Năm 2006, anh Konstantinos Karatsevidis học được một bài học, một kinh nghiệm để đời: "Miền Nam Trung Quốc là thủ phủ phần cứng của thế giới. Nếu bạn muốn làm ra một thứ gì đó liên quan đến đồ điện tử, bạn hãy du hành tới Thâm Quyến".
Karatsevidis học được điều này từ cha mẹ của mình, những người sở hữu một công ty phân phối thiết bị chữa cháy tại quê hương của anh, đất nước Ukraine. Một năm, cha mẹ anh đi công tác tới Thâm Quyến vài lần để làm việc với các nhà máy địa phương. "Tôi đã ký hợp đồng cũng như làm việc với các nhà cung cấp tới từ Trung Quốc từ khi còn là một cậu bé", chàng trai hiện tại đã 23 tuổi thổ lộ.
Các nhà cung cấp tại Trung Hoa ngày càng lớn mạnh, và tham vọng của cậu Karatsevidis cũng không kém cạnh. Ba năm trước, khi còn học đại học tại Phần Lan, Karatsevidis đã gặp Mikko Malhonen tại một bàn chơi poker. Giữa những quân bài cân não và trong một trò chơi phải tính toán kỹ rủi ro, lợi ích của việc đầu tư vào từng quân bài, hai người hiểu nhau hơn. Cùng có một tình yêu với đồ công nghệ, họ đã quyết định cùng nhau phiêu lưu.
Canh bạc đầu tiên
"Chúng tôi không biết mình sẽ phải làm gì đầu tiên", Karatsevidis nhớ lại. "Chúng tôi chỉ có duy nhất một ý tưởng cơ bản rằng sẽ làm một thứ gì đó tại Trung Quốc rồi bán chúng trên mạng, chủ yếu sẽ là ở Châu Âu với một cái giá rẻ hơn giá thị trường".
Hai người cũng gặp chút khó khăn trong ý tưởng. Một con robot hút bụi trong nhà thì quá kén người dùng. Một cái điện thoại thông minh không thể sống được trong một thị trường đã bão hòa smartphone. Cuối cùng, họ quyết định làm nên một chiếc tablet: thời điểm ấy, chiếc tablet tốt nhất trên thị trường chỉ có iPad.
Họ đã dồn số tiền tiết kiệm được cùng một khoản vay từ ngân hàng để đi tới Thâm Quyến du lịch và tiếp tục tìm hiểu về các nhà cung cấp tại đó. Bản thân là hai "con mọt công nghệ", họ đã đặt ra được những ý tưởng để "làm ra một chiếc tablet mà bản thân muốn dùng". Trung Quốc lúc ấy đang sản xuất hàng hóa với một tốc độ kinh hoàng, nên hai cậu chàng có được cái tablet đầu tiên trong thời gian rất ngắn – chỉ vài tuần chờ đợi.
Họ đặt tên sản phẩm của mình là Eve, bắt đầu bán phiên bản đầu tiên trên mạng với giá chỉ 149 Euro. "Công ty" của hai người lúc ấy mới chỉ có ... hai người.
Cộng đồng Eve đầu tiên
Karatsevidis thừa nhận rằng chiếc tablet này có thiết kế bề ngoài không đẹp đẽ gì mấy, thế mà họ vẫn có thể bán được vài ngàn cái do giá thành quá rẻ. Eve có lẽ vẫn đã có thể tiếp tục chiến lược kinh doanh dễ kiếm tiền của mình: lắp ráp hàng hóa tại Trung Quốc với giá thành rẻ, bán lại hàng tại thị trường Châu Âu với giá cao hơn chút. Nhưng họ đã thay đổi ý kiến, nói đúng ra là đã được truyền cảm hứng từ chính cộng đồng sử dụng thiết bị này.
"Chúng tôi để ý thấy rằng đã có nhất nhiều độc giả từ các blog công nghệ tham gia, đa số là chỉ trích thiết bị, hỏi tại sao chiếc tablet lại thiếu cái này cái kia, và chúng tôi nhận ra rằng họ nói rất có lý".
Chiếc tablet đầu tiên của cặp bài trùng này được thiết kế dựa trên những gì mà Karatsevidis và Malhonen ưa thích trên một thiết bị tablet. Họ tự hỏi rằng tại sao lại không chiều lòng người dùng trong sản phẩm thứ hai của mình? Và thế là họ dùng WhatsApp liên lạc với từng cá nhân người thắc mắc, hỏi về những khía cạnh nào mà người dùng muốn cải thiện trên chiếc tablet đời đầu tiên.
