- BS Nguyễn Đức Hùng - Phó Chủ nhiệm khoa kiểm soát các bệnh truyền nhiễm và vắc-xin sinh phẩm (thuộc Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội) và Thạc sỹ, BS Trần Thị Hồng Vân, Bệnh viện Nhi Trung ương đã giao lưu và tư vấn trực tuyến về bệnh tay chân miệng trên VietNamNet.


 Khách mời Thạc sỹ, BS Trần Thị Hồng Vân, Bệnh viện Nhi Trung ương


Khách mời Nguyễn Đức Hùng - Phó Chủ nhiệm khoa kiểm soát các bệnh truyền nhiễm và vắc-xin sinh phẩm (thuộc Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội)

 

Bạn đọc quan tâm có thể đặt câu hỏi tại đây để nhận được lời giải đáp của các chuyên gia và theo dõi nội dung giao lưu dưới đây:

Độc giả Nguyễn Thị Ngọc, nữ, 23 tuổi: Con gái em được hơn 3 tháng tuổi. Cách đây 4 ngày đêm cháu ngủ bị giật mình và 2 ngày sau em thấy cháu nổi 3 mụn to màu đỏ quanh miệng và nhiều mụn nhỏ xung quanh, hôm nay em lại thấy cháu nổi thêm mụn ở quanh miệng và bụng cháu lác đác nổi mụn đỏ nên rất lo lắng. Mong các bác sỹ giúp em. Em cảm ơn rất nhiều.

Ông Nguyễn Đức Hùng: Triệu chứng của cháu chưa rõ là bệnh tay chân miệng. Chị có thể cho cháu đến cơ sở để các bác sĩ khám để xác định chính xác hơn.
 


 

Trần Hải Yến, nữ, 29 tuổi: Bé nhà em được 2 tuổi, em rất lo lắng vì dịch tay chân miệng ngày càng lây lan nghiêm trọng. Bé nhà em năm ngoái đã mắc tay chân miệng rồi, bây giờ liệu có bị lại nữa không? Ngoài việc vệ sinh sạch sẽ cho cháu thì còn cần phải làm những gì để phòng bệnh nữa? Rất mong bác sĩ chỉ bảo giúp cách phòng dịch bệnh tay chân miệng hiệu quả và an toàn nhất?

Ông Nguyễn Đức Hùng: Bệnh tay chân miệng do rất nhiều tuýp vi rút gây bệnh khác nhau nên cháu có thể bị lần 2. Để phòng bệnh tốt nhất cần thực hiện các biện pháp sau: vệ sinh cá nhân đặc biệt là rửa tay – là biện pháp có tính quyết định trong phòng bệnh. Làm vệ sinh cá nhân rửa tay bằng xà phòng và nước sạch trước khi ăn, chế biến thực phẩm, sau khi đi vệ sinh, hoặc tiếp xúc với nguồn lây bệnh.

Thực hiện khuyến cáo của tổ chức y tế Thế giới “Vì sự sống hãy vệ sinh tay”. Ngoài ra còn thực hiện các biện pháp khác như thực hiện vệ sinh ăn chín uống sôi, sử dụng nguồn nước sạch trong sinh hoạt, vệ sinh môi trường, xử lý nước thải, xử lý nhà tiêu hợp vệ sinh và giám sát thường xuyên phát hiện các triệu chứng của bệnh để điều trị sớm và kịp thời.

Lê Thị Nhật Uyên, nữ, 13 tuổi: Đến thời điểm này, tay chân miệng vẫn tiếp tục gia tăng mạnh cả về số mắc lẫn tử vong. Các địa phương bảo rằng bệnh đang được kiểm soát. Đại diện của ngành Y tế cũng cho rằng, bệnh tay chân miệng chưa đến lúc phải công bố dịch. Các địa phương cũng đều nói đã triển khai nhiều biện pháp phòng chống dịch, ưu tiên cho các trường học. Vậy, nguyên nhân của tình trạng gia tăng số mắc và tử vong do tay chân miệng là từ đâu?   - Đến nay, các ca tử vong do tay chân miệng đều được ghi nhận là trẻ ở nhà. Trong khi các biện pháp phòng, chống dịch hiện vẫn đang được ưu tiên chủ yếu ở các trường học. Nên chăng ngành Y tế cần phải thay đổi chiến lược phòng chống dịch?

 
 

Ông Nguyễn Đức Hùng: Đúng là hiện nay bệnh tay chân miệng đang gia tăng đặc biệt là các tỉnh phía Nam. Theo dự báo trong tháng 11, 12 bệnh còn tiếp tục gia tăng. Xong tình hình vẫn nằm trong tầm kiểm soát của ngành Y tế. Hiện nay ngành Y tế đang tập trung nguồn lực để phòng chống bệnh này đặc biệt là tại các trường học. Bằng các biện pháp sau: Thứ nhât là giám sát, phát sớm, xử lý và điều trị kịp thời, hạn chế tối đa tử vong cho bệnh nhân. Thứ hai là cách ly ngay các trường hợp mắc không để lây lan ra cộng đồng. Thứ ba thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường nâng cao thể trạng. Thứ tư là làm sạch bề mặt và khử trùng dụng cụ sinh hoạt, nhà vệ sinh bị nhiễm chất tiết và bài tiết của bệnh nhân tay chân miệng. Thứ năm là điều trị đúng phác đồ bộ y  tế đã ban hành.

Phan Quang Quốc, nam, 34 tuổi: Cách phòng chống bệnh tay chân miệng là gì? Nguyên nhân gây ra bệnh tay chân miệng?

Ông Nguyễn Đức Hùng: Bạn xem lại câu trả lời ở phần trên.

Phương Thu, nữ, 35 tuổi: Xin các bác sĩ cho biết: Bệnh trở nặng có biểu hiện như thế nào?

Ths, Bs Trần Thị Hồng Vân: Trong bệnh chân tay miệng chia làm 4 độ: độ 1, độ 2, độ 3 và độ 4. Độ 2 chia ra là độ 2a và 2b. Độ 2b chia ra thành nhóm 1 và nhóm 2. Độ 1 là thể thông thường, độ nhẹ và thường gặp. Bệnh bắt đầu trở nặng là từ độ 2a. Các dấu hiệu nặng là trẻ có thể sốt cao liên tục, nôn trớ và đặc biệt có triệu chứng trẻ giật nhẹ các cơ giống như giật mình. Ở mức độ này, cơn giật ít, thường dưới 2 cơn/30 phút và thường thì do cha mẹ trẻ nhận biết chứ bác sĩ không nhìn thấy trong lúc khám. Ở độ này, cha mẹ cần cho con đi khám ngay vì bệnh sẽ chuyển biến nhanh sang các độ nặng hơn.



Tran Van Khanh, nam, 26 tuoi: Con gái tôi được 3 tháng tuổi. Tôi có việc phải vào TP HCM và tôi đi bằng tàu hỏa. Vậy khi đi tàu và tiếp xúc với nhiều người thì cháu có nguy cơ bị bệnh tay chân miệng không? Các phòng tránh thế nào (nhất là khi phải tiếp xúc với chỗ đông người)? Tôi xin chân thành cảm ơn.

