Hôm 19/12, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Đà Nẵng đã tổ chức lễ khởi công dự án Bảo tồn tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan tại di tích Hải Vân Quan, đèo Hải Vân.

Cửa Hải Vân Quan và cửa Thiên Hạ Đệ Nhất Hùng Quan sẽ được tu bổ theo các dấu tích nguyên gốc. Bên cạnh đó sẽ phục hồi, thay thế nền cổng lát đá Thanh, hệ thống cối, cổng đá Thanh, tường xây gạch vồ, phục hồi hệ thống cửa ván ghép con tiện gỗ…

Các tường phía Nam phục hồi pháo nhãn, tường che, các ụ đặt pháo, cũng như phục hồi các chòi quan sát hướng Đông Nam và hướng Tây Bắc, phục hồi cửa ngách nhỏ đi ra phía Tây của di tích theo dấu tích khảo cổ. Khối nhà Trú Sở và nhà Vũ Khố 3 gian sẽ được phục hồi theo dấu tích khảo cổ và ảnh tư liệu.

Dự án cũng sẽ phục hồi tuyến đường Thiên Lý từ Thiên Hạ Đệ Nhất Hùng Quan đi tỉnh Thừa Thiên Huế bằng đá xếp theo truyền thống…

Nằm ở độ cao 490m so với mực nước biển, đây là cụm kiến trúc quân sự của triều Nguyễn, bao gồm nhiều công trình gồm hệ thống thành lũy, nhà kho, trụ sự, pháo đài thần công… được xây dựng vào năm 1826.

Theo các thư tịch cổ, thì Hải Vân là vùng ranh giới tự nhiên giữa hai xứ Thuận Hóa (tức tỉnh Thừa Thiên) và Quảng Nam, còn đường ranh giới cụ thể đi qua những điểm nào thì không thể khảo sát được. Triều đình nhà Nguyễn đã dựa vào địa thế tự nhiên nơi đây để xây dựng một thành lũy đặc thù, phát huy cao nhất tính năng quân sự.

Tháng Hai năm Bính Tuất (1826), vua Minh Mạng xuống chỉ cho xây một cửa quan ở đỉnh núi Hải Vân, “ngạch trước viết ba chữ HẢI VÂN QUAN, ngạch sau viết sáu chữ THIÊN HẠ ĐỆ NHẤT HÙNG QUAN.

Công trình xây dựng trong vài tháng, do phủ Thừa Thiên và tỉnh Quảng Nam cùng thuê dân làm. Sau đó, triều đình “phái biền binh 4 đội Hữu Sai và 2 đội Ứng Sai chở súng ống đến để đấy (súng quá sơn bằng đồng 5 cỗ, súng phun lửa 200 ống, pháo thăng thiên 100 cây và thuốc đạn theo súng) theo viên tấn thủ đóng giữ”.

Sau khi xây dựng xong cửa ải này, triều đình chuẩn định “Từ cửa quan trở về Bắc thuộc quản hạt phủ Thừa Thiên, ngoài cửa quan trở về Nam thuộc quản hạt tỉnh Quảng Nam”. 

Hải Vân Quan đã phát huy hết sức hiệu quả vai trò chức năng kể từ lúc xây dựng. Theo mô tả, vào thời điểm những năm 1876 về sau ghi nhận tại đây có 50 lính canh phòng, đến năm 1885 số lính chỉ còn khoảng 5 người và sang đầu thế kỷ 20 thì hầu như đã bị bỏ ngỏ, không còn ai canh gác.

Cho đến khi một đoạn tường thành bị phá vỡ để mở ra con đường mới không thông qua đồn lũy Hải Vân thì quan ải này đã mất dần vai trò kiểm soát và phòng thủ độc đạo, chỉ còn là một cứ điểm quan sát tầm cao.

Di tích Hải Vân Quan được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích Quốc gia tại Quyết định số 1531/QĐ-BVHTTDL ngày 14/4/2017; thuộc hai địa phận thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) và phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng).

Thực hiện: Vũ Điệp, Hồng Kiên, Mạnh Hùng