Nhiều loại thuốc trừ sâu có độ độc hại cao đang trở thành phương tiện để những kẻ hám lợi sử dụng đánh bắt cá, tôm và động vật hoang dã.


Việc làm này gây tổn hại môi sinh và có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Hiện nay, ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nhiều người hám lợi đang sử dụng phổ biến các loại thuốc trừ sâu có độ độc cao như ALTACH 5EC, VIFURAN, kể cả những loại thuốc đã bị cấm sử dụng như FASTAC 5EC, FURADAN… để đánh bắt thủy sản và bắt chim, cò, rắn, lươn.

Một chai thuốc tận diệt một khúc sông

Chúng tôi đã “nằm vùng” xã Trường An (Vĩnh Long), nơi được thông tin có hiện tượng bắt thủy sản bằng thuốc trừ sâu. Sau ba ngày lân la, chiều 17-9, trong vai một sinh viên về quê xả hơi, tôi được tháp tùng với nhóm thanh niên chăn vịt chạy đồng đang đi rải thuốc tại cầu Tân Nhơn (thuộc xã Tân Hạnh, huyện Long Hồ, Vĩnh Long).

Một người trong nhóm giải thích: “Loại ALTACH 5EC chỉ để bắt tôm, cua và một số cá nhỏ ven bờ. Còn muốn rải cá, chim, cò, rắn, lươn thì phải thuốc VIFURAN. Con gì ăn phải loại này cũng tiêu ngay”. Chưa đầy 5 phút từ khi đổ thuốc xuống sông, tôm lớn, nhỏ bắt đầu búng khỏi mặt nước và lờ đờ chết. Nhóm thanh niên chèo xuồng dùng vợt lưới vớt cá, tôm. Trên khúc sông dài khoảng 1 km (từ cầu Tân Nhơn tới vàm Bà Điểu, xã Tân Hạnh, huyện Long Hồ, Vĩnh Long) vừa bị thuốc, tôm, cá nhỏ ngửa bụng chờ chết nổi lờ đờ dưới mặt nước. Sau khoảng 1 giờ vớt cá tôm trên mặt nước, nhóm này quay lại đầu nguồn men theo ven bờ sông để nhặt cua và những con tôm búng lên bờ.

Một túi cá, rắn thu được do thuốc trừ sâu.

Đến xế chiều, họ trộn một phần bịch thuốc với cám và cá vụn rồi đi ven theo bờ kênh, bờ ruộng để rải chim, cò, lươn. Thi thoảng thấy những khoang nước đọng lớn, đoán có cá to, nhóm thanh niên tiện tay quăng nắm mồi xuống để sáng hôm sau thu hoạch. Một thanh niên trong nhóm cho hay: “Đang rảnh, rải chơi kiếm chút mồi nhậu. Nếu kha khá thì bán kiếm chút đỉnh tiêu xài”. Tổng cộng chỉ trong buổi chiều hôm ấy họ đã thu được khoảng 4 kg tôm, 5-6 kg rắn, cá, cua.

Gián tiếp đầu độc bữa ăn của người

Ngay sau đó, rắn, lươn, cá, chim, cò… “chiến lợi phẩm” được vợ của nhóm người này đem ra chợ, với lời rao “bán tôm, cá đồng” với giá cao ngất: tôm lớn trên 200.000 đồng/kg, tôm nhỏ 150.000 đồng/kg, cá, rắn ngót nghét 100.000 đồng/kg. Số tiền khá lớn so với thu nhập của nông dân. Tuy nhiên, cách bắt cá tận diệt này không chỉ tàn phá môi sinh mà còn gây nguy cơ tiềm tàng ngộ độc cho người tiêu dùng ăn phải những thứ cá, tôm này. Nhiều người dân đã bị thiệt hại bởi việc sử dụng thuốc để đánh bắt cá. Cuối năm 2011, đàn vịt của ông Bùi Văn Mum (ngụ ấp Tân Quới Hưng, xã Trường An, Vĩnh Long) bị chết gần 30 con vì thả đồng ăn phải thuốc này.

Mua đâu cũng có thuốc

Theo giới thiệu của nông dân xã Trường An, tôi tìm đến cửa hàng vật tư nông nghiệp TV hỏi mua hai loại thuốc là FASTAC 5EC (dùng bắt tôm) và FURADAN (dùng để rải chim, cò, cá…). Bà chủ cửa hiệu mang cho tôi một chai ALTACH 5EC và bịch thuốc VIFURAN loại 1 kg và tính tổng tiền 38.000 đồng. Thấy tên thuốc không như được giới thiệu, tôi thắc mắc và nói muốn mua để đánh tôm, cá thì bà chủ cửa hiệu giải thích: “Nó là một đó chú. Chỉ có cái tên khác thôi, chứ công dụng như nhau. Người ta vẫn thường mua cái này để rải cá, tôm đó”.

Tương tự, ở hầu hết các cửa hàng vật tư nông nghiệp thuộc phường 1 và phường 5 của TP Vĩnh Long, hai loại thuốc trên đều được bán rộng rãi. Đi khắp miệt Vĩnh Thuận (Kiên Giang), Lấp Vò (Đồng Tháp), Phụng Hiệp (Hậu Giang)… đến đâu tôi cũng nhận được những lời giới thiệu về “sức mạnh tận diệt” của các loại thuốc này.

(Theo PL TP.HCM)