Ngày 31/1, Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM cho biết, vừa phối hợp với bệnh viện Nhi đồng 1 thực hiên ca mổ cứu thai nhi bị bưới chèn ngang đường thở. Đây là ca mổ thứ 2 áp dụng phương pháp EXIT trong tháng qua.
Sản phụ 26 tuổi quê Đăk Nông, khám thai phát hiện thai nhi ở ở tuần thứ 24,5 có khối bướu bạch huyết to ở vùng cổ và cằm dưới. Người mẹ là một điều dưỡng quyết định giữ lại thai nhi vì đây là đứa con đầu tiên của chị.
19 ngày trước ca mổ, siêu âm cho thấy khối bướu từ vùng cổ lan lên dưới lưỡi rồi qua gò má trái dưới mắt. Khối bướu này quá lớn đã bít kín đường thở, đẩy lưỡi em bé ra khỏi miệng, bít kín thực quản.
Để cứu thai nhi, phải cần đến 2 ê-kíp phối hợp nhịp nhàng của hai bệnh viện: Nhi đồng 1 và Từ Dũ. Sau khi hội chẩn, cả hai đưa đến quyết định áp dụng kỹ thuật EXIT cho ca mổ bắt con vào ngày 29/1. EXIT được hiểu đơn giản là can thiệp bào thai ngay khi sinh.
Hai ê-kíp chạy đua với thời gian để cứu bé sơ sinh bị bướu chèn đường thở.Ảnh:BSCC
Ngay sau khi kíp mổ bắt con của BV Từ Dũ, em bé ngoi lên khỏi bụng mẹ, bánh nhau vẫn còn dính chặt thì bác sĩ Nhi đồng 1 lập tức vào phẫu thuật đặt nội khí quản cho bé.
Theo bác sĩ Phan Thanh Bình, Phó Trưởng khoa điều hành Khoa Chăm sóc trước sinh, Bệnh viện Từ Dũ, tư thế nửa trong bụng mẹ, nửa bên ngoài này đã giúp các bác sĩ sản và bác sĩ nhi có đủ thời gian thao tác đặt ống thở.
Chỉ có 2,5 phút để bác sĩ đặt ống thở giúp bé bước qua cửa tử. Ảnh: BSCC
Những trường hợp này sinh thường, cắt rốn ngay sau khi bé ra khỏi bụng mẹ sẽ tử vong ngay do không có oxy vì lúc này khối bướu bịt kín đường thở bé. Nên khi trong bụng mẹ em bé được cung cấp oxy qua dây rốn, giữ dây rốn khi bé vừa ngoi khỏi bụng mẹ đặt ống thở sẽ giúp bé bước qua cửa tử.
Ca mổ này đòi hỏi bác sĩ phỉ chạy đua với thời gian nếu không có thể ảnh hưởng tính mạng cả mẹ lẫn con. Kích thước khối bướu ước lượng khoảng 12x12. Sau khi bé được đặt ống thở đã chuyển qua BV Nhi đồng 1 chăm sóc.
Em bé được đặt ống thở thành công và chuyển về BV Nhi đồng 1 chăm sóc. Ảnh: BSCC
Bác sĩ Phan Thanh Bình cho biết thêm, những trường hợp u bạch huyết lớn chèn ép đường thở có thể khiến em bé tử vong khi vừa sinh xong. Nếu không có kỹ thuật EXIT, bác sĩ thường khuyến thai phụ nên hủy thai để đảm bảo an toàn.
Trước đó ngày 21/1, hai bệnh viện Nhi đồng 1 và BV Từ Dũ cũng đã mổ thành công ca tương tự cho một sản phụ 30 tuổi ở Phú Yên, cháu bé cũng có bướu tương tự song kích thước nhỏ hơn.
Kỹ thuật EXIT can thiệp bào thai khi chuyển dạ sinh, được áp dụng thành công ở Mỹ, Anh, Tây Ban Nha từ năm 2013. Kỹ thuật EXIT được áp dụng thành công sẽ giữ lại được nhiều thai nhi bị một số dị tật. Sau khi sinh, các bác sĩ sẽ sửa chữa dị tật cho các bé và có thể các bé sẽ phát triển như bình thường sau này.
Phan Nhơn
Hai bệnh viện phối hợp mổ thông đường thở cho bé trong bụng mẹ
- Bé có nguy cơ tử vong khi lúc cắt dây rốn do bị bướu chèn đường thở, hai bệnh viện sản và nhi đã phối hợp nhịp nhàng trong 8 phút để đặt nội khí quản cho bé khi chưa ra bụng mẹ.