Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai kế hoạch công tác năm 2024 vừa diễn ra, Cục Hàng không Việt Nam cho biết, vận tải hàng không năm 2023 đã có sự hồi phục và tăng trưởng tích cực, như mạng đường bay quốc tế được phục hồi và mở rộng, hàng không nội địa phục hồi hoàn toàn và tăng trưởng so năm 2019, thị trường quốc tế dần hồi phục và sớm đạt mức 2019 trong năm 2024.

Năm nay, tổng lượng khách đi máy bay xấp xỉ 74 triệu khách tăng 34,5% so năm 2022, bằng 93,6% so năm 2019 (thời điểm trước dịch Covid-19). Trong đó, vận chuyển hành khách quốc tế đạt 32 triệu khách, tăng 1,7 lần so năm 2022 nhưng chỉ bằng 77% so với năm 2019.

Về mạng đường bay, ghi nhận sự phục hồi và từng bước mở rộng với đường bay quốc tế. Noài khôi phục hoàn toàn các đường bay đến các thị trường truyền thống, các hãng hàng không Việt Nam đã đẩy mạnh khai thác các đường bay mới. Điển hình như bay đến Ấn Độ với 920.000 hành khách, tăng gần 15 lần so với năm 2019; thị trường Úc với 913.000 hành khách, tăng 40% so với trước Covid-19.

W-khach-di-may-bay-1.jpg
Lượng khách nội địa đi máy bay năm nay chưa bằng năm 2022 (Ảnh: Hoàng Hà)

Mạng đường bay nội địa được duy trì và phát triển với 66 đường bay nội địa và hơn 600 chuyến bay mỗi ngày. 

Tuy nhiên, trên cơ sở đánh giá khả năng cung ứng của các hãng hàng không Việt Nam, các chỉ tiêu về vận tải hàng không năm 2024, Cục Hàng không Việt Nam dự báo năm tới, lượng khách đi bằng máy bay đạt khoảng 80 triệu khách, trong đó nội địa là 38,3 triệu khách và quốc tế là 41,7 triệu khách.

Trong đó, khách nội địa là 38,5 triệu khách, giảm 3,5 triệu khách - tương ứng giảm 10,5% so với năm ngoái, còn khách quốc tế là 41,8 triệu, tăng 30,6% so với năm 2023.

Con số này được đưa ra trong bối cảnh năm nay, lượng khách nội địa đi máy bay giảm, chưa bằng sản lượng của năm 2022.

Tại đại hội cổ đông mới đây, lãnh đạo Vietnam Airlrines cho hay, vận tải hàng không nội địa rất khác thường. Quý I-II/2023 tăng trưởng tốt nhưng quý III sức mua chậm dẫn đến cao điểm hè không như kỳ vọng; quý IV/2023 tổng thị trường vận tải hàng không nội địa thấp hơn 2019 khoảng 10%. Đây cũng là xu thế và sẽ diễn ra vào năm 2024.

Ngoài ra, do kinh tế khó khăn, các hãng hàng không đã cắt giảm hàng loạt đường bay nội địa không hiệu quả, thu hẹp mạnh đội tàu bay. Từ 30 chiếc, nay Bamboo Airways còn 9 tàu bay, Pacific Airlines còn 3 tàu bay và Vietravel Airlines cũng chỉ có 3 tàu bay.

Trong khi đó, Prat Whitney tới đây sẽ tiến hành triệu hồi khoảng 3.000 động cơ máy bay A320Neo để kiểm tra kỹ thuật. Vietnam Airlines có khoảng 12 máy bay phải tháo động cơ xuống để kiểm tra. Việc sửa chữa dự kiến mất hơn 200 ngày, tăng gấp gần 3 lần (75-90 ngày) so với trước, nên sẽ ảnh hưởng khai thác. Trước mắt, hãng sẽ thuê ướt 4 máy bay để đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách tăng cao vào dịp Tết Nguyên đán 2024.

Riêng Bamboo Airways, do đang trong quá trình tái cơ cấu, hãng chỉ còn khai thác 16 đường bay nội địa so với thời kỳ đỉnh cao lên tới hơn 60 đường bay. Chưa kể, hãng còn là "con nợ" của các đơn vị cung cấp dịch vụ như cung ứng xăng dầu, phục vụ mặt đất, suất ăn,... Hãng cũng dôi dư hàng trăm phi công, 500 tiếp viên.

Do vậy, tại Hội nghị sơ kết trên của Cục Hàng không Việt Nam, lãnh đạo Bamboo Airways đã đề nghị các hãng bay giúp Bamboo Airways giải quyết lao động dôi dư. Trong đó, Vietjet đã nhận giúp 50 tiếp viên và 20 phi công, Vietnam Airlines đang nghiên cứu.