Theo bác sĩ CK2 Vũ Hiệp Phát, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM, 2 nạn nhân được chuyển đến cấp cứu sau khi xảy ra tai nạn. Hiện, các em được truyền thuốc, chích kháng sinh để hỗ trợ. Vì bị ngạt lâu, các em đang được thở máy để cung cấp oxy, bảo vệ não. Đồng thời, 2 em tiếp tục được bác sĩ theo dõi tích cực trong những ngày tới. 

Theo gia đình, chiều cuối tuần qua, hai thiếu niên 13 tuổi xin phép gia đình đi bơi cùng nhóm bạn ở gần nhà. Khi tham gia bơi lội, cả hai gặp phải sự cố, chìm dưới nước khoảng 5 phút. Sau đó, nạn nhân được xử trí sơ cấp cứu ép tim, thổi ngạt. Lúc tỉnh lại, em có la hét nhưng không trả lời. Bước đầu ghi nhận các em tổn thương phổi do ngạt nước.

Người nhà cho hay, các bé biết bơi nhưng kỹ năng còn hạn chế, trẻ gặp nạn trong lúc thi lặn với nhau.

Bác sĩ khuyến cáo, phụ huynh nên đi cùng trẻ đến điểm bơi để quan sát con em mình. Nhân viên tại hồ bơi phải nhắc nhở trẻ lựa chọn hồ có độ sâu thích hợp lứa tuổi và tầm vóc. Thậm chí, cần dùng biện pháp mạnh để kịp thời ngăn cản những hành vi không an toàn. Bên cạnh việc cho con trẻ học bơi, phụ huynh cũng nên cảnh báo những tình huống nguy hiểm.

Theo bác sĩ Phát, ngạt nước là một trong những tai nạn sinh hoạt thường gặp ở trẻ. Bệnh viện Nhi đồng 2 thường tiếp nhận nhiều trường hợp tương tự, hầu hết đều đưa đến muộn. Nếu ngạt quá 4 phút, nạn nhân sẽ tổn thương não. Ngạt quá 10 phút có thể gây tử vong hoặc nếu sống sót cũng để lại di chứng não nặng nề.

Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ trẻ em tử vong do đuối nước cao nhất khu vực Đông Nam Á và cao gấp 10 lần so với các nước phát triển. Cơ quan chức năng cho hay, trong 5 tháng đầu năm 2022, cả nước đã xảy ra 38 vụ đuối nước làm tử vong 113 trẻ. 

Phòng ngừa tai nạn thuộc top 10 nguyên nhân khiến trẻ em Việt Nam tử vongMột triển lãm đặc biệt đang được tổ chức tại Hà Nội nhằm nâng cao nhận thức của cha mẹ, cộng đồng về tai nạn đuối nước trẻ em.