- Dự thảo luật Hải quan sau khi được QH cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp vừa rồi vẫn còn nhiều vấn đề tranh cãi về thẩm quyền của lực lượng này.
Báo cáo tại UB Thường vụ QH hôm nay (14/1), UB Pháp luật cho biết nhiều ý kiến ĐB đề nghị làm rõ thẩm quyền “trinh sát” của hải quan.
Quy định này vốn kế thừa luật Hải quan hiện hành, được quy định chi tiết Quy chế hoạt động của lực lượng hải quan chuyên trách phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, nghĩa là được pháp luật cho phép.
Nhưng quy định như vậy lại dễ hiểu nhầm với hoạt động trinh sát của các lực lượng khác, nên dự thảo mới bỏ cụm từ này mà thay bằng: “Áp dụng biện pháp nghiệp vụ theo quy định của pháp luật để phát hiện hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới”.
Hải quan cửa khẩu Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị kiểm tra hàng hóa. Ảnh: H.Anh |
Thẩm quyền "tạm giữ" của hải quan cũng còn nhiều ý kiến khác nhau. UB Pháp luật cho rằng đối với các hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy, vũ khí, chất nổ, buôn lậu, gian lận thuế..., nếu hải quan không có thẩm quyền tạm giữ người vi phạm thì các đối tượng sẽ nhanh chóng tẩu thoát qua biên giới hoặc lên máy bay, phương tiện vận tải khác để xuất cảnh, không đáp ứng yêu cầu kịp thời ngăn chặn hành vi vi phạm, xử lý đúng người, đúng tội.
Luật Hải quan hiện hành cho phép thẩm quyền này nếu có căn cứ cho rằng có hành vi cất giấu hàng hóa buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Quy định này đang vênh với luật Xử lý vi phạm hành chính mới có hiệu lực, chỉ cho phép tạm giữ người nhằm ngăn chặn ngay hành vi gây rối trật tự công cộng hoặc gây thương tích cho người khác.
Các văn bản pháp luật khác như bộ luật Tố tụng hình sự và pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự cũng đang hạn chế thẩm quyền này của hải quan, trong khi thực tiễn phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới đang ngày càng khó khăn, phức tạp như Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng giải trình trước UB Pháp luật mới đây.
Do đó, dự thảo luật đưa ra hai phương án để các ĐBQH thảo luận tại kỳ họp tới. Phương án 1 cho phép hải quan dừng phương tiện, tạm giữ và áp giải người vi phạm nếu có căn cứ cho rằng có hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Nếu vậy sẽ phải sửa đổi, bổ sung luật Xử lý vi phạm hành chính, bộ luật Tố tụng hình sự cũng như xây dựng luật Tổ chức điều tra hình sự.
Theo phương án 2 thì hải quan chủ trì phối hợp với các ngành chức năng thực hiện nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống buôn lậu và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
Đưa phiên giải trình vào luật
Trong hôm nay, UB Thường vụ QH cũng thảo luật dự thảo luật Tổ chức QH sửa đổi, bước đầu tiên trong việc thực hiện Hiến pháp mới.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc QH Ksor Phước đề nghị đưa những điểm cải tiến gần đây trong hoạt động của QH vào luật như việc MTTQ báo cáo tổng hợp ý kiến cử tri, nhân dân tại buổi khai mạc mỗi phiên họp. Theo ông, đây là một biểu hiện dân chủ, được công chúng quan tâm và ủng hộ.
Các phiên giải trình tại Hội đồng Dân tộc và các UB của QH cũng ngày càng hiệu quả, cần đưa vào luật để có giá trị pháp lý, "không chỉ là những seminar", ông Phước nói.
Việc lấy, bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do QH bầu và phê chuẩn, cũng cần đưa vào luật, nhưng chưa phải bây giờ, theo Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng QH Đào Trọng Thi.
"Mới thực hiện một lần thì chưa đủ để tổng kết và đưa vào luật, cần thêm vài năm để ổn định", ông Thi nói.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng lưu ý việc sửa luật này phải để phục vụ các nhiệm vụ trung tâm của QH là lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Chung Hoàng