Trước khi “biến mất”, các hình thức này công khai trên mạng xã hội với những lời mời gọi rất hấp dẫn: “đầu tư ít sinh lời cao, bảo hiểm 100% vốn”, “không làm gì vẫn có tiền”,… nhiều người đã tin và không hề biết ấy là bẫy của những kẻ lừa đảo chuyên nghiệp núp bóng công nghệ.

Trăm hoa đua nở… sàn ảo

Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Hồ Chí Minh vừa cho biết đã thụ lý điều tra vụ “sập sàn giao dịch Coolcat”. Trước đó, nhiều người dân ở các tỉnh, thành đã tìm tới Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh để nộp đơn tố cáo về vụ việc này, đồng thời bày tỏ sự lo lắng mất khoản tiền lớn đã đầu tư vào sàn giao dịch ảo này do “bỗng dưng” không thể truy cập vào ứng dụng Coolcat - sàn giao dịch bảo hiểm 100% vốn. Đến nay, Công an TP Hồ Chí Minh đã tiếp nhận hơn 600 đơn tố cáo liên quan vụ “sập sàn giao dịch Coolcat”, có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt với tổng tài sản ước lượng lên đến hàng trăm tỷ đồng.

{keywords}
Bộ Công an đã cảnh báo về hoạt động của sàn giao dịch Gardenbo.

“Trong vụ việc này, khi người dân đến tố cáo, Công an TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ tiếp nhận đơn để xử lý theo quy định pháp luật. Nhưng về bản chất sự việc, cơ quan điều tra vẫn đang tiếp tục điều tra làm rõ. Và Công an TP sẽ điều tra truy xét theo đúng quy định pháp luật”, Đại tá Nguyễn Sỹ Quang, Phó Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh, cho biết tại cuộc họp báo về tình hình trật tự, an toàn xã hội 4 tháng đầu năm 2021.

Theo tìm hiểu của PV Báo CAND, với ứng dụng - sàn giao dịch Coolcat này, người chơi đã lập những nhóm nhỏ theo từng khu vực tỉnh, thành để cùng chơi, đầu tư. Và sở dĩ sàn Coolcat hấp dẫn người chơi đầu tư đổ tiền vào vì được hứa hẹn trả lợi nhuận cao, và trên hết là “dù giao dịch thua vẫn được bảo hiểm 100% vốn”, tức là được “an toàn tuyệt đối”.

Cụ thể, người chơi tải phần mềm Coolcat, đăng nhập bằng số điện thoại cá nhân, được cấp một mã số (ID) riêng, bấm dự đoán giá Bitcoin (tiền mã hóa), giá vàng lên hoặc xuống. Nếu đoán thắng thì nhận được 73% tiền thắng, nếu thua 6 lần liên tiếp phải dừng lại, báo về để được bảo hiểm đền 100%... Với sự “đảm bảo không tưởng” đó, nhiều người đã bỏ ra từ vài triệu rồi trăm triệu đến hàng tỷ đồng để nạp tiền đầu tư vào “app đầu tư tài chính” Coolcat này. Chưa kể, nhà đầu tư còn được nhận hoa hồng đại lý rất cao.

“Với phương thức chỉ cần mở điện thoại bấm đại kiểu “may rủi” phần nhiều là mỗi ngày đều có tiền về, thích rút ra tiền mặt cũng được nên tôi cũng như nhiều người tới đây đã không lường được hậu quả hôm nay. Tôi còn rủ mấy đứa em vào chơi, mới nạp vô mấy trăm triệu qua ngày thứ hai thì app sập từ giữa tháng tư vừa qua”, chị Th. (SN 1985, TP Hồ Chí Minh) buồn bã cho hay.

Đáng lưu ý, trong lúc các nạn nhân của sàn Coolcat như đang “ngồi trên đống lửa” thì một số người khác lại trà trộn vào các nhóm Zalo, Telegram tập hợp hàng ngàn nạn nhân để lôi kéo sang đầu tư ở các sàn chứng khoán phái sinh quốc tế, giao dịch vàng, ngoại hối - forex, tiền ảo, cá cược bóng đá, đánh bài online... để “gỡ lỗ”.