Ông Nguyễn Đức Hùng: Bệnh tay chân miệng lây theo đường “phân miệng” tức là virut được đào thải qua phân và các dịch tiết như hầu, họng, vì vậy khi người tiếp xúc với các nguồn lây cháu sẽ dễ bị lây nhiễm. Khi tiếp xúc nơi đông người, đề phòng lây lan chúng ta phải dùng các biện pháp như đeo khẩu trang khi tiếp xúc, nói chuyện với người lạ giữ cự ly nhất định, không nên quá gần đề phòng những hạt nước bọt bắn ra. Thứ hai nên thực hiện vệ sinh cá nhân, rửa tay đúng quy định, vệ sinh ăn uống khi đi trên tàu.

Thu Huyền, nữ, 30 tuổi: Xin bác sĩ cho biết hiện tượng "run tay chân" trong bệnh tay chân miệng biểu hiện cụ thể như thế nào?

Thạc sĩ, BS Trần Thị Hồng Vân: Khi trẻ bị run tay chân ở mức độ nặng 2b, độ 3, trẻ thường có hiện tượng tay chân bắt đầu lạnh và run nhẹ tay và chân hoặc có khi giật nhẹ, giật ngắn hoặc với trẻ biết đi sẽ có hiện tượng đi loạng choạng không vững. Tất nhiên ở đây phải phân biệt với tình huống trẻ mệt, không muốn đi đứng, chỉ thích bế. Trong tình huống ở bệnh chân tay miệng thì trẻ vẫn muốn đi nhưng đi không vững, tay chân run rẩy nhẹ. Đôi khi phải chú ý mới thấy được hiện tượng này. Cha mẹ là người biết rõ tính cách của con mình nên có thể phân biệt được những biểu hiện run bất thường, chỉ cần chú ý.

Quý vị độc giả cũng có thể theo dõi nội dung giao lưu tại đây


Thanh Mỹ, nam, 32 tuổi: Xin bác sĩ cho biết bé bú tay nhiều có khả năng mắc bệnh tay chân miệng không (khi nhà em đã được lau sạch hàng ngày)? Nguồn gốc của bệnh từ chó mèo có đúng không?

Ông Nguyễn Đức Hùng: Nguồn gốc của bệnh tay chân miệng không phải từ chó và mèo. Nguồn bệnh từ người bệnh và người lành mang virut. Mần bệnh được đào thải qua phân và chất tiết của bệnh nhân, mầm bệnh có thể đào thải qua môi trừơng, nhiễm vào bàn ghế, đồ chơi, dụng cụ học tập của trẻ. Vì vậy việc bú tay nhiều lần sẽ có nguy cơ bị nhiễm bệnh rất cao.

Vu Thu Hien, nu, 32 tuổi: Xin chào các bác sỹ. Con tôi năm nay 6 tuổi và đang học lớp 1. Con tôi bị loét miệng, có 1 chấm nhỏ bằng hạt đỗ. Cháu không bị sốt và chân tay không có vấn đề gì. Cháu vẫn đi học và ăn uống bình thường. Xin bác sỹ cho hỏi bệnh đó là bệnh tay chân miệng hay chỉ là nhiệt miệng thông thường? Xin cảm ơn bác sỹ.

Ths Bs Trần Thị Hồng Vân: Vấn đề mẹ cháu hỏi là rất đúng. Quan trọng là phải phân biệt được viêm loét miệng thông thường với bệnh chân tay miệng. Bệnh viêm loét miệng do nhiều nguyên nhân, có thể do các loại virus khác hoặc do nhiễm vi khuẩn hoặc do trẻ thiếu một số loại vitamin trong chế độ ăn uống. Các biểu hiện là những nốt loét, có khi có mủ. Nếu do virus thì cũng có nốt phỏng. Tuy nhiên, các biểu hiện khác của bệnh chân tay miệng sẽ không có. Ví dụ sẽ không có các nốt ở chân tay và toàn thân. Trẻ không quá mệt mỏi, quấy khóc, không sốt cao, không nôn bất thường. Nếu vẫn nghi ngờ là bệnh chân tay miệng thì cần phải cho cháu đi khám để được làm xét nghiệm, đặc biệt là trong mùa dịch chân tay miệng

Thảo Nguyên, nữ, 25 tuổi: Xin bác sĩ tư vấn: nếu chỉ rửa tay bằng nước sạch có diệt khuẩn được không? Con tôi bảo trong trường học tại TP HCM cô giáo ít nhắc rửa tay, vậy trung tâm y tế dự phòng có biện pháp nào phối hợp với Sở Giáo dục không?

Ông Nguyễn Đức Hùng: Rửa tay bằng nước sạch không thì không diệt được vi khuẩn mà phải rửa tay bằng các dung dịch sát khuẩn hoặc bằng xà phòng. Hiện nay bộ Y tế đã có khuyến cáo về 6 bước của việc rửa tay vô trùng phòng tránh chân tay miệng cho cộng đồng. Mời bạn tham khảo trên các kênh thông tin truyền thông.

Hiện nay ngành Y tế đã phối hợp với Sở giáo dục, đặc biệt là các trường mầm non và tiểu học để phòng chống bệnh chân tay miệng bằng các biện pháp: tăng cường truyền thông về sự nguy hiểm của bệnh cho phụ huynh và học sinh, khuyến cáo các biện pháp phòng chống tại nhà trường. Đặc biệt là việc vệ sinh cá nhân, và các biện pháp phòng chống khác.



Phạm Thị Hồng An, nữ, 31 tuổi: Thưa các bác sỹ, tôi thấy các trường hợp mắc bệnh tay chân miệng thường diễn biến rất nhanh đến tử vong dù đã được chuyển lên tuyến TW. Triệu chứng trong giai đoạn đầu thường rất khó phân biệt được với sốt thông thường. Do đó việc phát hiện đúng bệnh là rất khó. Bác sỹ có thể cho biết khi nào và với những triệu chứng nào thì nên cho trẻ đến cơ sở y tế là kịp thời nhất để đảm bảo không ảnh hưởng đến tính mạng trẻ?

Ths Bs Trần Thị Hồng Vân: Như tôi đã nói ở phần trước là bệnh chân tay miệng có 4 độ. Độ 1 là thể nhẹ, có thể điều trị tại nhà. Tuy nhiên, đúng như chị nói, bệnh diễn biến rất nhanh, mặc dù đã được vào viện điều trị. Bệnh có thể thay đổi từng giờ. Vậy để phát hiện sớm các triệu chứng nặng thì cha mẹ trẻ cần phải hết sức lưu ý các biểu hiện chuyển từ độ 1 sang độ 2a. Ngay cả khi đã nằm viện thì trẻ cũng cần được cha mẹ hợp tác với các nhân viên y tế theo dõi sát.

Bùi Thế Mạnh, nam, 28 tuổi: Thưa bác sỹ, bác sỹ cho tôi hỏi triệu chứng của bệnh chân tay miệng được biểu hiện như thế nào? Con tôi hiện tại trên người, trên mặt và tay chân đều xuât hiện những mụn nhỏ. Lúc đầu nó như bọng nước sau đó nó đỏ lên, và cặp nhiệt độ lên tới 38,5 độ. Xin bác sỹ tư vấn giúp. Tôi xin chân thành cảm ơn.

