Hơn 10 giờ đêm, các hàng ăn đêm trên địa bàn quận Liên Chiểu – nơi tập trung đông đảo sinh viên và công nhân của TP Đà Nẵng vẫn nhộn nhịp khách ra vào. Từ hủ tiếu, phở, bún, mì cho đến bánh xèo, bánh đập… món nào cũng có, phong phú như ban ngày.
“Công nghệ”… một nước
Chị Hoa, chủ quán bún riêu cua trên đường Âu Cơ, cho biết: “Khách đêm nhiều vô
kể, có hôm tới 21 giờ đã hết hàng”.
Cũng chính bởi đông khách, và cảnh tranh tối tranh sáng, nên chẳng quán nào chú
ý đến vệ sinh an toàn thực phẩm, “công nghệ”… một nước được áp dụng khá phổ
biến.
Bát đũa trong quán thường xuyên được “làm sạch” chỉ với mấy thau nước nhỏ này
(ảnh lớn). Khi khách cần, đống bát đũa bẩn này sẽ nhanh chóng được “phù phép”
cho khách dùng (ảnh nhỏ). Ảnh: TP |
Đứng nói chuyện với cô bé Thu làm phụ bếp cho quán ăn ở đường biển Nguyễn Tất Thành, nghe khách gọi nồi cá lóc om chua, Thu vội lôi trong chiếc bao nilon gói đủ thứ cà, khế, môn, thơm… ra gọt sơ rồi dội qua một nước, sau đó cắt và cho tất cả vào nồi.
Thu giải thích: “Nước ngọt đâu ra mà rửa cho nhiều, cứ thế này cho lên nồi nấu chín, sợ chi đau bụng!”. Kể cả rau sống, cũng chỉ rửa sơ một nước.
Dồn hết tô bẩn vào một góc quán, cô T., chủ quán bún, mì đêm ngon có tiếng gần chợ Hòa Khánh (Liên Chiểu) cầm vòi nước “tưới” qua một lượt rồi lấy khăn ngồi rửa. Tất nhiên không dùng nước rửa chén. Mấy chục cái tô sau khi “làm phép” cho hết vào thau nước to, đây là nước tráng duy nhất.
Cô phân trần: “Rửa xà phòng, phải tráng đi tráng lại hai ba lần, vừa tốn nước vừa mất công”. Thành thử, nhiều khách ăn vẫn thấy váng dầu mỡ dính lại trên tô, hoặc mặt sau chiếc muỗng.
Cũng có những nơi, bát đũa bẩn để ngổn ngang trên đất, bên cạnh là thau xà phòng đã đục ngàu, rửa đến khi nào hết bọt mới thay nước rửa mới.
Đoàn Văn Giang, sinh viên trường ĐHSP Đà Nẵng, chia sẻ: “Thà khuất mắt thì thôi, chứ nhìn thấy người ta rửa bát lần sau mình chẳng dám ăn”.
Phù phép thực phẩm
Theo chân cô bạn là sinh viên đi mua thực phẩm cho quán ăn mà cô phụ bán, cô chỉ rành rành: Chim cút làm sẵn là mấy con rù rù, hoặc đã chết họ mới bán rẻ, mua về ủ đá, lâu đến mấy đem ra rô ti khách cũng chẳng biết. Còn thịt heo, cứ lấy heo nái về giả làm heo bản (heo rừng).
Hải sản như chép chép, mực… để làm lẩu tươi sống, khi lấy ra phải… ngâm nước nóng mới tan đá. “Bán ban ngày may ra còn mua đồ tươi được, chứ bán đêm đố quán nào dám nói hàng mình tươi đấy”, cô bạn quả quyết.
Ở những hàng quán dã chiến dọc các vỉa hè, bên dưới xe hàng bao giờ cũng có một thùng xốp đựng cả chục gói cá, thịt, tôm… đang chảy đá nhão nhoẹt. Khách vào gọi món, nếu chưa tan kịp đá thì chủ phải luộc qua nước nóng.
Các quán mì đêm lại dùng chiêu “làm mới” mì bằng cách rửa nước sôi nóng. Mì lấy từ sáng sớm, đến tối khuya đã bắt đầu bốc mùi và chảy nhờn, nhưng chỉ cần rửa qua nước sôi nóng là cọng mì lại…ngon ơ.
Anh Lê Thanh, một khách thường ăn đêm, kể: “Lần trước đi ăn khuya, thấy tô mì cũng ngon mắt, nhưng ăn mấy miếng là biết ngay mì nguội, nghe mùi chua chua, y như rằng đêm đó đau bụng. Đến 4 giờ sáng thì phải vào viện”.
Cố tình đến quán vào lúc hàng bún sáng vừa bán gần hết, cô chủ quán bò đủ món T.C ở gần trường ĐHSP vừa nhập “hàng” về.
Chân bò, tai mui, gân bò gói trong những bao to đổ nằm lăn lóc ngay trước sân, cạnh đó là mấy cái thau to và vòi nước máy. Xé toạc đống bao, mấy phụ bếp lấy vòi xịt qua cho trôi máu, rồi “hốt” vào thau ngâm.
Việc rửa, cạo sạch lông cũng rất sơ sài. Nhưng đến tối, những dĩa bò trộn, những nồi bò um nghi ngút khói… lại níu chân rất nhiều công nhân, sinh viên.
Những xe đẩy hàng rong bán đêm có thể dựng quán ở bất kỳ đâu. Lúc bên cạnh bãi rác, lúc bên cống nước hôi thối, hay ngay vỉa hè đầy bụi bặm. Nhiều quán rong ven đường chỉ cách chỗ khách đi vệ sinh chỉ có vài bước chân.
Theo ông Hoàng Tâm - Phó trưởng trạm Y tế phường Hòa Khánh Nam (Liên Chiểu): “Những quán hàng kinh doanh ban ngày đều có giấy phép, được quản lý, kiểm tra chặt chẽ. Nhưng những quán bán đêm, bán rong thì chúng tôi không thể quản lý hết được, vì vậy họ không được tập huấn về VSATTP, không cẩn trọng trong khâu sơ chế, chế biến thức ăn”.
(Theo Tiền phong)