Chiều qua (7/7), Bộ Y tế ra công văn hỏa tốc gửi UBND 62 tỉnh, thành phố hướng dẫn tiếp nhận người về từ TP.HCM. Theo đó, tất cả người từ TP. HCM đi 62 tỉnh thành phải tự cách ly 7 ngày, lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 3 lần.

Ngay 18 giờ cùng ngày, Hà Nội thực hiện yêu cầu như trên. Ngoài ra, Hà Nội còn yêu cầu tất cả các trường hợp từ vùng có dịch khác về phải xét nghiệm 3 lần (vào ngày đầu tiên, ngày thứ 3 và ngày thứ 6 kể từ ngày đi từ vùng có dịch về), sau đó tự theo dõi sức khỏe tiếp trong vòng 7 ngày.

{keywords}
Người dân đến bệnh viện test nhanh để có chứng nhận âm tính với nCoV, lấy giấy thông hành đi lại. Ảnh: Phong Anh

Tuy nhiên, không phải tỉnh thành nào cũng có cách ứng xử giống nhau trong việc tiếp nhận người về từ nơi khác. Nhiều địa phương yêu cầu phải có giấy xét nghiệm Covid-19 âm tính. Có tỉnh yêu cầu thời gian hiệu lực của giấy xét nghiệm trong 3 ngày, 5 ngày có tỉnh cho thời gian 7 ngày. Có tỉnh, ngoài giấy xét nghiệm âm tính người đến đó còn phải đi cách ly tập trung 21 ngày.

Hải Phòng yêu cầu từ 12h ngày 7/7, cách ly tập trung 21 ngày đối với tất cả những người về từ TP.HCM. Từ 12h ngày 8/7, các chốt kiểm soát ở cửa ngõ TP Hải Phòng chỉ cho phép những người có kết quả xét nghiệm âm tính với nCoV trong vòng 5 ngày vào thành phố.

{keywords}
Hải Phòng kiểm soát gắt gao người vào TP

Cũng trong ngày 7/7, Quảng Ninh yêu cầu người từ nơi khác vào tỉnh phải có giấy xét nghiệm âm tính với nCoV. Tỉnh này thí điểm xét nghiệm nhanh Covid-19 tại 3 chốt kiểm soát dịch gồm chốt tại cổng tỉnh (thị xã Đông Triều), chốt cầu Bạch Đằng (thị xã Quảng Yên); chốt cầu Đá Bạc (TP Uông Bí). 

Bắc Giang từ ngày 5/7 yêu cầu toàn bộ người ngoại tỉnh vào địa bàn phải có xét nghiệm âm tính Covid-19 trong 72 giờ.

Việc kiểm soát người từ TP.HCM ở nhiều tỉnh thành phía Nam còn gắt gao hơn nữa.

Tối 6/7, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ban hành công văn áp dụng phòng chống dịch bệnh Covid-19 ở mức “nguy cơ cao”. Trong đó, tỉnh vẫn tiếp tục bắt buộc tất cả những người vào tỉnh này phải có giấy xét nghiệm Covid-19 kết quả âm tính trong thời gian không quá 5 ngày kể từ ngày có kết quả xét nghiệm.

Từ 0 giờ ngày 5/7, tất cả người dân đến và về từ các tỉnh có dịch, khi đến Bình Thuận ngoài việc khai báo y tế, phải có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-Cov-2 trong vòng 72 giờ.

Cũng yêu cầu có giấy xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính mới được vào tỉnh, tuy nhiên Lâm Đồng phân biệt thời gian có hiệu lực của các loại xét nghiệm. Theo đó,  kết quả xét nghiệm Realtime RT-PCR âm tính có giá trị 5 ngày, kết quả xét nghiệm nhanh có giá trị trong thời hạn 3 ngày.

Kết quả xét nghiệm âm tính ở Đồng Nai lại có hiệu lực trong vòng 7 ngày. Nội dung này được tỉnh yêu cầu thực hiện từ ngày 5/7.