Ths Bs Trần Thị Hồng Vân: Các triệu chứng của bệnh chân tay miệng ban đầu: Trẻ sốt hoặc có thể không sốt, chỉ mệt mỏi, nổi các nốt phỏng ở tay chân miệng hoặc các vị trí khác như mông, đùi. Các nốt phỏng ban đầu có thể rất kín đáo, vài chấm nhỏ li ti hoặc nổi thành các nốt phỏng nước trong hoặc có mủ nếu nhiễm trùng bội nhiễm. Tuy nhiên cũng cần phải phân biệt với các nốt phỏng do các bệnh khác như thủy đậu. Trong tình huống này các cha mẹ cần cho trẻ đi khám để xác định rõ tổn thương.

Với trẻ sốt 38,5 độ như thế này khả năng nếu là bệnh chân tay miệng cũng dễ chuyển biến bệnh nhanh cho nên cũng cần cho cháu đi khám.

Đỗ Hồng, nữ, 30 tuổi: Chào Bác sĩ! Hiện con cháu được 1 tuổi, ở tuổi này nguy cơ bị mắc bệnh Tay-chân-miệng có cao không? Hiện nơi cháu sinh sống nếu không có bé bị nhiễm bệnh này thì có nguy cơ bị mắc bệnh không? Biểu hiện sớm nhất của bệnh này là gì? Cháu phải làm gì để bảo vệ được con tốt nhất ạ? Xin cảm ơn các BS!

Ông Nguyễn Đức Hùng: Trẻ 1 tuổi là nằm trong độ tuổi có nguy cơ mắc bệnh rất cao. Hiện nay nơi cháu sinh sống nếu không có bé bị mắc bệnh này thì nguy cơ mắc bệnh của con bạn là rất thấp. Biểu hiện sớm nhất của bệnh chân tay miệng là cháu bị sốt từ 37,5-38 độ, có biểu hiện các nốt loét ở niêm mạc miệng, nốt phỏng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, đầu gối hoặc là mông. Để bảo vệ được con tốt nhất bạn nên thực hiện các biện pháp phòng chống đã được bộ Y tế khuyến cáo mà tôi đã nói ở phần trên.

Trương Thị Đẹp, nữ, 40 tuổi: Làm thế nào để biết trẻ đang mắc bệnh tay chân miệng (vì có nhiều trẻ mắc bệnh mà không có các nốt ban đỏ)? Khi trẻ mắc bệnh xin cho biết phải điều trị ở đâu?

Ths Bs Trần Thị Hồng Vân: Khi các cháu không nổi các nốt, có sốt nhẹ hoặc mệt mỏi, nằm trong vùng dịch tễ (trong lớp học, gia đình, môi trường xung quanh) có trẻ mắc bệnh chân tay miệng thì cũng cần phải nghĩ đến việc trẻ có khả năng mắc bệnh. Gia đình phải theo dõi chặt chẽ để phát hiện các nốt phỏng đầu tiên mọc lên. Khi đó nên cho trẻ đi khám tại các phòng khám chuyên khoa nhi hoặc bệnh viện nhi để xác định bệnh.

Vũ Thị Phương Nam, nữ, 30 tuổi: Thưa bác sỹ cho tôi hỏi, hiện nay dịch tay chân miệng đang là nỗi lo lớn của các gia đình có con nhỏ như tôi. Vậy ngành y tế đã sản xuất hoặc nhập khẩu loại vacxin nào để tiêm phòng cho trẻ chưa?

Ông Nguyễn Đức Hùng: Hiện nay bệnh chân tay miệng vẫn chưa có vacxin đề phòng. Biện pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất hiện nay là thực hiện các biện pháp phòng bệnh mà bộ Y tế đã khuyến cáo.

Võ Thị Liên Thư, nữ, 30 tuổi: Con trai tôi đã từng bị tay chân miệng lúc 1 tuổi, bây giờ bé được 3 tuổi rồi. Tôi muốn hỏi bé từng bị tay chân miệng rồi thì bệnh có bị tái phát nữa không? Những bé như thế nào thì hay bị tái phát? Xin trân trọng cảm ơn.

Ths Bs Trần Thị Hồng Vân: Những cháu đã từng bị chân tay miệng vẫn có thể bị mắc lại. Bệnh chân tay miệng là do virus nhóm Enteroviruses bao gồm nhiều loại virus khác nhau, nhiều nhóm virus khác nhau như EV71, Coxsackie A ... Vì vậy trẻ hoàn toàn có thể mắc các tuýp khác nhau và thời gian mắc bệnh của từng tuýp một cũng không dài. Các Virus này lây truyền qua con đường tiếp xúc trực tiếp qua các giọt nước bọt và có cả qua đường phân. Vì vậy, để đề phòng nhiễm bệnh cần phải có những biện pháp vệ sinh cần thiết như: tắm rửa vệ sinh da sạch sẽ bằng xà phòng sát khuẩn, rửa tay chân, vệ sinh mũi miệng họng, rửa tay sau khi đi ngoài, thay tã lót cho trẻ.



Hải Hà, nam, 34 tuổi: Với tình hình phức tạp và nguy hiểm của bệnh chân tay miệng như hiện nay, ngành y tế đã có giải pháp gì để phòng bệnh cho những tỉnh thành hoặc những khu vực chưa bùng phát bệnh chưa ạ? Liệu trong tương lai có vacxin phòng bệnh này không ạ? Hiện bệnh đã có thuốc đặc trị chưa? Xin cảm ơn các bác sỹ.

Ông Nguyễn Đức Hùng: Những khu vực chưa có dịch, biện pháp phòng chống là tăng cường công tác truyền thông tại cộng đồng, người dân để tự biết cách phòng chống cho mình. Thứ hai là chính quyền và ngành y tế phải xây dựng kế hoạch sẵn sàng đáp ứng khi có dịch xảy ra, phát hiện và xử lý điều trị kịp thời tránh để dịch lan rộng. Đặc biệt chú trọng đến đối tượng trẻ từ 1 – 5 tuổi ở trường mầm non, nơi tập trung đông người.

Hiện nay các nhà khoa học vẫn đang tiếp tục nghiên cứu để tìm ra vaxin phòng bệnh chân tay miệng một cách sớm nhất. Hi vọng trong một tương lai gần chúng ta sẽ có vaxin phòng căn bệnh nguy hiểm này.

Hiện nay bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, khi bị bệnh chủ yếu là điều trị triệu chứng, nâng cao sức đề kháng về đề phòng biến chứng. Vì vậy việc phát hiện sớm bệnh có ý nghĩa rất quan trọng.

Phan Hoa, nữ, 27 tuổi: Tôi xin hỏi ngoài CloraminB thì còn hóa chất nào để diệt khuẩn hay không? Quanh nhà tôi đã sát khuẩn CloraminB rồi nhưng vẫn có trẻ mắc bệnh. Xin cảm ơn bác sỹ.

Ông Nguyễn Đức Hùng: Ngoài CloraminB còn có các chất sát khuẩn thông thường như vôi bột, nước Javen, hoặc Cloramin T,…Việc dùng CloraminB để khử khuẩn môi trường, cũng như khu vực có ổ dịch nhằm tiêu diệt mầm bệnh, tránh lây lan ra cộng đồng nhằm giảm tỷ lệ mắc bệnh xong không có nghĩa là tại khu vực được khử khuẩn sẽ đảm bảo 100% trẻ không mắc bệnh.