Trước khi hai anh chàng kịp nhận ra, thì nhóm chat trên WhatsApp đã lên tới vài chục người thảo luận.
Và may mắn là họ nhận ra kịp lúc, rằng chiến lược kinh doanh ban đầu của mình không còn áp dụng được nữa. Họ đã có một cộng đồng ủng hộ (dù chỉ vài chục người), và cộng đồng ấy muốn một thứ gì đó mạnh mẽ hơn, kiểu cách hơn. Tuy nhiên, họ cần số vốn và nguồn lực lớn hơn để có thể làm ra một sản phẩm như thế.
Những cái bắt tay đầu tiên với hai ông lớn
"Ý tưởng về chiếc tablet mới của chúng tôi ngày càng chất đầy tham vọng, chúng tôi biết rằng mình cần thêm sự giúp đỡ. Vì thế, chúng tôi đã nêu ý tưởng này cho một số nhân viên Microsoft tại chi nhánh Phần Lan", anh Karatsevidis nhớ lại.
"Chúng tôi kể cho họ về câu chuyện khởi nghiệp, về cộng đồng, và về một chiếc tablet được dựng nên nhờ ý tưởng từ những người ủng hộ mình. Tôi nghĩ rằng chính phần cuối cùng đã khiến họ chú ý".
Theo lời khuyên của những anh chàng tới từ Microsoft kể trên, hai anh đã tới Lễ hội Máy tính và Công nghệ liên lạc diễn ra tại Hong Kong.
Đến giờ Karatsevidis vẫn không giải thích được tại sao vào sự kiện hôm đó, họ lại được ngồi tại bàn tiệc cùng với những quản lý hàng đầu từ khắp các công ty danh tiếng trên thế giới. Trong bữa tiệc, Karatsevidis nhìn thấy một người có-vẻ-quan-trọng. Với sự can đảm của tuổi trẻ, cậu chàng 23 này ra bắt tay chào, giới thiệu với ông về dự án mình đang thực hiện: một chiếc tablet được tạo nên bởi một nhóm cộng đồng mạng.
Người đàn ông này quay đi sau khi thốt lên "Đó là một ý tưởng tồi". Nhưng chỉ sau vài bước chân, ông quay lại và nói rằng "Không phải, đây chính là tương lai". Đó là một ông lớn của Intel mà Karatsevidis từ chối tiết lộ danh tính, và người đàn ông đã giới thiệu Eve với thế giới của các công ty sản xuất cũng hiện đang là người thầy cố vấn cho Eve.
"Chúng tôi cũng gặp thêm những chuyên gia Microsoft khác, họ đến từ trụ sở tại Mỹ và Trung Quốc và thực sự, họ đã giúp chúng tôi rất nhiều bằng việc giới thiệu chúng tôi vào ngành công nghiệp sản xuất, với một quy mô lớn hơn trước rất nhiều, một cách tiếp cận truyền thống hơn là việc ‘hai chàng trai chạy quanh Thâm Quyến tìm nhà máy’ trước đây".
Microsoft đưa dòng sản phẩm Eve trở thành một mặt hàng có chuỗi cung ứng đáng tin cậy hơn, gọi vốn giúp dự án này và giúp luôn cả phần marketing. Cuối năm 2015, mọi thứ đã diễn ra ổn định và cộng đồng Eve trên Whatsapp ngày nào giờ đã có một trang forum riêng, với hơn 6.000 thành viên hoạt động.
Lúc này, tất cả bộ sậu hậu thuẫn cho Eve gồm có Intel, Microsoft và thậm chí là cả chính phủ Phần Lan nữa.
Anh Karatsevidis nói rằng chính cộng đồng này đã là những người đứng đằng sau thiết kế của chiếc Eve mới nhất, có "mật danh" là V.
Ví dụ, một trong những lời phàn nàn đầu tiên mà cộng đồng có là máy thiếu cổng I/O quá, thế là chiếc Eve V có hẳn hai cổng USB-A, hai công USB-C – trong đó có một cái hỗ trợ Thunderbolt, một cổng tai nghe 3.5mm và một khe cắm thẻ nhớ SD. Cộng đồng phàn nàn rằng máy này nhìn "Tàu" quá, thế là Eve thuê về công ty thiết kế Propeller Design AB tới từ Thụy Điển để tạo cho Eve V một dáng vẻ hoàn toàn mới.
"Bài tập nhóm" đầu tiên của cả một cộng đồng lớn mạnh
Với rất nhiều ý kiến nhận được mỗi ngày, Karatsevidis nói rằng công ty thường xuyên phải thay đổi thiết kế và phần cứng thiết bị trong quá trình sản xuất. Họ liên tục phải tới Trung Quốc để trực tiếp tham gia công việc. Hai anh đã thuê thêm một số nhân viên tại Châu Âu và cả Hong Kong để cáng đáng việc kiểm tra nguồn hàng, marketing cũng như theo sát với diễn biến trong cộng đồng.
