Hội nghị Tổng kết Dự án “Nâng cao năng lực ứng phó khẩn cấp của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, giai đoạn 3”. (Ảnh: edcross.org.vn) |
Dự án “Nâng cao năng lực ứng phó khẩn cấp của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam” do USAID tài trợ trực tiếp từ năm 2015. Giai đoạn 3 kéo dài từ tháng 10/2019 đến tháng 11/2021, tại 4 tỉnh Bạc Liêu, Khánh Hòa, Hòa Bình và Quảng trị, tổng kinh phí hơn 15 tỷ đồng.
Theo Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, sau 26 tháng triển khai, dự án góp phần nâng cao năng lực của các cấp từ chính sách và lập kế hoạch. Số lượng tập huấn viên, hướng dẫn viên đang tăng lên để đáp ứng được nhu cầu cao về kỹ năng sơ cấp cứu. Số lượng người hưởng lợi trực tiếp của dự án đạt 33.786 người (cao 2,78 lần so với số người hưởng lợi dự kiến); số người hưởng lợi gián tiếp đạt 40.160 người (cao 1.67 lần sao với số người hưởng lợi dự kiến).
Trong đó, đã triển khai nâng cao năng lực cho đội ứng phó thảm họa Trung ương Hội Chữ thập đỏ (NDRT) gồm 21 thành viên và 9 đội ứng phó thiên tai hỗn hợp các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, Điện Biên, Hòa Bình, Khánh Hòa, Lai Châu, Nghệ An, Quảng Trị và Thanh Hóa về phòng ngừa và ứng phó thảm họa, sơ cấp cứu; Sử dụng phần mềm thu thập thông tin, lập bản đồ và cung cấp các trang bị cơ bản để ứng phó thiên tai khẩn cấp.
Tại Hội nghị tổng kết dự án, ông Nguyễn Nhất - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Ninh Đông, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa - chia sẻ: Trước khi có dự án, xã chưa đặt nặng về công tác phòng ngừa ứng phó thảm họa. Tuy nhiên, vào tháng 4/11/1017, Khánh Hòa chịu ảnh hưởng trực tiếp từ cơn bão Damrey. Do tâm lý chủ quan của người dân, hậu quả sau bão quá nặng nề, nhiều nhà cửa bị sập, tốc mái, hoa màu, gia súc gia cầm bị hư hỏng, mất mát, thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Trong thời gian qua, được sự hỗ trợ của dự án, người dân được cập nhật thông tin và trang bị các kỹ năng về phòng chống thiên tai, dịch bệnh. Dự án giúp cho người dân của xã chuẩn bị ứng phó tốt hơn với thiên tai, dịch bệnh, cải thiện khả năng chống chọi trước những biến đổi của khí hậu.
Hải Lam