Huỳnh Quang Huy, Nam, 32 tuổi: Xin bác sĩ cho biết cách phát hiện bệnh tay chân miệng sớm nhất. Việc vệ sinh bàn tay có ý nghĩa như thế nào? Cần vệ sinh bằng cái gì và vào những thời điểm nào? Xin cảm ơn.

Ông Nguyễn Đức Hùng: Câu này đã được trả lời ở phần trên, mời bạn tham khảo.



Trần Ngọc Anh, nam, 37 tuổi: Kính gửi tòa soạn và các chuyên gia. Hiện nay chúng tôi đang rất lo lắng và hoang mang khi thấy nhiều người xung quanh mình đã nhiễm dịch chân tay miệng và chúng tôi rất muốn được giải đáp một số câu hỏi như sau: 1. Bệnh chân tay miệng sẽ gây ra biến chứng khi nào/trong trường hợp nào? Và có cách nào điều trị dự phòng các biến chứng hay không? 2. Khi đã xét nghiệm dương tính với virus chân tay miệng, bệnh nhi đang có triệu chứng của viêm họng/phế quản/ho đờm thì có nên dùng kháng sinh liều cao để điều trị và ngăn ngừa việc "lẫn triệu chứng" với biến chứng của chân tay miệng hay không? 3. Nếu không xảy ra biến chứng, bệnh có tự khỏi hay không và khi nào thì kết luận là đã khỏi bệnh? 4. Người khỏe mạnh (chưa có triệu chứng chân tay miệng) thì có khả năng là người lành mang mầm bệnh để lây nhiễm hay không? 5. Và cuối cùng, làm thế nào để nâng cao sức đề kháng của trẻ mẫu giáo (3 tuổi) trước và trong khi bị nhiễm virus chân tay miệng? Rất mong được giải đáp các thắc mắc này. Trân trọng cám ơn và kính chúc sức khỏe Ban biên tập và các chuyên gia. Trần Ngọc Anh, Kim Giang, Hà Nội

Ths Bs Trần Thị Hồng Vân:

1. Bệnh chân tay miệng gây ra nhiều biến chứng nặng và có thể gây tử vong. Các biến chứng thường gặp là sốc, viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim ...

Dự phòng các biến chứng nặng bằng cách: khi trẻ bị ở mức độ nhẹ (độ 1): vệ sinh sạch sẽ da mũi miệng, uống nhiều nước hơn bình thường, ăn lỏng dễ tiêu, theo dõi nhiệt độ và kiểm soát nhiệt độ, sử dụng các thuốc sát khuẩn nhẹ để bôi các nốt phỏng ở da như dung dịch Betadin, vệ sinh mũi miệng bằng nước muối Natriclorua 0,9/%, bôi miệng như Zytee, Kamistad ... ;theo dõi các dấu hiệu chuyển độ nặng  như ở trên đã nói để đưa cháu đi khám và nhập viện ngay.

2. Khi bị nhiễm trùng bội nhiễm như viêm họng thì cũng có thể điều trị bằng kháng sinh. Lựa chọn kháng sinh và liều lượng theo chỉ định của bác sĩ. Không tự ý dùng kháng sinh.

3. Bệnh do virus và có thể tự khỏi. Tuy nhiên, cần phải áp dụng các biện pháp như trên đã nói để tránh các biến chứng.

4. Người khỏe mạnh mang virus cũng là một nguồn lây quan trọng nhưng ít được mọi người để ý đến. Vì vậy trong gia đình mọi người cần phải tăng cường các biện pháp vệ sinh da, mũi miệng, rửa tay, đặc biệt trong vụ dịch và trước khi tiếp xúc với trẻ.

5. Để tăng sức đề kháng của trẻ mẫu giáo (3 tuổi) cần phải cho trẻ ăn uống dinh dưỡng đầy đủ, uống nhiều nước, nhiều vitamin bằng đường ăn uống và tăng cường vệ sinh

Phutvn, nam, 36 tuổi: Xin các bác sĩ giải đáp giùm: Bệnh tay chân miệng có dễ lây không? Lây theo đường nào? Lây qua các hình thức nào (tay, miệng, hay còn gì khác?) Nếu đã bị bệnh, đã chữa khỏi rồi thì lần phòng bệnh sau có khác gì lần phòng bệnh trước không?

Ông Nguyễn Đức Hùng: Bệnh tay chân miệng là bệnh dễ lây do tiếp xúc trực tiếp với nguồn bệnh. Bệnh lây theo đường tiêu hóa hoặc tiếp xúc trực tiếp với chất tiết của bệnh nhân như đờm, rãi, hầu, họng…Hoặc mầm bệnh nhiễm vào các vật dùng như bàn, ghế, vận dụng học tập, đồ chơi,…Khi trẻ khỏi bệnh thì việc phòng bệnh ở những lần sau không có gì khác.

Hoàng Thu Oanh, nam, 43 tuổi: Làm sao để phân biệt được sốt do bệnh tay chân miệng với sốt siêu vi hay sốt do các bệnh khác gây ra? Trường hợp em bé cũng bị nổi bóng nước, những nốt lạ trên tay chân nhưng không bị sốt thì có nghi là bệnh tay chân miệng không?

Ths Bs Trần Thị Hồng Vân: Các trường hợp sốt virus hoặc nổi bóng nước thì có nhiều nguyên nhân virus gây ra. Các nốt bóng nước này thường có những đặc điểm riêng cho từng loại. Cho trẻ đi khám thì các bác sĩ sẽ giúp gia đình phân biệt được các loại bóng nước này.

Tuy nhiên, một số TH cũng rất khó phân biệt. Khi đó, bác sĩ sẽ có những chỉ định xét nghiệm cần thiết để chuẩn đoán bệnh.

Hoàng Thị Thu Hồng, nữ, 28 tuổi: Xin bác sỹ cho hỏi phòng bệnh ở trường và ở nhà khác nhau như thế nào? Vì sao trẻ đi học ít mắc hơn trẻ ở nhà?

Ông Nguyễn Đức Hùng: Việc phòng bệnh chân tay miệng ở trường và ở nhà không có gì khác nhau. Vẫn phải thực hiện các biện pháp phòng bệnh mà bộ Y tế đã khuyến cáo. Tuy nhiên ở môi trường lớp học, nguy cơ mắc bệnh cao hơn ở nhà. Hiện nay chưa có thống kê nào khẳng định rằng trẻ ở nhà mắc bệnh nhiều hơn trẻ đến lớp. Trẻ đi học hay ở nhà nếu tiếp xúc với nguồn bệnh đều có nguy cơ mắc như nhau.



Nguyễn Hồng Minh, nam, 34 tuổi: Cháu nhà tôi 15 tháng tuổi, cháu bị nổi các nốt ban nhỏ và có một số nốt có mọng nước ở xung quanh gang bàn chân và vài nốt ở ngón tay đã được 4 ngày. Cháu bị sốt nhẹ gần 38 độ mấy ngày liền. Hiện tại các nốt đó đã se lại và không phát triển thêm. Cháu thử máu với kết quả: EV71 IgM: Positive EV71 IgG: Negative Xin hỏi với tình trạng như vậy cháu nhà tôi có nguy hiểm không? Thời gian phát bệnh sẽ diễn ra trong vòng bao nhiêu lâu? Xin chân thành cảm ơn.