Đơn cử như trong khi tham gia nhóm tố cáo Coolcat ở Telegram, nhiều người bỗng dưng bị thêm vào nhóm “hỗ trợ kiếm tiền W.ex với hơn 1.800 thành viên. Tuy nhiên, W.ex cũng là một sàn giao dịch nhị phân, giống Coolcat ở chỗ người chơi chỉ cần đặt cược giá vàng, chứng khoán, bitcoin... lên (bấm vào màu xanh) hay xuống (bấm vào màu đỏ), để nhận lợi nhuận tối thiểu khoảng 15-20%/ngày, chỉ cần bỏ vốn 2,5 triệu đồng đã kiếm được 1 triệu đồng/ngày…

Hiện nay, trên thị trường có hàng trăm sàn giao dịch tiền ảo, ngoại hối được lập ra để kinh doanh tiền điện tử, huy động vốn theo phương thức đa cấp. Khi lực lượng chức năng đấu tranh, làm rõ hành vi lừa đảo của sàn giao dịch này thì ngay lập tức các sàn khác lại mọc ra.

Cần tỉnh táo, tìm hiểu kỹ

Thực tế, thời gian qua, lực lượng Công an đã triển khai công tác phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn đối với hoạt động phạm tội có liên quan tiền ảo. Từ đó, đã xác minh, điều tra hàng chục chuyên án, khởi tố và bắt giữ nhiều đối tượng liên quan đến hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp sử dụng tiền ảo để thực hiện hành vi phạm tội, chiếm đoạt tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Trong đó, từ tháng 4/2021 đến nay, Công an TP Hà Nội và Công an TP Đà Nẵng cũng như Bộ Công an đã phát đi cảnh báo về hoạt động của sàn giao dịch quyền nhị phân (Binary Option - BO) (website gardenbo.com) có dấu hiệu tổ chức huy động vốn, lôi kéo số lượng lớn người tham gia đầu tư với số tiền hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro, tác động tiêu cực đến an ninh tiền tệ, trật tự an toàn xã hội.

Gardenbo cho phép người chơi thực hiện giao dịch cá cược trên sàn, mỗi người chơi có từ 30 giây để tiến hành cá cược và chọn số tiền giao dịch. Qua xác minh ban đầu, Bộ Công an xác định, các cá nhân đứng ra mở tài khoản ngân hàng dùng để nhận tiền của nhà đầu tư tham gia sàn Gardenbo.com gồm có: Ly Minh Tuong (SN 2002, ngụ tỉnh Kiên Giang); Bui Quoc Luc (SN 2000, ngụ tỉnh Hậu Giang). Sau khi nhận được tiền của các nhà đầu tư gửi vào các tài khoản trên, các đối tượng thường chuyển tiền của các nhà đầu tư vào tài khoản ngân hàng của Nguyễn Bá Phú và Nguyễn Thị Hiếu đều trú tại Hà Tĩnh.

Theo thông tin thu thập được, Bộ Công an xác định, Phú và Hiếu có dấu hiệu cung cấp dịch vụ chuyến tiền ra nước ngoài, cụ thể sau khi nhận tiền của các đối tượng, Phú và Hiếu chuyển tiền sang Thái Lan cho các đối tượng cầm đầu.

Trước đó, Công an tỉnh Thanh Hóa cũng đã liên tiếp đánh sập 3 đường dây lừa đảo thông qua các sàn giao dịch Forex, tiền ảo F5trader.com và Tradenew.io… Các sàn nhanh chóng đã kêu gọi được hàng ngàn người trên địa bàn 11 tỉnh, thành trong cả nước tham gia.

Có thể thấy, dù các tên gọi của các mô hình, dự án có dấu hiệu lừa đảo kể trên có khác nhau, nhưng các thủ đoạn, chiêu trò đều có những điểm giống nhau, như: Hoạt động trên môi trường không gian mạng, trả lãi cao một cách bất thường, hoạt động theo phương thức đa cấp, các dự án, mô hình đều có yếu tố nước ngoài, không rõ ai làm chủ… Do vậy, chỉ cần người tham gia tỉnh táo, tìm hiểu kỹ trước khi bỏ tiền đầu tư, sẽ tránh được nguy cơ rủi ro.

(Theo Công An Nhân Dân)