- Cuối tháng 10/2014, khi cả nước biết ông đang điều trị bạo bệnh ở nước ngoài, cấp phó của ông cho biết ông vẫn điều hành công việc của Ban Nội chính Trung ương.

Phó Ban Nội chính TƯ Nguyễn Doãn Khánh khi đó khẳng định dù Trưởng Ban đang phải chữa bệnh dài ngày ở nước ngoài, mọi công việc ở Ban vẫn tiến hành bình thường, không có ảnh hưởng gì.

Theo lời ông Khánh, ông Thanh vẫn điều hành công việc ở nhà thông qua thư ký trực tiếp và bằng việc liên lạc thường xuyên qua điện thoại. Đó cũng là cách làm việc của ông Nguyễn Bá Thanh trong hai năm đảm nhận công việc khó khăn này.

{keywords}

Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Bá Thanh. 
Ảnh: 
Lê Anh Dũng

Đầu năm 2013, ông Nguyễn Bá Thanh, lúc đó đang là Bí thư Thành ủy Đà Nẵng được phân công làm Trưởng Ban Nội chính TƯ, được thành lập với chức năng là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo TƯ về phòng, chống tham nhũng.

Vốn ghi dấu ấn với những phát ngôn và hành động mạnh mẽ ở Đà Nẵng, ông được kỳ vọng rất lớn sẽ làm nên chuyện khi lên Hà Nội đảm nhận một trong những công việc khó khăn nhất: chiến đấu với tham nhũng. Dư luận kỳ vọng ông sẽ xử được những kẻ tham nhũng ở những cấp cao hơn như ông đã trị những công bộc yếu kém ở Đà Nẵng, đem mô hình trật tự văn minh ở Đà Nẵng nhân lên cả nước.

"Công việc ở TƯ do Đảng phân công cho đồng chí hãy còn dang dở, chắc hẳn các đồng chí trong đơn vị sẽ tiếp nối những tâm huyết của đồng chí. Vĩnh biệt đồng chí với tấm lòng mến thương và luyến tiếc của nhiều người, trong đó có cả tôi nữa" - Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ghi sổ tang tối 14/2.

Nhưng người ta cũng lo cho ông vì mặt trận mới không thuận lợi như phạm vi thành phố mà ông không những là người đứng đầu mà còn hiểu toàn diện. Trên mặt trận mới, việc cách chức không dễ dàng mà việc từ chức thì chưa phải truyền thống. Trên mặt trận ấy đan xen, chồng chất các lợi ích, quan hệ và quyền lực mà lời nói của ông Bá Thanh khó trở thành mệnh lệnh như khi ông vừa là Bí thư, vừa là Chủ tịch Đà Nẵng.

Nhưng ông Bá Thanh đã đảm nhận nhiệm vụ mới với tâm thế của một vị tướng ra trận. "Sắp tới tôi sẽ rà một số cái, cho hốt liền, không nói nhiều" - ông phát biểu tại một trong những cuộc họp cuối cùng với tư cách lãnh đạo Đà Nẵng. Đó là cam kết về hành động, điều mà người dân mong đợi, trong cuộc chiến nước sôi lửa bỏng.

Nếu có thêm thời gian...

Là người chống tham nhũng, điều quan trọng trước tiên là tuyệt giao với tham nhũng. Và ngay trong những ngày đầu đảm nhận công việc mới, đó là điều mà ông Nguyễn Bá Thanh phải chứng minh. Đó cũng là quan tâm lớn của dư luận khi một cử tri Đà Nẵng không ngại ngần hỏi thẳng: Dư luận nói ông có tài khoản gửi ở nước ngoài hàng tỉ đôla, có đúng không?

“Đến thời điểm này tui cũng như tất cả lãnh đạo khác của TP Đà Nẵng không ai có tiền trong tài khoản ở nước ngoài. Ngay cả 100 đôla cũng không có. Đó là nguyên tắc của chúng tôi” là câu trả lời của tân Trưởng Ban Nội chính TƯ.