Ths Bs Trần Thị Hồng Vân: Với các biểu hiện bệnh và kết quả như thế này chắc chắn cháu đã mắc bệnh chân tay miệng. Bệnh thường diễn biến trong vòng 3 - 7 ngày, có khi kéo dài đến 10 ngày. Một số bệnh vẫn có thể nguy hiểm mặc dù các nốt phỏng không nhiều và đã se lại. Đã có những cháu biểu hiện nốt phỏng rất ít, phải khám kĩ mới nhận thấy nhưng bệnh vẫn diễn biến rất nặng và tử vong. Vì vậy, cháu vẫn cần được theo dõi sát với các triệu chứng tôi đã nói ở trên. Xin nhắc lại, nếu có dấu hiệu chuyển độ 2a phải cho cháu đến viện ngay

Lý Chí Đức, nam, 33 tuổi: Xin hỏi bác sĩ là dùng cồn 70 độ để vệ sinh tay chân cho bé có tác dụng phòng ngừa bệnh tay chân miệng không, vì cháu bé nhà em rất khó để rửa tay bằng nước xà phòng.

Ông Nguyễn Đức Hùng: Cồn 70 độ diệt được virut gây bệnh chân  tay miệng rất tốt nhưng bạn không nên dùng cồn để vệ sinh cho bé vì nồng độ cồn 70 độ sẽ rất nguy hiểm cho trẻ. Vệ sinh bằng xà phòng là biện pháp dễ làm, thông dụng và đảm bảo diệt được virut gây bệnh.

Phạm Thanh, nữ, 27 tuổi: Xin bác sỹ cho biết việc trẻ bị mắc chân tay miệng có phụ thuộc vào cơ địa và tình trạng sức khỏe của trẻ không? Cảm ơn bác sỹ

Ths Bs Trần Thị Hồng Vân: Bệnh lây nhiễm trực tiếp qua tiếp xúc và các giọt nước bọt cho nên tất cả mọi trẻ em đều có khả năng nhiễm bệnh. Nếu cơ địa trẻ có cơ địa suy giảm miễn dịch hoặc đang mắc kèm các bệnh mãn tính khác thì khả năng dễ chuyển biến thành bệnh nặng hơàng

Hoang Mai, nữ, 34 tuổi: Xin bác sĩ cho hỏi: Trường hợp bé bị 1 bóng nước ở đầu gối, có khoảng 3,4 nốt loét ở trong cổ họng, không bị sốt thì có khả năng bị biến chứng không? Tôi thấy bảo bé bị tay chân miệng hay bị co giật. Vậy phải theo dõi bé giật mình khi bé ngủ hay cả lúc bé chơi, lúc ngủ say và phải theo dõi đến ngày thứ mấy?

Ths Bs Trần Thị Hồng Vân: Tôi đã nói ở trên là có những TH biểu hiện trên da rất ít, thậm chí khó nhận thấy nhưng vẫn diễn biến nặng. Theo dõi dấu hiệu giật mình của trẻ ở mọi lúc.

Một số trẻ ngay lúc bình thường cũng hay ngủ giật mình, trằn trọc cho nên cha mẹ cần phải phân biệt các dấu hiệu đó có phải mới xuất hiện, khác với dấu hiệu ngủ giật mình trước đây của cháu không. Dấu hiệu này cần được theo dõi trong vòng 1 tuần đầu

Duy Khanh, nam, 36 tuổi: Cho tôi hỏi loại hóa chất nào phù hợp nhất và phải làm bao nhiêu lần trong tuần, với liều lượng như thế nào? Nếu ở nhà thì cần chú ý dự phòng nhất ở những khu vực nào? Có thể dùng hóa chất để khử khuẩn quần áo, khẩu trang cho con không? Việc khử khuẩn quần áo, khẩu trang cho trẻ có cần thiết để phòng bệnh không? Cảm ơn bác sỹ Hùng.

Ông Nguyễn Đức Hùng: Người ta chỉ dùng hóa chất để khử khuẩn khi có dịch xảy ra còn bình thường chúng ta chỉ thực hiện tốt việc vệ sinh là được. Trong gia đình cần chú ý nhà vệ sinh, nhà bếp, khu vực chế biến thức ăn, đồ chơi đồ dùng học tập của trẻ. Đối với quần áo và khẩu trang của trẻ chúng ta có thể ngâm xà phòng hoặc nước đun sôi để khử khuẩn. Còn nếu như có dịch chúng ta phải dùng hóa chất là CloraminB nồng độ 2% để khử khuẩn trước khi làm sạch các dụng cụ và đồ dùng.

Trần Phương, nam, 32 tuổi: Xin hỏi các bác sĩ, con tôi đã bị mắc bệnh tay chân miệng, chủng EV71, nay đã khỏi bệnh. Tôi được biết là bệnh tay chân miệng do nhiều chủng virus gây nên và người đã bị bệnh vẫn có thể mắc lại nhưng tôi không rõ là bị lại lần sau có thể do loại virus đã bị gây ra không hay là do loại virus khác gây ra? Vì tôi có đọc 1 tài liệu nói là khi đã bị 1 chủng loại virus rồi thì cơ thể sẽ miễn dịch với loại virus đó. Xin hỏi các bác sĩ câu hỏi thứ 2 là: Virus gây bệnh tay chân miệng có thể tồn tại trong môi trường không khí bao nhiêu ngày?

Ths Bs Trần Thị Hồng Vân: Vẫn mắc lại bệnh được ở các chủng khác hoặc do chính EV71 vì miễn dịch không kéo dài. Virus gây bệnh tay chân miệng lây trực tiếp cho nên các môi trường khô, nắng và vệ sinh sạch sẽ thường không tồn tại lâu



Nguyễn Xuân Minh, nam, 36 tuổi: Bộ Y tế cho biết bệnh này thường xảy ra với trẻ dưới 5 tuổi. Hiện nay ở khu vực gia đình tôi ở có 6 trẻ dưới 3 tuổi đều đã bị mắc căn bệnh này, những trẻ này ở ngay gần sát nhà tôi. Con tôi đã 6 tuổi. Tôi rất lo lắng con mình sẽ bị lây nhiễm. Vậy cho tôi hỏi trẻ 6 tuổi trở lên có thể bị mắc bệnh không?

Ông Nguyễn Đức Hùng: Bệnh chân tay miệng có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng lứa tuổi dễ mắc nhất là dưới 10 tuổi, đặc biệt là trẻ từ 1 – 5 tuổi. Con bạn 6 tuổi là đối tượng rất dễ mắc nếu như tiếp xúc với nguồn bệnh. Biện biện phòng ngừa thì bạn xem các câu trả lời ở trên.