{keywords}
Đội ngũ nhân viên y tế tại Bệnh viện Quân y 175 tiến hành nhập liệu, thu tiền người làm test nhanh. Ảnh: Phong Anh

Mỗi ngày có khoảng 10.000 người từ TP.HCM đến các nhà máy ở TP Dĩ An (Bình Dương) để làm việc. TP này đã ban hành văn bản yêu cầu người ở nơi khác vào phải có giấy xét nghiệm Realtime RT-PCR trong thời gian 7 ngày và 3 ngày đối với test nhanh.

Các huyện Tân Trụ, Đức Hoà (Long An), mỗi ngày có hàng chục nghìn người dân, lao động đi về từ TP.HCM cũng yêu cầu phải có giấy xét nghiệm Covid-19.

Trong công văn chỉ đạo vào chiều 7/7, Tây Ninh yêu cầu người về từ các tỉnh thành khác về phải có giấy kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong thời gian dưới 72 giờ. Riêng đối với người từ TP.HCM về, phải thực hiện cách ly y tế tại nhà trong 7 ngày và xét nghiệm 3 lần (vào ngày 1, 3 và ngày thứ 6). Tiếp tục tự theo dõi sức khỏe 7 ngày tiếp theo kể từ ngày kết thúc cách ly y tế tại nhà.

{keywords}
Chốt kiểm dịch ở TP Cần Thơ. Ảnh: Minh Trung

Ngày 6/7, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ Dương Tấn Hiển ký văn bản yêu cầu từ 0 giờ ngày 9/7, người dân vào thành phố phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-COV-2.  Giấy xét nghiệm có hiệu lực trong vòng 7 ngày.

Không nên quy định thời gian hiệu lực của 'giấy thông hành'

Việc yêu cầu có giấy xét nghiệm Covid-19 khiến hàng nghìn người dân ùn ùn kéo tới bệnh viện để test nhằm đáp ứng nhu cầu công việc, đi lại. Đơn cử như Bệnh viện 175 (TP.HCM), 2 ngày qua đã có hơn 3.000 người đã đến bệnh viện test. Bên cạnh đó, chi phí test ở mỗi nơi mỗi khác dẫn tới tình trạng loạn giá. Yêu cầu về giấy xét nghiệm đã gây ra khó khăn không nhỏ cho người dân và doanh nghiệp. 

TP Vinh bỏ quy định ra vào phải xét nghiệm Covid-19 

Từ chiều 6/7, người dân ra, vào TP Vinh không phải xuất trình giấy xét nghiệm âm tính với SARS-COV-2. Quyết định này tỉnh Nghệ An ban hành sau 3 ngày yêu cầu người dân ra vào TP Vinh phải có giấy xét nghiệm.

 

Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM, kết quả xét nghiệm Covid-19 âm tính chỉ có tác dụng chứng nhận ở thời điểm đó, nếu người dân không thực hiện các biện pháp phòng dịch tốt, nguy cơ trở thành F0 luôn thường trực. 

Nhìn nhận về vấn đề này, PGS. TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, việc một số địa phương kiểm soát chặt người ra vào bằng giấy xét nghiệm nhanh Covid-19 là một biện pháp phù hợp và cần thiết để phòng chống dịch.

Việc bắt buộc xét nghiệm đại trà như hiện nay gây tốn kém. Thay vào đó, các tỉnh  thành chỉ cần yêu cầu người từ vùng dịch phải có giấy xét nghiệm Covid-19 âm tính. Khái niệm vùng dịch đã được Bộ Y tế công bố là xóm, thôn, khu phố, phường, quận, huyện cụ thể chứ không phải là cả tỉnh, thành.

Theo ông Phu, kết quả xét nghiệm nhanh âm tính chỉ chứng nhận tại thời điểm lấy mẫu, người đó cơ bản không nhiễm SARS-CoV-2. Trường hợp lấy mẫu quá sớm (sau 1 ngày nhiễm) có thể không phát hiện ra và không loại trừ trường hợp âm tính giả.

Người dân vào Hải Phòng phải có giấy xét nghiệm âm tính Covid-19

Người dân vào Hải Phòng phải có giấy xét nghiệm âm tính Covid-19

Không có giấy xét nghiệm SARS-CoV-2 thì sẽ không được vào thành phố Hải Phòng, tính từ 12h trưa 8/7.

 Bảo Ngọc