Nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm sự kiện Ngày truyển thống Luật sư Việt
Nam, ngày 10/10, 63 đoàn luật sư trên cả nước với 8.000 ngàn luật sư đã đồng
loạt trợ giúp pháp lý miễn phí cho người dân trên khắp cả nước.
Dân “trẩy hội” đi nghe tư vấn pháp lý
10 điểm trợ giúp pháp lý miễn phí đã được mở tại các địa điểm trong nội thành Hà
Nội, bao gồm: tại Cung Trí Đức (đường Trần Thái Tông, quận Cầu Giấy); số 19
Tràng Thi; số 1 Quang Trung (quận Hà Đông); số 768 Minh Khai (quận Hai Bà
Trưng); trụ sở UBND phường Kim Liên; số 51 Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai); số 52
phố Quán Sứ; 47 Lê Văn Hưu; trụ sở UBND huyện Sóc Sơn; trụ sở UBND phường Quỳnh
Lôi (quận Hai Bà Trưng) và số 260 Xã Đàn (quận Đống Đa).
Trợ giúp pháp lý tại Cung Trí Đức (đường Trần Thái Tông, quận Cầu Giấy) sáng ngày 10/10/2013 |
Đây là một trong chuỗi những sự kiện chào mừng Ngày truyền thống Luật sư Việt
Nam (10/10/1945 - 10/10/2013) do Liên đoàn Luật sư Việt Nam tổ chức.
52 luật sư nổi tiếng, giàu kinh nghiệm tại các VPLS, Công ty luật đã tham gia tư
vấn pháp lý cho đông đảo người dân. Tất cả các vấn đề liên quan đến pháp lý mà
người dân chưa thấu hiểu đều được các luật sư giải đáp.
Tại tầng 1 Cung Trí Đức (đường Trần Thái Tông, quận Cầu Giấy), ngay từ sáng sớm,
rất nhiều người dân khi biết thông tin được trợ giúp pháp lý miễn phí đã tìm đến
để được các luật sư nhiều kinh nghiệm giải đáp.
10 bàn tư vấn được kê thành hai dãy trong căn phòng rộng chừng 40m2. Tại mỗi
bàn, hai luật sư sẽ có trách nhiệm giải đáp những băn khoăn của người dân, doanh
nghiệp.
Chị Nguyễn Ngọc H. (quận Cầu Giấy) rất thỏa mãn với những giải thích của một nữ
luật sư thuộc bàn tư vấn của Trang tin điện tử Luatsungaynay.vn - Cơ quan Đoàn
LS TP. Hà Nội giải đáp. Thắc mắc của chị liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận
quyền sử dụng đất của gia đình, thời hạn kéo dài do gia đình chị chưa biết những
giấy tờ, thủ tục cần thiết… để được cấp giấy.
“Nóng rẫy” thắc mắc về đất đai, BĐS
Rất nhiều người dân nhờ các luật sư giải đáp về các khúc mắc liên quan đến việc
thu hồi, đền bù, giái phóng mặt bằng… phục vụ dự án; các vấn đề liên quan đến di
dân, tái định cư…
“Những thắc mắc mà người dân mang đến các điểm trợ giúp pháp lý, vấn đề liên
quan tới các nội dung về đất đai, thủ tục cấp giấy chứng nhận QSD; các quyền
liên quan đến đất… là những câu hỏi nhiều nhất. Nhiều người dân hỏi luật sư cả
những câu chuyện cụ thể: những vụ việc đã được cơ quan chức năng xử lý nhưng
người dân chưa bằng lòng với kết luận, đã mất một thời gian dài đi hỏi các cơ
quan chức năng… nhưng vẫn chưa nhận được câu trả lời rõ ràng, cụ thể…, các luật
sư đều giải thích, chỉ dẫn để bà con hiểu được vấn đề” - một luật sư cho biết.
|
Ngoài những thắc mắc liên quan đến quyền lợi về đất đai, sở hữu nhà ở…, các bạn
trẻ khác khi đến các điểm trợ giúp pháp lý lại mang theo những thắc mắc về quyền
lợi của người lao động, bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp hay các nghĩa vụ
liên quan đến thuế thu nhập; việc bảo vệ quyền lợi của người lao động tại các
doanh nghiệp tư nhân…
Nhiều vấn đề khác như những cạm bẫy khi người dân là nạn nhân trong các giao
dịch vay vốn bằng hình thức tín chấp, thế chấp; chế định phạt vi phạm và bồi
thường thiệt hại trong hợp đồng kinh doanh - thương mại; những phát sinh, tranh
chấp trong việc huy động vốn (từ người mua nhà) để đầu tư chung cư cao tầng diễn
ra tự phát, lộn xộn trong thời gian qua khiến khách hàng (người dân) phải sử
dụng các hình thức đấu tranh với chủ đầu tư (trong đó có việc tập trung đông
người biểu tình, phản đối…).
Luật sư Trương Chí Công cho biết: Tình trạng các chủ đầu tư có khả năng tài
chính yếu kém nhưng vẫn cố tình bằng mọi giá để huy động vốn thực hiện dự án
hoặc huy động vốn nhưng lại sử dụng vốn sai mục đích đã khiến rất nhiều dự án bị
chậm tiến độ, tạm dừng hoặc không còn khả năng thực hiện. Thực trạng này xảy ra
nhiều ở Hà Nội và T.P Hồ Chí Minh.
|
Phải gánh chịu mọi rủi ro và hậu quả của việc huy động vốn nêu trên là người mua
nhà. Nếu may mắn dự án triển khai chậm thì còn có khả năng nhận nhà được, còn
không may mắn thì bị mất toàn bộ các khoản tiền đã góp vốn do chủ đầu tư phá sản
và không có khả năng thực hiện.
Từ thực trạng này, luật sư Trương Chí Công đã đưa ra các phương án, giải pháp để
đảm bảo tối thiểu cho dự án và quyền lợi của khách hàng (người dân mua nhà) được
đảm bảo.
Đây là những mâu thuẫn, tranh chấp mới phát sinh tại các đô thị nhưng lại nở rộ
nhanh chóng bởi trong bối cảnh kinh tế khó khăn, giao dịch bất động sản đóng
băng, ngưng trệ…, hàng loạt dự án bất động sản đổ bể đã gây hậu quả nghiêm
trọng, bất ổn xã hội và đẩy người mua nhà rơi vào bi kịch.
Với những thông tin pháp lý được các luật sư đưa ra giải đáp những thắc mắc cho
người dân, rất nhiều người dân đã tiếp cận được các quy định pháp luật cụ thể
được ban hành để điều chỉnh các quan hệ pháp luật cụ thể.
“Việc đưa ra các điểm trợ giúp pháp lý trong ngày 10/10/2013 có ý nghĩa rất quan
trọng. Người dân hiểu sâu sắc hơn về các quy phạm pháp luập điều chỉnh các hành
vi pháp luật; các luật sư cũng hiểu được những mong mỏi của người dân để từ đó
có các hướng dẫn, trợ giúp pháp lý hiệu quả nhất trong quá trình hành nghề của
mình” - Luật sư Nguyễn Văn Chiến, Phó Tổng Thư ký (Liên đoàn Luật sư Việt Nam)
chia sẻ.
K.Trung