Đỗ Thị Việt Hồng, nữ, 27 tuổi: Tôi là độc giả tại thành phố Hải Phòng. Tôi rất mong được sự tư vấn của các chuyên gia về bệnh tay chân miệng. Cháu nhà tôi được 22 tháng, trong vòng 3, 4 ngày gần đây, tôi thấy trong lòng bàn tay, lòng bàn chân của cháu xuất hiện những nốt chấm đỏ tròn nhỏ, tôi có đưa cháu đến bệnh viện đại học Y Hải phòng khám thì được các bác sỹ trả lời là về nhà theo dõi thêm vì ở Hải Phòng chưa có bệnh chân tay miệng. Nhưng đến ngày hôm nay thì những vết chấm đỏ đã rất nhiều và lan cả lên vùng chân, tay của cháu kèm theo triệu chứng như bọc nước vì vậy tôi đã cho cháu nhập viện Nhi Đức Hải Phòng. Hiện nay các bác sỹ vẫn đang theo dõi. Tôi rất lo lắng và xin được hỏi các chuyên gia 3 câu hỏi: 1. Có phải cháu đã mắc bệnh tay chân miệng ở mức nặng không ? 2. Tại Hải Phòng đã có các thiết bị y tế để có chuẩn đoán chính xác được bệnh tay chân miệng chưa ? 3. Bệnh tay chân miệng chuyển biến như thế nào. Xin được nhận câu trả lời của các chuyên gia

Ths Bs Trần Thị Hồng Vân:

1. Mặc dù Hải Phòng chưa có ca bệnh chân tay miệng nào nhưng cháu vẫn có thể là ca đầu tiên. Gia đình xem lại khả năng nguồn lây ví dụ như cháu đi chơi xa tiếp xúc với người bị bệnh hoặc người lớn trong gia đình có tiếp xúc với nguồn bệnh và mang bệnh về lây cho cháu.

2. Một số bệnh viện nhi đều có khả năng xét nghiệm được bệnh này bằng các xét nghiệm PCR tìm virus hoặc là làm ELISA. Gia đình nên hỏi lại các bác sĩ tại bệnh viện Nhi Hải Phòng về khả năng làm xét nghiệm.

Lê Thị Vân Trang, nữ, 32 tuổi: Trước hết tôi xin cảm ơn VietNamNet đã có chương trình giao lưu rất bổ ích về đề tài "Tay chân miệng". Tôi xin hỏi, tôi có bé gái được gần 6 tháng. Hiện nay, trên người cháu có một số nốt đỏ, gần giống rôm sảy, mọc lấm tấm ở mông, vùng trán, đầu và sau má. Bé không bị sốt, vẫn ăn và chơi bình thường. Vậy thì, tôi phải làm những gì để tránh cho bé nguy cơ bị tay chân miệng ngoài việc chăm sóc vệ sinh tay, thân thể bé, lau chùi nhà cửa bằng Cloramin B?Xin chân thành cảm ơn.

Ths Bs Trần Thị Hồng Vân: Một số TH là do rôm sảy hoặc viêm da. Tuy nhiên các nốt phỏng này có phải do chân tay miệng không thì dựa vào 2 biểu hiện: 1 là phỏng có nước hoặc là các chấm đỏ mẩn li ti. TH chấm đỏ này nếu không có chuyên môn thì cũng rất khó phân biệt. Nếu gia đình thấy nghi ngờ thì cũng nên cho trẻ đi khám bệnh.

Phạm Thị Thanh, nữ, 27 tuổi: Xin các bác sỹ cho biết khi bé có biểu hiện bị bệnh thì cần phải làm gì để sơ cứu không? Khi nào cần đưa bé đến viện? Bệnh có thể tự khỏi không?

Ths Bs Trần Thị Hồng Vân: Gia đình cho trẻ đến viện ngay nếu có các biểu hiện ở độ 2a

Việt Ánh, nữ, 27 tuổi: Bệnh tay chân miệng có lây trong quá trình ủ bệnh không ạ? Em có đọc tài liệu và được biết, xét nghiệm để chẩn đoán tay chân miệng phải 15 ngày sau mới có kết quả chính xác, vậy dấu hiệu nào để phân biệt bệnh với các bệnh có phát ban ra da khác (sốt phát ban, trái rạ, sởi, phỏng dạ, viêm da...)

Ths Bs Trần Thị Hồng Vân: Thời gian ủ bệnh là khoảng 3 - 7 ngày và trẻ đây cũng là giai đoạn bắt đầu lây bệnh. Kết quả xét nghiệm thường có ngay sau 1 ngày

Phương, nam, 35 tuổi: Thưa bác sĩ, trước đây bệnh này không hoành hành như bây giờ. Xin bác sĩ giải thích giùm là có phải bệnh này do ô nhiễm môi trường gây ra không? Nếu môi trường xung quanh ô nhiễm như thế thì làm sao để phòng bệnh được? Trẻ ở môi trường nào dễ bị bệnh nhất? Xin cảm ơn.

Ông Nguyễn Đức Hùng: Bệnh chân tay miệng đã có từ lâu chứ không phải bây giờ mới có. Bệnh xuất hiện khắp nơi trên thế giới. Ô nhiễm môi trường chỉ là một trong những nguyên nhân để bệnh lây lan và phát triển. Còn mầm bệnh là do virut, virut này lưu hành ở bệnh nhân và người lành mang virut lây trực tiếp sang người tiếp xúc qua phân, chất thải, chất tiết của bệnh nhân. Còn khi mần bệnh được thải ra môi trường như cống, rãnh thì việc lây lan sang người sẽ giảm đi rất nhiều vì virut không sống được lâu trong môi trường tự nhiên. Trẻ ở môi trường sinh hoạt tập thể là dễ bị lây bệnh nhất.

Kim Chi, nữ, 26 tuổi: Nếu người lớn chăm bé bị bệnh tay chân miệng thì có cần cách ly người lớn này luôn không và thời gian cách ly an toàn nhất để tránh không lây bệnh cho bé khác là bao nhiêu ngày? Có khi nào người lớn bị lây bệnh nhưng không biểu hiện bệnh ra ngoài mà vẫn khả năng lây cho bé khác không?

Ths Bs Trần Thị Hồng Vân: Thường thì tốt nhất là cách ly người lớn không cho chăm trẻ nữa. Trong TH bắt buộc vẫn phải chăm trẻ thì người trông trẻ cần phải vệ sinh da, mũi, miệng thường xuyên như hướng dẫn, đeo khẩu trang. Tuy nhiên, khả năng lây nhiễm vẫn rất cao nếu vẫn tiếp tục chăm sóc trẻ. Thời gian cách ly là sau 10 - 14 ngày

Tran Thi Thuy Linh, nữ, 30 tuổi: Xin chào bác sỹ. Bác sỹ cho em hỏi là vệ sinh nhà cửa bằng nước lau nhà thông thường thì có diệt được virus không? Với từng khu vực trong nhà (như nhà vệ sinh, nhà bếp, nền nhà, bàn học, vv...) thì có dùng được chung một loại nước vệ sinh được không?

Ông Nguyễn Đức Hùng: Vệ sinh nhà cửa bằng nước lau nhà thông thường có thể diệt được virut. Với từng khu vực trong nhà vẫn có thể dùng chung được một loại nước vệ sinh ví dụ như CloraminB.

