ba tháng ba/Dân trại ta vượt Nhị Hà thăm quê…


Long thành bao quản nắng mưa/ Cửa Ô Quan Chưởng bây giờ còn đây

Ca dao còn phản ánh một Thăng Long - Hà Nội có bề dày lịch sử và quá khứ anh hùng: Long thành bao quản nắng mưa/ Cửa Ô Quan Chưởng bây giờ còn đây…Trời cao biển rộng đất dày/Núi Nùng, sông Nhị, chốn này làm ghi..

Ca dao, ngạn ngữ xưa phản ánh đủ các mặt của xã hội, từ phong tục tập quán, lễ nghi, lối sống, nghề nghiệp, tính cách con người, đến đấu tranh các thói xấu, tệ nạn đương thời, giúp cho các nhà nghiên cứu lịch sử có thêm dữ liệu. Qua bài ca dao “Vui nhất là chợ Đồng Xuân” ta thấy cảnh nhộn nhịp của cái chợ lớn nhất kinh thành. Nào là “Cổng chợ có chị hàng hoa/Có người đổi bạc chạy ra chạy vào/Lại thêm “sực tắc” bán rao…” cho đến “Có người bán lược bán gương/Có người bán cả hòm rương, tủ quầy/Có người bán dép, bán dày/Có người bán cả ghế mây để ngồi…”.

Đất lề Kẻ Chợ còn là nơi lắm người  “Khéo tay hay nghề” và những đặc sản quý hiếm: “Lĩnh hoa Yên Thái, đồ gốm Bát Tràng, thợ Vàng Định Công, thợ đồng Ngũ Xã”, “Mực cầu Cậy, giấy làng Hồ”, “Sù, Gạ thì giỏi chăn tằm, làng La canh cửi, làng Đăm bơi thuyền”… và cá rô đầm sét, sâm cầm Hồ Tây, cốm Vòng, gạo tám Mễ TrìLại còn những làng hoa: Ngọc Hà, Hữu Tiệp, Tây Hồ, Nghi Tàm, Nhật Tân… làm ngẩn ngơ các du khách đến thăm - trước cảnh đẹp, người đẹp, đã thốt lên: Hỏi người xách nước tưới hoa/Có cho ai được vào ra chốn này.

Nhưng bên cạnh cái “phồn hoa đệ nhất kinh đô” ấy, ca dao đã không quên một thực tế của dân nghèo Hà Nội dưới thời Pháp thuộc: Văn minh đèn điện sáng lòe/Thông thương kỹ nghệ mọi bề chấn hưng/ Chỉ cánh áo ngắn khốn cùng/Làm lụng suốt tháng vẫn không đủ dùng/ Bữa cơm, bữa cháo nhạt nhùng/ Thôi đành nheo nhóc bọc đùm lấy nhau.

Ca dao không né tránh đấu tranh, sẵn sàng vạch mặt: Ông quan ở huyện Thanh Trì/ Miếng mỡ thì lấy, miệng bì thì chê…

Người Hà Nội thường tự hào với câu ca dao xưa: Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/Dẫu chưa thanh lịch cũng người Tràng An hoặc: Chẳng thơm cũng thể hoa mai/Chẳng lịch cũng thể con người Thượng Kinh. Tràng An, Thượng Kinh là chỉ kinh đô, là Thăng Long, Hà Nội. Trong cuộc sống vận động nếp sống văn minh, câu ca dao đã biến dạng thành: Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/Chẳng thanh lịch cũng là người Thủ đô… Thay hai tiếng Thủ đô cho rõ ràng, rành mạch hơn.

