Trước khi được phủ sóng mạng 3G/4G, việc tiếp cận công nghệ thông tin của người dân tại xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang) gặp nhiều khó khăn, hạn chế.
Ông Hồ Phú Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc cho hay, từ thực trạng trên địa phương đã phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp liên quan triển khai lắp đặt nhiều trạm phát sóng di động (BTS), trao tặng 50 điện thoại thông minh, sim 4G… cho các hộ gia đình có điều kiện khó khăn tại 2 thôn Tà Lang và Giàn Bí.
Đến nay, 100% hộ gia đình tại 2 thôn này đã có điện thoại thông minh, từng bước nâng cao đời sống người dân. Nhờ đó, xã đã triển khai rộng rãi mô hình điểm ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số tại một số thôn để hướng dẫn người dân thành tựu công nghệ, thông tin và hỗ trợ các hộ kinh doanh, sản xuất tham gia các sàn thương mại điện tử, nền tảng mạng xã hội.
Được hưởng lợi nhiều từ các chính sách, hoạt động, hỗ trợ phát triển hạ tầng viễn thông của thành phố, ông Đinh Văn Hin, Trưởng thôn Tà Lang (xã Hòa Bắc) bày tỏ, từ khi mạng 4G được triển khai, đời sống người dân có nhiều chuyển biến tích cực.
Thôn đã đạt một số thành tích tiêu biểu như 80% người dân trong độ tuổi có tài khoản định danh điện tử mức độ 2; 100% người dân trong độ tuổi có tài khoản dịch vụ công; 64,3% người dân có tài khoản thanh toán không dùng tiền mặt…
Huyện Hòa Vang là nơi tập trung sản xuất nông nghiệp, trồng trọt chính của thành phố, vì vậy phát triển mạng 4G/5G tạo thuận lợi cho thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, mở ra cơ hội sản xuất nông sản, sản phẩm địa phương ra thị trường lớn hơn.
Ông Nguyễn Thúc Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang thông tin, về công ích, huyện đã phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông hỗ trợ 938 máy điện thoại thông minh cho hộ nghèo, cận nghèo; triển khai 100% khu vực có dân cư trên địa bàn huyện được phủ sóng 4G.
Đối với 5G, đã phát sóng 17 trạm cho 10/11 xã (riêng tại xã Hòa Phong sẽ hoàn thành trong cuối năm 2024). Tính đến nay, có 82,4 % (132.762/161.128 điện thoại thông minh) tổng số người dân có điện thoại thông minh; 100% nhà văn hóa thôn đều có wifi miễn phí, đáp ứng nhu cầu sử dụng internet của người dân, góp phần nâng cao trình độ dân trí, kết nối với chính quyền trong thực hiện dịch vụ công và đẩy mạnh công tác tuyên truyền.
Việc phủ sóng, nâng cấp hạ tầng viễn thông tạo giá trị phát triển bền vững cho ngành du lịch, dịch vụ và kinh tế nông thôn. Tại một số khu du lịch sinh thái trên địa bàn huyện như Glamping Farm, An Phú Farm, An Sơn Farm, Raku Farm đang gặp trở ngại khi hạ tầng viễn thông chưa bảo đảm, mạng di động thiếu, yếu, chập chờn. Vấn đề này gây cản trở cho phát triển của du lịch, dịch vụ tại những khu vực xa dân cư.
Như tại khu du lịch kết hợp với phát triển nông nghiệp Bana Rita Glamping Farm (xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang) với tổng diện tích hơn 50ha, mỗi năm nơi đây đón hơn 15.000 khách nhưng hạ tầng mạng di động 3G/4G vẫn chập chờn, sóng yếu, một số điểm trải nghiệm không có mạng.
Ông Lê Thanh Tuấn, Giám đốc Bana Rita Farm Charmping cho biết, nhiều du khách đã góp ý cho khu du lịch cần bổ sung các trạm phát sóng để duy trì kết nối, liên lạc, phát trực tiếp.
Với phương hướng hình thành điểm đến du lịch số, ông hy vọng sớm nhận được sự quan tâm, đầu tư để đồng bộ về mặt hạ tầng để xây dựng một hệ sinh thái phát triển toàn diện và bền vững.
Ông Nguyễn Thúc Dũng cho hay, huyện đã thiết lập hệ thống cáp quang băng rộng cố định đến các thôn, bảo đảm 100% hộ dân tiếp cận dịch vụ cáp quang internet băng rộng, tốc độ cao khi có nhu cầu.
Địa phương đang phối hợp các doanh nghiệp viễn thông phổ cập viễn thông (Viettel, VNPT, Mobifone) hỗ trợ nâng cấp, bổ sung trạm phát sóng tại các khu du lịch, thưa dân cư.
Bên cạnh đó, tăng cường các hoạt động công ích cho hộ nghèo, cận nghèo nhằm phát triển các mục tiêu về nâng cao nhận thức, dân trí người đồng bào.
Bên cạnh đó, Sở Thông tin và Truyền thông có kế hoạch phát triển mạng viễn thông tầm thấp đối với những khu vực không thể phủ sóng bằng di động mặt đất hoặc không hiệu quả, khó lắp đặt, triển khai.
Dù tốc độ chậm hơn so với mạng tầm cao nhưng hệ thống viễn thông tầm thấp có ưu điểm: phạm vi hoạt động rộng lên đến 50km đối với các khu vực mở, 2-10km đối với khu dân cư; có thể kết nối đồng thời hàng nghìn thiết bị cùng lúc.
Đây là giải pháp để vận hành dịch vụ viễn thông tầm thấp để duy trì kết nối, phủ sóng hầu hết các cụm, khu vực hẻo lánh vì các cụm dân cư hoặc thôn, bản lõm sóng hiện nay rất nhỏ, chỉ khoảng 15-30 hộ dân.
Mục tiêu đến hết năm 2024, thành phố phấn đấu hoàn thành lắp đặt, bổ sung mạng 5G phủ sóng hơn 50% diện tích Đà Nẵng.
Theo CHIẾN THẮNG (Báo Đà Nẵng)