Nguyễn Văn Giang, nam, 28 tuổi: Tôi tên là Nguyễn văn Giang, tôi có con gái 11 tháng tuổi bị mắc bệnh chân tay miệng. Khi đi xét nghiệm thì bệnh viện nhi Hà Nội nói dương tính với virus EV nhưng không nói dõ là thuộc loại virus nào. Hiện nay tôi rất băn khoăn về bệnh của cháu, rất mong các bác sỹ cho tôi lời khuyên và cách phòng ngừa sau khi khỏi bệnh. Trân trọng cảm ơn

Ths Bs Trần Thị Hồng Vân: Một số cơ sở chỉ đủ khả năng làm xét nghiệm EV mà không làm được EV71 hoặc Coxsackie. Trong vụ dịch này nếu có EV cộng với biểu hiện lâm sàng thì nên nghĩ đến với bệnh chân tay miệng. Các biện pháp phòng ngừa để cháu không chuyển sang mức độ nặng hoặc các biến chứng khác thì đã được hướng dẫn ở trên.

Ngô Anh Dũng, nam, 38 tuổi: Con trai tôi 5 tuổi, học lớp mẫu giáo lớn, thời gian của cháu ở trường từ 7h30 đến 17h trong tuần từ thứ 2 đến thứ 7, ở nhà cháu được chăm sóc chu đáo và sạch sẽ, ở trường cháu và các bạn không được vệ sinh tốt. Nếu có trẻ bị mắc tay chân miệng học cùng lớp, cùng trường với con tôi thì tôi phải làm sao? Có cần đưa cháu đi khám không? Cảm ơn bác sỹ

Ông Nguyễn Đức Hùng: Nếu tại lớp học có trẻ bị mắc bệnh chân tay miệng thì việc đầu tiên là phải cách ly trẻ bị bệnh để tránh lây lan cho các trẻ khác. Các trẻ còn lại phải được theo dõi để phát hiện các triệu chứng của bệnh chân tay miệng kịp thời. Khi nào có dấu hiệu bệnh (mời xem các câu trả lời trên) thì đưa trẻ đến các cơ sở y tế để khám và điều trị sớm.

Nguyễn Ngọc Tùng, nam, 34 tuổi: Với cháu bé 1,5 tháng tuổi bị bệnh chân tay miệng thì phác đồ điều trị như thế nào? Xin cám ơn bác sỹ

Ths Bs Trần Thị Hồng Vân: Phác đồ của Bộ y tế đã ban hành và đăng trên mạng. Gia đình có thể tham khảo trên website của Bộ y tế. Tuy nhiên, nếu cháu 1.5 tháng tuổi mà mắc bệnh thì nguy cơ rất nặng, cháu cần được phải đi khám ngay

Nguyễn Văn Tiến, nam, 30 tuổi: Di chứng để lại sau khi chữa khỏi bệnh như thế nào, thưa bác sĩ?

Ths Bs Trần Thị Hồng Vân: Thường bệnh khỏi hoàn toàn không để di chứng, trừ TH  có biến chứng viêm não, sốc kéo dài gây thiếu oxi não làm tổn thương não vĩnh viễn.

Hải Triều, nam, 30 tuổi: Ngoài tay chân miệng, các nốt còn có thể nổi ở đâu? Có trường hợp nào không nổi bóng nước mà vẫn bị tay chân miệng không?

Ông Nguyễn Đức Hùng: Ngoài các vị trí điển hình như miệng, lòng bàn tay bàn chân thì các nốt của bệnh chân tay miệng còn xuất hiện ở mông, ở bụng, ở ngực nhưng tỷ lệ này không nhiều. Ngoài ra có thể có bệnh nhân mắc bệnh chân tay miệng nhưng triệu chứng không điển hình như cháu chỉ sốt nhẹ, chán ăn, mệt mỏi, các nốt phồng không rõ hoặc không có thì việc phát hiện chỉ có thể bằng xét nghiệm.

Hoàng Mai, nữ, 34 tuổi: Xin bác sĩ cho hỏi: Tỷ lệ trẻ trên 5 tuổi bị tay chân miệng là bao nhiêu phần trăm và tỷ lệ trẻ trên 5 tuổi bị biến chứng là bao nhiêu phần trăm? Cám ơn bác sĩ

Ông Nguyễn Đức Hùng: Tại Hà Nội, tỷ lệ trẻ dưới 1 tuổi là 6,8%, từ 2 – 4 tuổi chiếm 86%, từ 5-9 tuổi là 6,4%, từ 10-14 tuổi là 0,4%, trên 15 tuổi là 0,4%.

Nguyễn Việt Bắc, nam, 39 tuổi: Con trai tôi 19 tháng tuổi, cách đây gần một tháng cháu bị bệnh TCM (không có nhiều các triệu chứng nổi mụn ở lòng bàn tay và bàn chân), được phát hiện sớm và điều trị tại BV Nhi Đồng 2, Tp.HCM, sau 5 ngày điều trị, cháu được BS cho xuất viện, nhìn chung sức khỏe của cháu tương đối bình phục. Nhưng sau 1 tuần cháu lại bị tái phát, lần này xuất hiện nhiều các mụn mẩn đỏ ở lòng bàn tay, bàn chân và trong miệng, gia đình tiếp tục cho cháu đi khám ở BV Nhi đồng 2, sau khi khám, BS cho thuốc về uống và điều trị ở nhà, sau 4 ngày uống thuốc thì cháu cũng đã tạm ổn định. Nhưng lại sau đó 4 ngày, cháu có triệu chứng nôn ói và đi ngoài phân lỏng có màu hơi vàng, ít đi tiểu và tay chân thì lạnh, tôi lại cho cháu đi khám tại BV Nhi đồng 2 và được chỉ định nhập viện, BS xác định cháu bị tiêu chảy cấp, sau điều trị tại BV 5 ngày thì nay cháu đã xuất viện, và đến giờ này thì cháu vẫn chưa khỏi hoàn toàn, vẫn đi ngoài phân loảng và hay nôn ói. Xin cho tôi hỏi việc điều trị bệnh TCM vừa qua của cháu có ảnh hưởng và liên quan gì đến bệnh tiêu chảy của cháu như tôi vừa nêu ở trên? Xin bác sỹ chỉ dùm cho tôi về cách chăm sóc và điều trị bệnh của cháu hiện tại (cháu đi phân loảng và hay nôn ói). Hiện nay cháu vẫn đang bú sữa Mẹ. Xin bác sỹ cho tôi lời khuyên về chế dộ ăn uống của cả Mẹ và bé. Lưu ý: Cháu rất khó uống thuốc. Tôi xin chân thành cảm ơn



Ths Bs Trần Thị Hồng Vân: Nếu bị bệnh ban đầu là TCM thì sau 1 tháng có thể bệnh đã khỏi. Trẻ tiêu chảy có thể do các biến chứng sau bệnh chân tay miệng. Có thể là nhiễm vi trùng hoặc các virus gây tiêu chảy hoặc là do chế độ ăn uống chưa hợp lý. Vì vậy gia đình cần phải đặc biệt chú ý vệ sinh an toàn thực phẩm cho cả mẹ lẫn trẻ. Sử dụng thuốc hợp lý theo đơn của bác sĩ. Có thể cho cháu xét nghiệm phân và một số các xét nghiệm khác để chuẩn đoán căn nguyên gây tiêu chảy cũng như các bệnh khác có thể kèm theo.

Nguyễn Thị Lan Anh, nữ, 30 tuổi: Đề nghị bác sỹ hướng dẫn cách phân biệt bệnh Tay chân miệng với bệnh loét miệng do vi rút,vì theo cháu được biết, bệnh tay chân miệng có trường hợp chỉ có vết loét ở miệng?

