Viễn thông là ngành kinh tế kỹ thuật dịch vụ thuộc kết cấu hạ tầng của nền kinh tế quốc dân, đồng thời là động lực quan trọng để phát triển kinh tế số, xã hội số, góp phần nâng cao đời sống nhân dân và đảm bảo quốc phòng, an ninh.

trạm BTS.jpg
Kiểm tra, lắp đặt trạm thu phát sóng thông tin di động (BTS) tại khu du lịch Hồ Núi Cốc.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của hạ tầng viễn thông trong xây dựng chính phủ số, phát triển kinh tế số và xã hội số tại Việt Nam, thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thường xuyên chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông đẩy mạnh phát triển hạ tầng số phục vụ chuyển đổi số quốc gia.

Để hướng dẫn các địa phương thực hiện các quy định mới của Luật Viễn thông 2023, đồng thời tháo gỡ khó khăn trong phát triển hạ tầng kỹ thuật viễn thông tại các địa phương, Luật viễn thông 24/2023/QH15 có hiệu lực từ ngày 1/7/2024 đã quy định: “Tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, kinh doanh viễn thông để phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông băng rộng phổ cập, trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây theo hướng bền vững, hiện đại; hình thành hạ tầng số đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế số, xã hội số, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân”.

Theo đó, ngày 19/6/2024, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Công văn số 2382/BTTTT-CVT về việc tạo điều kiện, hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông. Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị UBND các tỉnh, thành phố, các cơ quan báo chí và truyền thông tại địa phương, hệ thống thông tin cơ sở tổ chức tuyên truyền phổ biến cho người dân biết kết luận của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chưa có bằng chứng cho thấy sóng điện tử của các trạm BTS có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người; ủng hộ xây dựng phát triển các trạm BTS nói riêng và phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông nói chung phục vụ phát triển kinh tế số, xã hội số, chính phủ số…

Để chuyển đổi số thành công thì hạ tầng số phải đi trước một bước. Hạ tầng số có vai trò quan trọng trong việc kết nối dữ liệu, đáp ứng phương thức quản lý thông minh. Thái Nguyên hiện nằm trong Top 10 tỉnh của cả nước dẫn đầu về hạ tầng số và là một trong những tỉnh sớm triển khai các nền tảng số phục vụ quản lý nhà nước, phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số trên địa bàn.

Thái Nguyên hiện tại có 07 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông; 1830 điểm thu phát sóng điện thoại di động (trạm BTS); tỷ lệ dân số thôn, bản được phủ sóng di động băng rộng 3G/4G đạt 99,8%; tỷ lệ hộ gia đình có điện thoại thông minh đạt 97%; tỷ lệ hộ gia đình có truy nhập internet băng rộng cáp quang đạt 76%;…

Để đẩy nhanh tiến độ phát triển hạ tầng viễn thông băng rộng trên địa bàn, ngày 04/7/2024, UBND tỉnh Thái Nguyên đã có Công văn số 3482/UBND-KGVX về việc hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông.

UBND tỉnh đề nghị các cơ quan thông tin, báo chí, hệ thống thông tin cơ sở của tỉnh tăng cường tuyên truyền, phổ biến các thông tin liên quan đến việc quản lý, phát triển các trạm BTS để người dân biết và ủng hộ việc xây dựng phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông phục vụ phát triển kinh tế số, xã hội số, chính phủ số; UBND các huyện, thành phố thực hiện và chỉ đạo các xã, phường, thị trấn, các cơ quan có liên quan bảo vệ cơ sở hạ tầng viễn thông, xử lý hành vi cản trở việc xây dựng hợp pháp, hành vi phá hoại, xâm phạm cơ sở hạ tầng viễn thông theo quy định; giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan thông tin, báo chí, hệ thống thông tin cơ sở trên địa bàn tỉnh thực hiện tuyên truyền đảm bảo hiệu quả, đúng quy định….

 Theo Trang thông tin điện tử chuyển đổi số Thái Nguyên