Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Công ty TNHH Chứng khoán JB Việt Nam vừa được cấp phép với vốn điều lệ 300 tỷ đồng. The Kwangju Bank, Ltd., một ngân hàng thương mại thuộc thuộc tập đoàn tài chính Hàn Quốc JB Financial Group sở hữu 100% vốn.
Như vậy, đây là công ty chứng khoán thứ 7 của Hàn Quốc được cấp phép hoạt động tại Việt Nam.
Chứng khoán JB Việt Nam được hình thành sau thương vụ JB mua đứt CTCK Morgan Stanley Gateway (MSGS) với giá trị 16,5 triệu USD.
Với việc sở hữu công ty chứng khoán 100% vốn tại Việt Nam, JB Financial Group của Hàn Quốc có thể thực hiện nhiều hoạt động tại Việt Nam như môi giới bất động sản, cơ sở hạ tầng cho các nhà đầu tư Hàn Quốc. Đồng thời, có thể bão lãnh cho các công ty Việt Nam thực hiện phát hành trái phiếu và thực hiện các thương vụ M&A.
Hồi đầu tháng 7, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã cấp phép Ngân hàng Daegu Chi của Hàn Quốc thành lập chi nhánh tại TP.HCM. Ngân hàng này sẽ khai thác được những thế mạnh hiện hữu cũng như tiềm năng của thị trường Việt Nam, nơi có vị trí địa lý thuận lợi - là cửa ngõ hàng không và hàng hải quốc tế.
Trước đó, SK Group của Hàn Quốc rót 1,5 tỷ USD vào 2 tập đoàn lớn của Việt Nam là Masan và Vingroup và sau đó mua cổ phần của nhiều doanh nghiệp lớn trong các ngành như Imexpharm, PV Oil,...
Dòng vốn Hàn Quốc tiếp tục đổ vào Việt Nam. |
Sự xuất hiện của các tập đoàn Hàn Quốc tại Việt Nam ngày càng nhiều, nhất là trong lĩnh vực tài chính. Các tập đoàn này cung cấp các dịch vụ tài chính cho chính các doanh nghiệp Hàn và tập đoàn lớn của Việt Nam nhờ mạng lưới khách hàng rộng lớn tại chính Hàn Quốc và nhiều nước khác trên thế giới.
Đây đều là những tập đoàn có tiềm lực tài chính mạnh tại Hàn Quốc và có khả năng huy động vốn với giá thấp, cạnh tranh mạnh mẽ với các doanh nghiệp Việt.
Làn sóng đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam đã có từ cả chục năm nay với lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) rất lớn.
Theo giới quan sát, Việt Nam đã chứng kiến 3 làn sóng đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam với ban đầu là dệt may, sau đó điện tử và tiêu dùng bán lẻ. Giờ đây, làn sóng thứ 4 vào Việt Nam chính là tài chính và fintech.
Trong bối cảnh thế giới bất ổn, thương chiến leo thang trên thế giới, Việt Nam là điểm đến của các cheabol Hàn Quốc. Các dòng đầu tư đang tìm cách chuyển hướng, tìm nơi trú ẩn mới. Việt Nam nổi lên như một địa chỉ hấp dẫn, giàu tiềm năng cho các doanh nghiệp lớn.
Cho đến nay, đã có gần 16 công ty tài chính là thành viên của Hiệp hội tài chính (KOFIA) đang hoạt động ở Việt Nam trong lĩnh vực mua bán cổ phiếu, tham gia thị trường chứng khoán phái sinh,... với tổng đầu tư lên tới hàng tỷ USD.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), đầu giờ sáng 31/8, chỉ số VN-Index quay quanh ngưỡng 880 điểm.
Nhiều công ty chứng khoán có các dự báo thận trọng.
Theo BVSC, trong tuần mới, thị trường dự báo sẽ điều chỉnh trong một vài phiên đầu tuần. VN-Index có thể lùi về kiểm định vùng hỗ trợ gần 860-868 điểm. Sau một nhịp tăng điểm mạnh từ vùng đáy 780-800 điểm, chỉ số hiện tiếp cận các vùng kháng cự mạnh trong bối cảnh nhiều nhóm cổ phiếu đã đi vào trạng thái quá mua.
Điều này có thể sẽ khiến thị trường xuất hiện các phiên rung lắc, điều chỉnh mạnh trong giai đoạn này. Nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng ở mức 50% cổ phiếu. Áp lực điều chỉnh ngắn của thị trường ở vùng điểm hiện tại đang hiện hữu. Do đó, nhà đầu tư nên cân nhắc bán trading giảm tỷ trọng các vị thế ngắn hạn trong danh mục.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 28/8, VN-Index tăng 4,27 điểm lên 878,98 điểm; HNX-Index tăng 0,92 điểm lên 125,84 điểm. Upcom-Index tăng 0,28 điểm lên 59,33 điểm. Thanh khoản đạt 8,7 nghìn tỷ đồng.
V. Hà