Ths Bs Trần Thị Hồng Vân: Thường thì nốt trong bệnh chân tay miệng, các nốt ở miệng thường là nốt đỏ hay ở trên vòm họng, 2 bên má nhưng cũng có thể lan khắp miệng. Tuy nhiên, TH có nhiễm trùng bội nhiễm và các nốt loét này có thể gây ra các nốt mủ thì cũng giống các bệnh viêm loét miệng khác do vi khuẩn. Nếu do virus thường có các nốt phỏng trong. Trong nhiều TH là khó phân biệt vì vậy cần phải làm xét nghiệm.

Nguyễn Thị Xuyến, nữ, 29 tuổi: Thưa bác sỹ! Bác sỹ cho tôi hỏi: Có khi nào trẻ em lại lây bệnh cho người lớn không? Uống vitamin C có được coi là cách phòng bệnh không ạ?

Ông Nguyễn Đức Hùng: Trẻ em khi bị bệnh thì virut được đào thải ra và người lớn bị nhiễm vẫn có thể mắc nhưng tỷ lệ này không cao. Uống vitamin C có tác dụng tăng cường sức đề kháng để phòng chống các bệnh nhiễm trùng trong đó có bệnh chân tay miệng. Còn chỉ dùng riêng vitamin C thì không phòng được bệnh chân tay miệng.

Đỗ Quốc Tịnh, nam, 28 tuổi: Xin hỏi Bác sỹ: Con trai của cháu năm nay 18 tháng tuổi hiện đã đi khám và đang điều trị tại bệnh viện sản nhi - Ninh Bình các bác sỹ ở đây khám và bảo cháu bị chân tay miệng. Từ hôm điều trị tới nay đã 6 ngày nhưng từ ngày thứ tư cháu không ăn được gì cả, cứ ăn vào là bị nôn. Cháu xin hỏi bác sỹ xem cháu có phải đưa lên bệnh viện tuyến trên không ạ?

Ths Bs Trần Thị Hồng Vân: Bệnh chân tay miệng hoàn toàn có thể được điều trị tại các bệnh viện các tuyến tỉnh. Vậy nếu cháu bị nôn thì có khả năng do cháu bị đau miệng, đau họng hoặc biểu hiện của rối loạn thần kinh. Nếu cháu đang nằm bệnh viện thì cần thông báo cho các bác sĩ biết để các bác sĩ theo dõi kịp thời



Nguyễn Khánh Hiền, nam, 33 tuổi: Bé tôi được 23 tháng.Cách đây 4 ngày con tôi có triệu chứng sốt nhưng không cao lúc đầu tôi nghĩ là bé đang mọc răng nên người ấm ấm. 2 ngày tiếp theo thì thấy bé nhiễu nước miếng nhiều tôi cho đi khám và được bác sỹ chẩn đóan là Viêm nướu. Tối về bé quấy khóc nhiều và kiểm tra tôi thấy có rất nhiều hạt nổi đầy cả họng và lưỡi hai bên má. Tôi vội cho vào BV Nhi Đồng 2 khám thì chẩn đoán là Viêm loét họng/ bệnh Tay Chân Miệng. Tuy nhiên trên bàn tay và bán chân bé thì chưa có dấu hiệu. Tôi cho bé uống thuốc theo toa bác sx nhưng không thấy bớt mà nổi thêm nhiều nốt. Tôi có cho bé uống ít Cỏ Mực thì thấy bé giảm hẵn (theo chỉ dẫn một số hàng xóm). Ngày mai là hết thuốc theo toa bác sỹ. Tôi thấy nếu tôi ngưng cho bé uống thuốc theo toa và tích cực cho uống cỏ mực thì thấy bé bớt đau và các vết thương khô lại. Mọi người bảo là bé bị “Đẹn”(theo cách gọi dân gian). Tôi muốn hỏi với tình trạng của bé thì chính xác là bệnh gì? Và hướng điều trị như thế nào. Bé chỉ uống được sữa không ăn được gì thêm. Xin cảm ơn các bác sỹ

Ths Bs Trần Thị Hồng Vân: Bệnh chân tay miệng dễ nhầm với các bệnh viêm loét miệng khác. Muốn xác định bệnh phải làm xét nghiệm tìm virus EV. Việc sử dụng một số lá thuốc dân gian thì vẫn có thể sử dụng. Trong nhân dân thường lưu truyền rất nhiều loại lá khác nhau mà chúng tôi không nắm rõ được độc tính với trẻ. Do đó phải có ý kiến của bác sĩ. Ngoài ra việc dùng lá thuốc sống không được nấu chín có thể gây các bệnh nhiễm khuẩn cho trẻ.

Tố Nga, nữ, 27 tuổi: Mình thấy bệnh chân tay miệng không phải là bệnh nguy hiểm nhưng sao có nhiều bé chết nhanh bệnh vậy? Có phải do bố mẹ chăm sóc không đúng cách? Bố mẹ chăm sóc bé có mang mầm bệnh lây cho người khác không? Cần phải chăm sóc bệnh nhi mắc tay chân miệng như thế nào?

Ths Bs Trần Thị Hồng Vân: Bệnh chân tay miệng là bệnh nguy hiểm nhưng đa số trẻ mắc bệnh ở mức độ nhẹ (độ 1) rồi tự khỏi cho nên nhiều gia đình vẫn rất chủ quan. Do tình hình bệnh lan rộng cho nên khả năng tỉ lệ những trẻ bị biến chứng nặng nguy hiểm đến tính mạng sẽ tăng. Cách chăm sóc trẻ đã được hướng dẫn ở trên.

Nguyễn Duy Minh, nam, 31 tuổi: Con tôi hiện đang bị sốt nhẹ, vậy tôi làm sao để giảm sốt cho con? Làm sao để biết con chỉ bị sốt thông thường hay sốt vì tay chân miệng? Trước đó cháu bị dịch tay-chân-miệng và đã nằm viện 1 tuần rồi.

Ths.Bs Trần Thị Hồng Vân: Trẻ sốt nhẹ là sốt từ 37,5 - 38,5 độ (đo nhiệt độ ở nách). Trong TH này, cần áp dụng một số biện pháp giảm sốt như sau: Bỏ bớt quần áo, mặc đồ thoáng mỏng, để trẻ nằm trong phòng thoáng mát, uống nhiều nước hơn bình thường, ăn lỏng, dễ tiêu. Nếu trẻ vẫn sốt thì chườm nước ấm vào trán, bẹn, nách. 

Cách chườm: Dùng khăn mặt nhúng nước ấm (37độ) hoặc nước bình thường, đắp lên các vị trí trên và lật thay đổi khăn liên tục. Nếu trẻ vẫn sốt lên 38 độ 5 thì cần sử dụng thuốc hạ sốt. Nếu trẻ sốt cao thì cho đi khám


Còn rất nhiều câu hỏi và những thắc mắc của độc giả gửi tới 2 khách mời giao lưu trực tuyến. Tuy nhiên, do thời gian có hạn, chúng tôi sẽ tiếp tục chuyển câu hỏi của độc giả tới 2 bác sỹ để có hình thức giải đáp phù hợp. Xin cám ơn 2 khách mời và quý độc giả đã gia chương trình giao lưu trực tuyến về bệnh tay chân miệng.


VietNamNet