Sau nhiều gián đoạn – bao gồm cả một lần thay nhà cung cấp màn hình giữa chừng khâu sản xuất do họ không vừa ý với sản phẩm cuối cùng chiếc Eve V hoàn thiện cũng đã xuất hiện. Thoạt nhìn, một người có thể cảm thấy ngay rằng Eve V được truyền cảm hứng từ dòng sản phẩm Surface Pro của Microsoft. Những đánh giá ban đầu cho thấy Eve V rất đáng đồng tiền, cảm giác khác hẳn dòng sản phẩm "lắp ráp tại Trung Quốc" xưa kia.
Một sản phẩm kỳ công như thế này cũng không thể "rẻ như cho" như cái thời "hai thanh niên chạy quanh Thâm Quyến" được. Giá của Eve V là 799 Euro cho phiên bản cấu hình thấp nhất: bộ xử lý Intel M3 với 8GB RAM, bộ nhớ 128 GB; bản cao nhất có giá 1.999 Euro với bộ xử lý Intel i7, 16GB RAM và bộ nhớ 1TB. Nó không phải là chiếc laptop rẻ, nhưng thế là đã đỡ đắt hơn dòng Surface Pro rồi.
Nhưng họ đã làm được việc không tưởng: Đây là lần đầu tiên một công ty nghe lời cộng đồng từ đầu đến cuối, được cộng đồng ấy ủng hộ hết lòng - ngay cả trong những giờ phút khó khăn nhất, để đến được thành công là chiếc máy tính bảng Eve V ngày hôm nay.
Như đã nói ở trên, những bài đánh giá đầu tiên về Eve V đã xuất hiện. Những trang công nghệ lớn khen Eve V hết lời và nhiều nơi khẳng định rằng nó sẽ là đối thủ đáng gờm với Surface Pro – về cả hiệu năng và nhất là khi xét trong tầm giá. Điều này không khiến ta thắc mắc rằng tại sao, Microsoft lại quyết định giúp đỡ Eve tạo ra một thiết bị là đối thủ của mình?
"Microsoft rất ủng hộ những thiết bị có thể hỗ trợ hệ sinh thái Windows của mình", đó là lời giải thích của Michelle Yen, trưởng bộ phận cung ứng của Eve. Chắc chắn Yen hiểu rõ điều này, bởi lẽ cô đã làm việc 2 năm tại Microsoft trước khi về với cộng đồng Eve.
Bản thân là một thiết bị "làm ra bởi cộng đồng" mà lại khởi nghiệp từ hai anh chàng mê công nghệ trẻ tuổi, chắc chắn nó phải có những điểm nhấn trẻ trung. Và đúng là như thế, trên bàn phím kia, thay vì nút "Delete", Eve có một nút khác tên là "Oops - Ối nhầm". Bàn phím còn có 7 đèn nháy khác nhau, bản thân cái tablet tròn trịa hơn trước và hơn nhiều những sản phẩm tablet không-tới-từ-Apple khác.
Vẫn còn quá sớm để đưa ra kết luận cuối cùng về Eve V, nhưng theo lời những reviewer tới từ nhiều trang công nghệ có tiếng, Eve V không để lại lời phàn nàn nào đáng kể. Chiếc Eve V sẽ có đợt bán nhanh – flash sale đầu tiên vào ngày 4 tháng 12 tới đây, trên website của Eve.
Karatsevidis nói rằng họ sẽ bán từng cụm máy nhỏ một trong đợt flash sale này bởi lẽ sức sản xuất của họ chưa đủ để cung ứng một lượng hàng khổng lồ. Họ phải sớm tính tới việc đó đi thôi, đang có 70.000 nghìn người đăng ký nhận thông báo có flash sale, đợi để chạm tay vào chiếc tablet do chính cộng đồng thiết kế này.
"Chúng tôi vẫn là một công ty nhỏ với chỉ 8 thành viên. Nhưng chúng tôi vẫn sẽ duy trì vị thế là một công ty tư nhân như hiện tại, sẽ không có các đợt gọi vốn đầu tư mạo hiệm mà cũng không có những thứ thường thấy ở một startup thông thường. Dù thế, chúng tôi vẫn có những mục tiêu lớn hơn, và may mắn thay là đất nước Trung Hoa luôn sẵn sàng giúp chúng tôi phát triển".
Theo GenK