- Theo phản ánh của người dân, việc đặt trạm trộn bê-tông tươi trên đất nông nghiệp gần 1 năm qua tại xã Vân Canh (huyện Hoài Đức, Hà Nội) đã gây ảnh hưởng đến việc sản xuất nông nghiệp và xáo trộn đời sống.
VietNamNet nhận được phản ánh người dân các xã Tây Mỗ, Vân Canh (Hà Nội) đang khốn đốn vì "sống chung" với nước thải từ các trạm trộn bê-tông đặt trái phép trên đất nông nghiệp tràn ra gây tắc cống, mương thoát nước.
Hàng ngày có hàng trăm lượt xe bồn vận chuyển bê-tông tươi gây ồn ào, khói bụi ô nhiễm...
Mặt đường vỡ vụn |
Nhiều người bức xúc, hoạt động trạm trộn bê-tông tươi gần 1 năm qua đã làm xáo trộn đời sống. Nước thải từ các trạm trộn này cuốn theo vật liệu xây dựng, nước xi-măng… gây tắc cống và mương thoát nước. Khu vực đang bị ô nhiễm này nằm đối diện với khu du lịch Thiên đường Bảo Sơn.
Đời sống xáo trộn
Cụm công nghiệp vừa và nhỏ được quy hoạch tại thôn Kim Hoàng (xã Vân Canh) từ khi tỉnh Hà Tây chưa sáp nhập về Hà Nội. Hiện, có khoảng gần chục công ty đang đặt trụ sở tại cụm công nghiệp này.
Nằm liền kề với cụm công nghiệp Kim Hoàng là đất canh tác nông nghiệp của xã Vân Canh và thôn Miêu Nha (xã Tây Mỗ, huyện Nam Từ Liêm).
Con đường gần 1km dẫn vào cụm công nghiệp trước kia được trải nhựa kiên cố, bề rộng chừng 5m.
Đến nay, mặt đường bị vỡ vụn vì hàng trăm chuyến xe chở bê-tông tươi ra vào cả ngày đêm cày nát. Những ổ voi, ổ trâu nhấp nhổm cùng với khói bụi mù mịt mỗi khi có xe bồn ra vào.
Hàng trăm lượt xe bồn vận chuyển bê-tông từ trạm trộn mỗi ngày |
Hệ thống cống thoát nước được xây dựng khá kiên cố từ khu vực trạm trộn để đấu nối với con mương thoát nước chung của cả cụm công nghiệp. Theo phản ánh của người dân, khi chưa có trạm trộn bê tông, con mương này to như một con kênh - là hệ thống tươi tiêu của cả cánh đồng thôn Miêu Nha và thôn Kim Hoàng thuộc hai xã Tây Mỗ và Vân Canh.
Gần một tháng nay, nước thải từ trạm trộn bê-tông đã dồn ứ theo cống thoát nước đổ dồn ra con mương duy nhất của hai thôn. Cống thoát nước xuất phát từ khu trạm trộn bê-tông được xây dựng kiên cố bê-tông hóa, có kè hai bên. Đáy cống được tráng lớp bê-tông nền.
Dù đã kiên cố hóa, nhưng cống thoát nước này đã bị bê-tông, xi măng dư thừa từ trạm trộn ùn ra, đóng cặn thành từng mảng dưới đáy. Bên trên bề mặt, lớp xi măng đọng lại thành từng mảng, ùn ứ, dày đặc khiến nước thải không có chỗ thoát.
Theo đường chảy của cống thoát, nước xi măng tràn ra chiếc mương tưới tiêu của hai thôn, tiếp tục cô lại thành từng mảng lấp đầy cả mương nước.
Liền kề với cống thoát nước và chiếc mương thủy lợi là một ao cá của một hộ dân trong vùng. Trước kia, chiếc ao này được người thuê nuôi thả cá. Thế nhưng, từ khi nước xi-măng của trạm trộn tràn ra, nước ao chuyển sang màu xanh lét. Trên mặt ao, lớp váng xi-măng tích thành từng mảng khiến không loại cá nào có thể sinh sống được.
Ông T., bảo vệ của công ty có trụ sở liền kề với mương thoát nước than phiền: “Bụi bẩn, đường nứt toác, vỡ vụn thành ổ trâu ổ bò. Xe trọng tải lớn rầm rập chạy ngày đêm. Ngay như đám cây dại bên đường, lá bị lớp bụi phủ lên dày trắng xóa”.
Cống thoát nước từ trạm trộn bị đặc quánh vì xi măng thải ra bên ngoài... |
Để giảm bụi, ông T. hàng ngày phải đưa một vòi nước để cho nó chảy lênh láng như người ta rửa đường. Thế nhưng, giải pháp của ông T. cũng chỉ khắc phục được đoạn đường chừng vài mét trước cổng công ty.
Nhiều lần có văn bản đình chỉ hoạt động
Theo tìm hiểu của VietNamNet, vị trí đang đặt các trạm trộn bê-tông nói trên vốn là đất nông nghiệp. Trước kia, khi Hà Tây chưa sáp nhập về Hà Nội, chủ đầu tư xin lập dự án xây dựng trại dưỡng lão cho người cao tuổi. Tỉnh Hà Tây mới đồng ý về mặt nguyên tắc chấp thuận cho phép chủ đầu tư nghiên cứu, lập phương án xây dựng hồ sơ dự án.
Kể từ khi Hà Tây sáp nhập về Hà Nội, dự án vẫn chỉ là trên giấy và chưa được bất kỳ cấp có thẩm quyền nào ra quyết định cho phép chủ đầu tư triển khai hay không.
Hơn chục năm trôi qua, chủ sử dụng đất hiện nay đã tự ý chuyển đổi mục đích, cho các đơn vị vào đổ vật liệu xây dựng...
Đã rất nhiều lần người dân thôn Miêu Nha có đơn kiến nghị ra chính quyền xã, nhưng sự việc không được xử lý. Rất nhiều hộ dân đã chán nản bỏ hoang ruộng không canh tác.
Chiều 13/12, ông Nguyễn Viết Khánh, Chủ tịch UBND xã Vân Canh cho hay, quy hoạch cụm công nghiệp vừa và nhỏ của huyện Hoài Đức tại xã Vân Canh không có nhà máy hay trạm trộn bê-tông.
“Việc đặt trạm trộn trên đất nông nghiệp là trái pháp luật. Chúng tôi cũng cử cán bộ địa chính xã, phó chủ tịch phụ trách xây dựng kiểm tra, báo cáo lên huyện. Thanh tra xây dựng của huyện Hoài Đức đã vào cuộc và nhiều lần có văn bản đình chỉ hoạt động của các trạm trộn này” - ông Khánh nói.
Thái Bình