Ngày 25/6, Bệnh viện Ung bướu TPHCM cho biết vừa tiếp nhận một bé gái bị ung thư âm đạo hiếm gặp, được chuyển đến từ Bệnh viện Nhi Trung ương.

Theo đó, bé gái 3 tuổi (ngụ tỉnh Tuyên Quang) được chẩn đoán bị sarcoma cơ vân âm đạo (u cơ vân ác tính) rất hiếm gặp, vị trí bướu nằm sâu ở 1/3 trên âm đạo.

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội), trẻ được điều trị với phác đồ cập nhật nhất. Tuy nhiên sau khi phẫu thuật lấy phần lớn bướu chồi vào âm đạo và hóa trị đến liều tối đa (9 đợt), qua kiểm tra vẫn còn tồn lưu bướu trên vi thể người bệnh.

ung buou 1.jpg
Bé gái đang được xạ trị áp sát tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM. Ảnh: BVCC

Do bé còn quá nhỏ, vị trí bướu rất sâu, phẫu thuật không thể thực hiện, nguy cơ để lại rất nhiều di chứng, các bác sĩ nhận định điều trị lựa chọn tốt nhất trong trường hợp này là xạ trị áp sát khu trú vào nền bướu còn tồn lưu ở 1/3 trên âm đạo.

Chiều ngày 9/5, Bệnh viện Ung bướu TPHCM đã tiến hành hội chẩn trực tuyến liên bệnh viện với sự tham gia của các chuyên gia đến từ Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM, thống nhất phương án điều trị tốt nhất cho bệnh nhi là xạ trị áp sát. Đây là phương án kỹ thuật cao và phức tạp, rất ít trung tâm y khoa trên thế giới có thể thực hiện, nhất là với bệnh nhi nhỏ tuổi. 

Sau quá trình phối hợp và chuẩn bị, bệnh nhi được chuyển vào Bệnh viện Ung bướu TPHCM. Sáng ngày 4/6, đội ngũ các bác sĩ xạ trị, kỹ sư vật lý y khoa, kỹ thuật viên xạ trị và ê kíp gây mê đã tiến hành xạ trị thành công lần đầu cho bé.

Sau khi gây mê, đặt dụng cụ, chụp CT scan mô phỏng, lập kế hoạch điều trị đủ liều vào mô bướu, bảo tồn cơ quan lành, bé được nạp nguồn xạ trị. Liệu trình điều trị sẽ là 9 đợt xạ trị trong vòng 5 ngày. Với phương pháp điều trị tiên tiến này, triển vọng khỏi bệnh của bé là rất cao và để lại ít di chứng.

Theo Bệnh viện Ung bướu TPHCM, đây là ca xạ trị áp sát thứ 3 do 2 bệnh viện phối hợp thực hiện trong 2 năm qua.