Thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 do Trung ương phát động, huyện Hải Hậu đã huy động cả hệ thống chính trị tích cực vào cuộc.
Thực hiện các Nghị quyết, các chương trình, đề án của tỉnh về phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, với phương châm "ly nông bất li hương" huyện Hải Hậu đã tập trung cao triển khai tích cực các giải pháp phát sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn và đạt được nhiều kết quả.
Cơ cấu kinh tế nông thôn tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp. Các HTX cũ trước đây đều được giải thể để thành lập HTX mới và HTX chuyên ngành hoạt động theo Luật HTX 2012. Toàn huyện đã thành lập mới được 51 hợp tác xã, hoạt động theo đúng luật HTX năm 2012, thực hiện tốt các dịch vụ thiết yếu, phục vụ sản xuất nông nghiệp và xây dựng NTM, đồng thời tích cực liên kết với doanh nghiệp trong cung ứng vật tư, phát triển các chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp hàng hóa, đóng góp tích cực hiệu quả vào thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp huyện.
Chuyển đổi các vùng sản xuất theo quy hoạch, điều chỉnh cơ cấu về mùa vụ, ứng dụng nhanh các tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống mới và cơ giới hóa sản xuất để nâng cao năng suất lao động, năng suất, chất lượng và giá trị nông sản được hình thành. Sản lượng lương thực bình quân đạt 12.600 tấn/năm, lúa hàng hóa chất lượng cao tăng từ 35% (năm 2010) lên đạt 73,5% (năm 2018). Giá trị sản phẩm bình quân trên 01 ha đất canh tác tăng từ 68 triệu đồng năm 2010 lên 120 triệu đồng năm 2018. Toàn huyện có 10.500 ha sản xuất lúa, 1.800 ha sản xuất cây màu, 647 ha trồng cây dược liệu, 541 ha trồng hoa cây cảnh, 2.320 ha nuôi trồng thủy sản, có 880 phương tiện khai thác hải sản (tổng công suất trên 70.000 CV). Sản lượng khai thác hàng năm đạt gần 20.000 tấn; sản lượng nuôi trồng đạt trên 8.000 tấn.
Nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản đem lại hiệu quả kinh tế cao như: nuôi tôm thẻ chân trắng đạt bình quân giá trị 1,5 tỷ đồng/ha/năm, mô hình nuôi cá diêu hồng đạt gần 600 triệu đồng/ha/năm… có 151 trang trại chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, 970 gia trại chăn nuôi. Huyện đã xây dựng được một số chuỗi liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ nông sản (như: chuỗi liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ lúa gạo sạch 130 ha/vụ; chuỗi liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ lúa đặc sản 500 ha, chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ rau an toàn 20 ha, chuỗi liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ cây dược liệu 185 ha, chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm cá nước ngọt 150 ha, chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ thủy sản mặn lợ 300 ha…).
Cùng với việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các cụm công nghiệp, trong thời gian qua Hải Hậu tích cực thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề tại các cụm công nghiệp. Hiện nay trên địa bàn huyện có 03 cụm công nghiệp đang hoạt động, 44 làng nghề với trên 500 doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư phát triển sản xuất, dịch vụ, tạo việc làm và thu nhập cho trên 33.000 lao động nông thôn. Giá trị sản xuất công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp năm 2018 đạt trên 7.100 tỷ đồng, chiếm gần 40% cơ cấu giá trị sản xuất toàn huyện.
Triển khai thực hiện Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ về chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo tăng từ 21% (năm 2010) lên trên 40% (năm 2015) và trên 60% (năm 2018). Tỷ lệ người trong độ tuổi lao động có việc làm thường xuyên đến năm 2018 đạt 95%. Các chương trình phát triển kinh tế, thu hút đầu tư và đào tạo nghề đã góp phần quan trọng tạo thêm nhiều việc làm ổn định và thu nhập khá cho lao động nông thôn, góp phần làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động và tạo thêm nhiều nguồn lực để xây dựng NTM. Thu nhập bình quân khu vực nông thôn tăng từ 10,2 triệu đồng/người (năm 2010) lên 30 triệu đồng/người (năm 2015) và 45,16 triệu đồng/người/ (năm 2018).
Các tổ chức cơ sở Đảng, đoàn thể ở các xã và các thôn, xóm được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và xây dựng của các cấp ủy từ huyện đến xã nên thực sự đóng vai trò là hạt nhân trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ xây dựng NTM ở cơ sở. Các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương thường xuyên nắm bắt kịp thời tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của nhân dân; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân trên địa bàn làm tốt công tác đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống tội phạm và các tai tệ nạn xã hội. Pháp lệnh Dân chủ ở cơ sở được các địa phương vận dụng thực hiện tốt; vai trò chủ thể của người dân và cộng đồng dân cư trong xây dựng NTM được phát huy. Nhờ đó, an sinh xã hội được đảm bảo, an ninh trật tự ở nông thôn được giữ vững, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn được nâng cao hơn, các tai tệ nạn xã hội giảm đáng kể.
Yến Hưng