Không chỉ nữ giới mà nhiều nam giới cũng đổ xô bơm ngực, bắp tay, bơm “của quý” bằng cách tiêm silicon từ những người bán dạo hoặc các cơ sở thẩm mỹ “vườn”. Hệ lụy là liên tục xảy ra các trường hợp tử vong.


Tử vong vì silicon

Ngày 27/3, chị Hoàng T.L (34 tuổi, ngụ tại quận 8, TP.Hồ Chí Minh) được đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Nhân dân Gia định với chẩn đoán nhiễm trùng huyết sau khi bơm silicon lỏng để nâng ngực. Trước đó, chị đã tiến hành nâng ngực bằng ba lần tiêm silicon lỏng ở một cơ sở thẩm mỹ.

Đầu tháng 3, Bệnh viện Trưng Vương (TP.Hồ Chí Minh) cấp cứu một bệnh nhân nam bị biến chứng thuyên tắc phổi dẫn đến suy hô hấp và tử vong sau đó. Nguyên nhân do bệnh nhân tự tiêm silicon lỏng vào mông vì bị chê là vòng ba nhỏ. Anh đã mua 500cc silicon từ một cửa hàng rồi nhờ bạn tiêm vào mông. Nhưng chỉ được ít giờ, mông anh bị sưng tấy, gây khó thở.

Khi bơm silicon cần đến các bệnh viện có uy tín.
Một phụ nữ khác ở TP.Rạch Giá, Kiên Giang cũng tử vong sau khi bơm silicon vào ngực. Sau khi nghe lời đường mật của bạn bè, chị đã đồng ý cho “chuyên gia thẩm mỹ” vườn bơm silicon vào ngực với giá 1,9 triệu đồng. Ba ngày sau, chị phải vào Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang cấp cứu vì biến chứng. Bác sĩ cho biết, chị bị suy hô hấp, tím tái, thở nhanh, ho khạc ra máu do viêm phổi.

Thông tin về các trường hợp tử vong do tiêm silicon lỏng ngày càng nhiều. Gần đây, báo chí cũng đưa tin về trường hợp chú trăn đã tử vong ngay sau khi cắn ngực cô người Israel. Nguyên nhân là do chú trăn đã nuốt phải chất sillicon từ bộ ngực đã qua phẫu thuật thẩm mỹ. Câu chuyện làm xôn xao cộng đồng mạng. Mọi người đặt câu hỏi: “Silicon độc hại đến đâu?”.

Silicon bán dạo: Độc khôn lường
 
Không thể trực tiếp đưa silicon lỏng vào người mà phải có túi đặc biệt để tránh rò rỉ, đồng thời phải được phẫu thuật tại bệnh viện để đảm bảo vô trùng và cấp cứu kịp thời nếu có biến chứng.
 
Ông Nguyễn Đình Minh
Thạc sĩ Nguyễn Đình Minh – khoa Phẫu thuật chỉnh hình Bệnh viện Xanh pôn cho biết: Silicon dùng trong thẩm mỹ không độc hại, nhưng không bao giờ tiêm trực tiếp vào người mà phải đặt túi.

Các túi silicon do một số hãng dược nước ngoài cung cấp có thể chịu được lực 400kg, chỉ bị vỡ khi bị đâm, cắn nên ít khi có khả năng rò rỉ. Hơn nữa, sau khi đặt túi 1-2 tuần, cơ thể sẽ phản ứng bằng cách tạo ra bao xơ, bao quanh túi, nếu có rò rỉ thì chỉ nằm trong bao xơ chứ không chảy lan ra cơ thể.

Tuy nhiên, trong quá trình phẫu thuật, nếu không đảm bảo tiệt trùng, không được bác sĩ tư vấn đầy đủ, khách hàng có thể bị nhiễm trùng, gây viêm, sưng tấy, túi silicon hoặc túi nước muối bị xô lệch, gây biến dạng.

Nói về thứ mà nhiều người đang “bơm vào người” để làm đẹp, bác sĩ Minh cho biết: Hiện nay, trên thị trường cũng có một sản phẩm có thể trực tiếp bơm vào cơ thể được gọi là “chất làm đầy”. Tuy nhiên, giá thành của sản phẩm này cực đắt.

“Một ca nâng mũi có giá 5-10 triệu đồng nên làm ngực có thể có giá trên 100 triệu đồng/ca” - ông Minh ước tính. Hơn nữa, chất làm đầy này sẽ tự tiêu nên chỉ có “thời hạn sử dụng” trong vòng 1 năm.

Chính vì giá thành cao, thời hạn sử dụng thấp nên sản phẩm này chỉ dùng để nâng mũi hoặc làm căng da mặt chứ không dùng cho phẫu thuật nâng ngực hay mông.

Ông Minh khẳng định: Những sản phẩm có giá từ 1-3 triệu/ca “nâng ngực” chỉ là silicon công nghiệp, chỉ dùng cho các sản phẩm gia dụng, đồ chơi. Chính vì sự nguy hiểm nên từ năm 1992, silicon lỏng đã bị cấm sử dụng trong làm thẩm mỹ quốc tế.

Nếu tiêm chất silicon công nghiệp này vào người, cơ thể sẽ phản vệ với nhiều mức độ. Biến chứng sớm nhất sau tiêm là sưng tấy, tắc mạch ở não, thận, phổi, gan, ruột… nên rất dễ tử vong. Muộn hơn là nhiễm trùng biến dạng vùng ngực, mông hoặc bị rò rỉ chất lỏng gây viêm loét và xơ vón.

Không những thế, silicon lỏng có thể hòa vào mô làm thoái hóa mô, thậm chí gây ung thư. “Của quý” của các ông sẽ bị sưng tấy, biến dạng, hoại tử, thậm chí phải phẫu thuật loại bỏ.

(Theo Dân Việt)

>> Đi cấp cứu vì bơm silicone vào... 'của quý'