Trong kho tàng ca dao Hà Nội cũng còn bao nhiêu câu khác hình tượng hóa sự thanh lịch ấy: Đất tốt trồng cây rườm rà/Những người thanh lịch nói ra dịu dàng; Người thanh nói tiếng cũng thanh… 

Thanh, lịch đã trở thành truyền thống của người Thăng Long - Hà Nội, một vầng sáng của tâm thức Việt Nam. Nói đến “thanh” là nói đến sự thanh cao trong tư tưởng, đạo đức, tình cảm, tâm hồn; là nói đến thanh nhã trong nói năng, hành động; là nói đến thanh đạm trong cuộc sống đời thường và thanh liêm với của cải xã hội. Còn “lịch”, phải chăng là đề cập đến sự lịch lãm - xem nhiều, lịch duyệt - hiểu rộng, lịch thiệp trong giao tiếp và trong ứng xử. Nếu như ở vế “thanh”, con người phải học tập, rèn luyện tu dưỡng mới có thì ở vế “lịch” lại do sự từng trải và kinh nghiệm sống đúc kết nên. Phải có cả thanh và lịch mới đầy đủ, trọn vẹn.

Thăng Long - Hà Nội là chốn hội tụ tinh hoa đất nước, trong đó có tinh hoa phẩm chất nhân cách và lối sống. Không chỉ hội tụ, mảnh đất trái tim tổ quốc này còn sàng lọc, kết tinh hương hoa trăm miền đề tạo nên bản sắc thanh lịch tiêu biểu cho mình, cho dân tộc mình, để rồi lại tỏa sáng ra trăm miền...

Thanh lịch không phải là thứ trừu tượng, nó được thể hiện rõ rệt trên nhiều mặt của cuộc sống, trong nhiều lĩnh vực: ăn nói, ăn mặc, ăn học, ăn làm, ăn ở, ăn uống, cho đến ăn chơi trong lối sống và trong các phong tục, tập quán khác. Nó cũng không phải là thứ bất biến mà có thay đổi điều chỉnh, hoàn thiện, bổ sung, tước bỏ qua từng thời đại lịch sử, qua mỗi chế độ xã hội, để thích ứng với cuộc sống và phần nào phù hợp với luật pháp đương thời.


Thanh lịch đã trở thành truyền thống của người Thăng Long - Hà Nội

Những câu ca dao - ngạn ngữ nói về cổ tích, truyền thuyết Hà Nội nếu không dựng lại hình tượng của những nhân vật anh hùng chống giặc cứu dân thì cũng là phản ánh công cuộc xây dựng đất nước, thể hiện ý chí bất khuất, lòng yêu chuộng hòa bình, chính nghĩa của nhân dân ta. Truyện Ông Gióng lên ba đã xin vua đúc ngựa sắt, roi sắt diệt giặc Ân, lập xong chiến công kỳ vĩ đã không màng danh lợi, phi ngựa sắt về trời.

Truyện đức Thánh Chèm - người dũng sĩ khổng lồ đã vang danh ngoài biên ải nước láng giềng, giàu sang phú quý không níu được chân, vẫn trở về nằm xuống ở mảnh đất quê hương. Truyện An Dương Vương xây thành ốc được thần tiên giúp đỡ. Truyện ông Không Lộ dùng phép màu thu đồng đen của nước phương Bắc đem về đúc chuông, chuông gióng lên Trâu Vàng từ bên đó lồng sang giẫm nát một vùng thành Hồ Tây, rồi chạy về phía Đông Nam, dấu chân vạch nên sông  Kim Ngưu bây giờ.

Thực và ảo đan xen, tạo màn sương bao phủ lên cảnh vật, làm cho không gian Thăng Long - Hà Nội thêm diệu huyền đậm đà chất tâm linh cổ kính.

Kho tàng văn nghệ dân gian ấy là vốn quý cần được sưu tầm, khai thác, bảo vệ và phát huy tác dụng trong công tác giáo dục truyền thống, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Lấy xưa phục vụ nay là phương châm đúng đắn của việc bảo tồn di sản văn hóa.

Qua ca dao cổ Hà Nội, ta càng thêm yêu mảnh đất nghìn năm văn vật. Mảnh đất đã nuôi dưỡng tâm hồn ta lớn lên cùng đất nước và Hà Nội cũng lớn lên cùng với dân tộc Việt Nam bất khuất, kiên cường.

Sưu tầm