Báo cáo của Bộ NN-PTNT cho thấy, trong nửa đầu năm nay, chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển tương đối ổn định. Tổng đàn lợn ước tăng 2,9%; sản lượng thịt hơi 2,54 triệu tấn, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Đàn gia cầm tăng 2,3%; sản lượng thịt hơi 1,21 triệu tấn, tăng 4,9% và trứng gia cầm gần 10,1 tỷ quả, tăng 5,1%...

Quy mô đàn tăng cũng đồng nghĩa các doanh nghiệp ở nước ta phải nhập nhiều nguyên liệu để sản xuất thức ăn chăn nuôi nhiều hơn. Bởi, nguồn nguyên liệu nội địa không đủ cho sản xuất, ngành chăn nuôi nước ta phải dựa phần lớn vào hàng nhập khẩu.

Thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, tính đến giữa tháng 7/2025, các doanh nghiệp của nước ta đã khoảng 1,97 tỷ USD để nhập khẩu 6,62 triệu tấn ngô và đậu tương. Đây là 2 loại hạt nguyên liệu được dùng trong sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Cụ thể, lượng ngô nhập khẩu về nước ta lên tới 5,45 triệu tấn, giá trị ước khoảng 1,36 tỷ USD. So với cùng kỳ năm ngoái, nhập khẩu ngô tăng mạnh 40,2% nhưng giá trị chỉ tăng nhẹ 5,4%.

Tương tự, nhập khẩu đậu tương về nước ta là 1,17 triệu tấn, tăng nhẹ 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái; giá trị khoảng 614 triệu USD, giảm mạnh 16,5%.

Lãnh đạo một doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi ở nước ta cho biết, chi phí thức ăn chăn nuôi chiếm khoảng gần 70% giá thành sản xuất. Những năm vừa qua, thị trường nguyên liệu thức ăn chăn nuôi thế giới biến động theo chiều hướng tăng phi mã đã ảnh hưởng lớn đến ngành chăn nuôi nước ta. 

Theo đó, giá thức ăn chăn nuôi tăng liên tục, lập đỉnh lịch sử và neo ở mức cao đã đẩy giá thành sản xuất các loại thịt gia súc gia cầm tăng theo. 

Những tháng gần đây, giá ngô và đậu tương hạ nhiệt là cơ hội để các doanh nghiệp mua vào lượng lớn. Đó cũng là lý do, nhập khẩu các loại hạt này, đặc biệt là hạt ngô tăng mạnh.

Riêng về ngô, Việt Nam nằm trong nhóm 30 quốc gia trồng lớn nhất trên thế giới. Song, nước ta cũng nằm trong nhóm các quốc gia nhập khẩu ngô nhiều nhất thế giới, chỉ sau Trung Quốc, châu Âu, Mexico, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ai Cập…