Ông Đàm Lực cho biết đang chuẩn bị đưa khách du lịch ra quần đảo Hoàng Sa, cách đảo Hải Nam khoảng 350 km về phía Tây Nam.
Mặc dù ông không nêu chi tiết về kế hoạch kể trên, nhưng trước đó Sở Du lịch tỉnh Hải Nam đã tổ chức ít nhất một chuyến đua thuyền du lịch ra quần đảo này.
Năm 2009, Bắc Kinh đã công bố chiến lược phát triển du lịch tại Hoàng Sa và ngay lập tức vấp phải sự phản đối từ phía Việt Nam.
Mới đây, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị một lần nữa nhấn mạnh việc phía Trung Quốc khai thác du lịch ở quần đảo Hoàng Sa là bất hợp pháp.
Trong một tuyên bố đưa ra ngày 9/4, trước sự kiện Tân Hoa Xã ngày 7/4 đưa tin tối ngày 6/4, tàu du lịch Coconut Princess của Công ty cổ phần vận tải biển Hải Hiệp Hải Nam đã bắt đầu thực hiện hành trình thử nghiệm tuyến du lịch đường biển từ Tam Á, Hải Nam đến đảo Đá Bắc quần đảo Hoàng Sa, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định: “Việt Nam khẳng định chủ quyền không tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa".
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh: "Việc làm trên của phía Trung Quốc là bất hợp pháp, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, trái với tinh thần Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Trung Quốc phải chấm dứt ngay việc làm trên, nghiêm túc tuân thủ DOC, không có thêm hành động làm phức tạp tình hình ở Biển Đông”.
Một hãng tin Pháp dẫn lời Stephanie Kleine-Ahlbrandt, chuyên gia phân tích tại Bắc Kinh thuộc Nhóm nghiên cứu khủng hoảng quốc tế (ICG) cho rằng, tỉnh Hải Nam tương đối nghèo đã kiên trì thúc đẩy việc mở du lịch ra Hoàng Sa từ năm 1994 và vận động các cơ quan thuộc chính quyền trung ương, từ Ủy ban Xúc tiến du lịch đến Hải quân Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc, ủng hộ kế hoạch này.
Bà Stephanie Kleine-Ahlbrandt chỉ rõ: "Mô hình là Hải Nam thúc đẩy, cuối cùng trung ương chấp thuận, Việt Nam phản đối, trung ương yêu cầu Hải Nam ngừng, Hải Nam vờ ngừng, nhưng vẫn tiếp tục".
Theo Vietnam+