Trong màn trống hội chào mừng của các tăng ni, ngày 22/2, Đức Gyalwang Drukpa cử hành lễ khai mở bức tranh thêu gấm Thongdrol Phật Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn và bức tranh đá quý Mandala Phật Quan Âm. Đây là hai Pháp bảo Phật giáo Kim Cương thừa có kích thước khổng lồ hiện đang giữ kỷ lục Tranh Phật lớn nhất Việt Nam. |
Đại lễ yểm tâm gia trì hợp long cầu Đại lạc Kim Cương Mandala đã diễn ra trong bầu không khí linh thiêng và niềm hoan hỉ của toàn thể đại chúng có phúc duyên tham dự. Ngài và ni chúng Tây Thiên kỹ lưỡng chọn lựa các loại vật liệu quý dùng để yểm tâm cầu. |
Được chứng kiến thời khắc lịch sử, đã có không ít Phật tử dự lễ thành kính dâng cúng đồ trang sức quý để được yểm trực tiếp vào tâm cầu dưới lòng đất. Cùng với tâm nguyện cầu thanh tịnh của đại chúng dự lễ, tất cả tạo thành sức mạnh giúp viên mãn hết thảy nguyện cầu. |
Cầu Đại Lạc Kim Cương Mandala do Đức Pháp Vương cố vấn kiến thiết và chư Ni Tây Thiên xây dựng đã được kiến lập xong phần cơ bản. Cầu có kiến trúc hình xoáy tam thái cực lần đầu tiên được kiến lập trên thế giới với chiều dài 300 m, rộng 3 m kết nối Cung điện Mandala Liên Hoa - cảnh giới Tịnh độ của Đức Liên Hoa Sinh với Đại Bảo Tháp Tây Thiên, cảnh giới linh thiêng của Ngũ Trí Phật. Khi hoàn thiện, cây cầu sẽ mang hai màu đỏ và xanh dương. Màu đỏ tượng trưng của tình yêu thương, lòng từ bi, màu xanh dương là cho trí tuệ, năng lượng sức mạnh. Theo quan điểm Phật giáo, cây cầu nêu biểu 2 phẩm hạnh từ bi, trí tuệ mang tới từ trường an lành giúp cho người triều bái tịnh hóa chướng ngại, nghiệp xấu. |
Đức Gyalwang Drukpa giải thích, trí tuệ là nền tảng dẫn đến thành công và lòng từ bi sẽ dựa trên trí tuệ để trở thành vĩ đại. Nếu không có trí tuệ, từ bi sẽ thành tình thương ích kỷ, đem lại khổ đau. Nếu không có từ bi, trí tuệ trở thành độc ác và bất lợi cho chúng ta. "Trong sâu thẳm tâm hồn mỗi chúng ta, các phật tử cũng có đầy đủ từ bi và trí tuệ, nhưng đôi khi chúng ta quên mất do sống ích kỷ. Dự lễ Pháp hội này, lòng từ bi, trí tuệ của Phật tử sẽ được đánh thức", Ngài nói. |
Vào buổi chiều là lễ rước 21 tôn tượng Phật Mẫu Tara - Quan Âm và 8 vị Phật Bản tôn Hộ mệnh từ lòng Đại Bảo tháp an vị tại tầng 1 Cung điện Liên Hoa. Theo kinh điển Mật thừa, Đức Tara là một trong nhiều hóa thân của Phật Quan Âm. Ngài hiện thân của phẩm hạnh giác ngộ, biểu trưng cho tiềm năng Phật tính sẵn có nơi mỗi người. |
Vũ điệu linh thiêng triệu thỉnh Tám hóa thân Liên Hoa Sinh do các cao tăng Drukpa phô diễn tạm kết lại ngày đầu tiên của Pháp hội Quan Âm tại Đại Bảo tháp Mandala Tây Thiên– đã giúp truyền tải trọn vẹn nguồn ban phúc gia trì từ Đức Liên Hoa Sinh tới tất cả chúng sinh tham dự lễ hội. |
Trong khuôn khổ Pháp hội, nhiều chương trình giao lưu nghệ thuật sẽ được tổ chức, trong đó có Tây Thiên Ca - đêm nhạc cúng dàng Phật Quan Âm sẽ diễn ra vào tối thứ bảy 23/2 tại sân khấu Đại Bảo Tháp. Chương trình do TS-Sao Mai Phương Nga làm tổng đạo diễn với sự tham dự của NSND Quang Thọ, NSƯT Thanh Lam, nghệ sĩ Nguyên Vũ và các ca sĩ trẻ (sao mai Thu Hằng, Bích Hồng, Thăng Long, Anh Quân Idol). Đại lễ quán đỉnh, cầu an, cầu siêu trong Pháp hội Đại Bi Quan Âm sẽ diễn ra trong ba ngày 22-24/2. |
Tình Lê
Giáo hội Phật giáo yêu cầu tăng ni không lợi dụng lễ cầu an để trục lợi
- Ngày 20/2, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam có văn bản gửi ban trị sự giáo hội các địa phương chấn chỉnh việc các chùa tổ chức dâng sao giải hạn.