Trên suốt quãng đường từ điểm buýt Bệnh viện K ở phố Hai Bà Trưng đến địa chỉ 94 Nguyễn Trãi, cậu bé luôn ríu rít trò chuyện với người lái xe. Lúc đầu tôi nghĩ đó là một cậu bé hành khách hay chuyện. Đến ngã 6 Ô Chợ Dừa, xe dừng đèn đỏ, câu chuyện của 2 người lọt vào tai tôi khi người lái xe nói với cậu bé:
“Con có thấy người ăn xin kia không? Một người còn trẻ đấy! Nếu không muốn học hành thì có thể đi ăn xin! Ngửa tay ra xin thì người ta vẫn cho tiền đấy! Nhưng con muốn người ta nhìn con bằng cả hai mắt với sự tôn trọng hay muốn họ nhìn bằng nửa con mắt với sự thương hại?”.
Cậu bé im lặng khi nghe người tài xế hỏi.
Xe tiếp tục lăn bánh. Sau đó tôi nhận ra đó là hai cha con. Tôi cũng không rõ là cậu bé con tiện đường về nhà hay người cha muốn cho con đi cùng trong một ca làm việc. Rồi hai cha con lại rì rầm nói sang chuyện khác.
Xe đến điểm dừng ở Gò Đống Đa, tiếng người cha nói với cậu bé:
“Ba không dạy con nói bậy. Nhưng nếu ra ngoài kia, con dùng từ ngữ không chuẩn, nói những từ ngữ xấu, người ta sẽ nói ba không biết dạy con. Con biết không?”.
Tiếng “vâng” của cậu bé rất dõng dạc.
Cũng trên quãng đường đó, có 2 lần người lái xe buýt dừng lại mở cửa lần 2 khi xe đã đóng và bắt đầu lăn bánh vì có 2 hành khách đến điểm dừng mới phát hiện quên xuống xe. Có thực tế một số tài xế xe buýt sẽ đi luôn mà không dừng lại khi cửa xe đã đóng. Hành động nhỏ thôi nhưng những người được hỗ trợ sẽ nhớ và biết ơn tài xế vì giờ đó, ai cũng mong được sớm về nhà.
Điểm xuống của tôi ở 94 Nguyễn Trãi. Còn gần một nửa hành trình nữa xe mới về đến bến Yên Nghĩa. Tôi tin hai cha con họ sẽ còn nói với nhau nhiều chuyện nữa. Bỗng dưng thấy lòng rất vui vì tin rằng, cậu bé có một người cha luôn sống tử tế và cậu nhận được sự giáo dục tốt ngay từ gia đình. Sau này, trên đường đời, cậu sẽ luôn nhớ những bài học mà cha dạy mình trên chuyến xe buýt khuya trong ca trực của cha.
Vũ Lương