Việc đầu tiên ông Nguyễn Bá Thanh phải làm trên cương vị mới là kiện toàn bộ máy, nhưng vẫn là tinh thần quyết liệt "không cần đợi đủ nhân sự mà phải bắt tay vào làm ngay", "phải nói ít làm nhiều, có những việc cứ làm mà không cần phải nói rộn ràng".

Những trao đổi tại hội nghị hướng dẫn nghiệp vụ công tác nội chính và phòng chống, tham nhũng khu vực phía Nam do Ban Nội chính TƯ tổ chức ngày 29/8/2013 ở TP.HCM đã thể hiện nhiều quan điểm của Trưởng Ban Nguyễn Bá Thanh về công việc: Mặt trận này dù không có tiếng súng nhưng đầy hiểm nguy.

Cái khó nhất trong chống tham nhũng là sự "động chạm", người chống tham nhũng mà sợ điều này thì coi như thất bại. Bản lĩnh nhất của người chống tham nhũng là vừa giữ gìn về phía mình, gia đình mình, vừa dám đương đầu với mọi thủ đoạn của những kẻ tham nhũng. Thách thức nhất là làm đến cùng những vụ lớn chứ không chỉ nhặt nhạnh những vụ nhỏ để báo cáo thành tích. Vũ khí lớn nhất của người chống tham nhũng là bình tĩnh, đoàn kết và kiên trì.

Khó như vậy nên Trưởng Ban Nội chính TƯ cũng nói thẳng: Nếu ai cảm thấy oải thì cứ chuyển ngành.

Tinh thần hành động này được cụ thể hóa bằng việc Ban chỉ đạo TƯ về phòng, chống tham nhũng lập 7 đoàn công tác kiểm tra, giám sát việc thanh tra, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm hồi tháng 8/2013.

Là một trong 7 trưởng đoàn, ông Bá Thanh đã đến làm việc với Bộ Công an, Tòa án NDTC và Viện kiểm sát NDTC, các cơ quan chuyên về điều tra, truy tố, xét xử tham nhũng. Tại đây ông thể hiện sự sốt ruột khi nhiều khâu quan trọng trong đấu tranh với tham nhũng còn chậm chạp, kéo dài: giám định thiếu, bản án hủy sửa nhiều, án treo thiếu thuyết phục...

Sau những cam kết của ông Nguyễn Bá Thanh nói riêng và Ban Nội chính TƯ, Ban chỉ đạo TƯ về phòng, chống tham nhũng nói chung, là một loạt những "đại án" được đưa ra xét xử cuối năm 2013 đầu năm 2014 khiến nhân dân nức lòng: Dương Chí Dũng, Nguyễn Thị Huyền Như, Nguyễn Đức Kiên... với những mức án nghiêm khắc.

Nhưng cuộc chiến chống tham nhũng không vì thế mà bớt phần cam go. Chưa đầy hai năm mà từng ấy "cú đấm" được tung ra là dấu hiệu đáng mừng, nhưng đó đều là những vụ án được phát giác trước khi Ban chỉ đạo TƯ về phòng, chống tham nhũng chuyển về Đảng, tái lập Ban Nội chính TƯ và ông Nguyễn Bá Thanh được giao nhiệm vụ chủ chốt này.

Nhưng chính ông Bá Thanh đã chia sẻ còn 6 vụ án tham nhũng lớn trên toàn quốc đã hoàn tất điều tra, truy tố chờ ngày xét xử, 7 đoàn kiểm tra cũng được kỳ vọng tóm "cá mập" tham nhũng. Liệu rằng nếu có thêm thời gian, Trưởng Ban Nội chính TƯ sẽ làm được nhiều hơn? Hay đó là cuộc chiến mà bất cứ ai kế nhiệm ông cũng sẽ phải tiếp tục với tinh thần hành động mà ông Nguyễn Bá Thanh đã xác lập.

Chung Hoàng

>> Ông Bá Thanh vẫn điều hành công việc qua thư ký
>> 
Ông Bá Thanh: 'Chúng ta sẽ lấy lại những gì đã mất'