Bùng nổ ứng dụng
Mỗi lần mở điện thoại, chị Nguyễn Minh Hằng (Hà Nội) đều nhận được rất nhiều thông báo về mã giảm giá đặt đồ ăn. Với khoảng 5 ứng dụng đặt đồ ăn trên điện thoại, chị có tới hàng chục mã giảm giá, liên tục trong tuần. Các ứng dụng đua nhau tìm cách lấy lòng thượng đế để có khách hàng. Chị cho hay: “Chưa bao giờ đặt đồ ăn lại đông đảo như hiện nay”.
Thị trường giao đồ ăn trực tuyến tại Việt Nam tuy còn mới song khá sôi động và cạnh tranh gay gắt. Sự tham chiến của những "tân binh" làng giao thức ăn đã châm ngòi cho cuộc đua khốc liệt một năm qua.
Theo Công ty nghiên cứu thị trường Statista, năm 2108, doanh thu của thị trường giao đồ ăn trực tuyến là 148 triệu USD, với mức tăng trưởng trung bình là 28,5%/năm. Dự kiến năm 2019, doanh thu sẽ là 207 triệu USD. Số người sử dụng dịch vụ giao thức ăn trực tuyến lên mức là 7 triệu người, tăng khoảng 2 triệu người so với năm ngoái.
'Cuộc chiến' giao đồ ăn nhanh |
Là đơn vị đi “tiên phong” và bắt đầu thử nghiệm việc giao đồ ăn từ năm 2014, Now có được sự thành công và tăng trưởng nhanh nhờ dịch vụ giao hàng mới mẻ và độc quyền. Giữa năm 2017, CEO của Foody từng chia sẻ Now có gần 10.000 đơn hàng mỗi ngày.
Với sự châm ngòi của Grab, sự độc tôn của Now đã bị phá vỡ, thị trường giao nhận thức ăn theo đó cũng bùng nổ cuộc chiến mới. Tháng 6/2018, Grab công bố chính thức triển khai GrabFood, lấn sân thị trường giao nhận món ăn trực tuyến.
Như một tân binh với tốc độ phát triển được xem là nhanh nhất, Grab liên tiếp mở rộng triển khai dịch vụ giao nhận thức ăn tại Hà Nội, Đà Nẵng và phủ sóng 15 tỉnh thành chỉ sau 7 tháng kể từ khi chính thức ra mắt.
Go-Viet không thua kém, đã ra mắt Go-Food ngay sau khi chỉ vừa triển khai dịch vụ gọi xe. Go-Food tiến công dồn dập với hàng loạt các chiến dịch quảng bá, ưu đãi để thu hút khách hàng, điển hình như việc ký kết Đại sứ thương hiệu với một ca sĩ sở hữu lượng người hâm mộ lớn tại Việt Nam.
Từ một ứng dụng tìm kiếm đồ ăn, cuối năm 2017, Nguyễn Hoàng Trung và đội ngũ đã phát triển start-up Lozi thành trang thương mại điện tử, đồng thời cho ra mắt nền tảng Loship - giao đồ ăn, thức uống đến người dùng.
Cuộc chiến giao hàng nhanh thêm sôi động khi Baemin - ứng dụng giao đồ ăn của kỳ lân Hàn Quốc là Woowa Brothers vừa tuyên bố mở rộng hoạt động kinh doanh ra Hà Nội 1 năm sau khi họ có mặt tại TP.HCM.
Tại Việt Nam, Woowa Brothers đã mua Vietnammm vào năm 2019. Trước đó, Vietnammm đã mua lại Foodpanda Việt Nam - công ty từng thuộc sở hữu của Rocket Internet.
Cuộc đua chiếm lĩnh thị phần này đang hết sức gay gắt khi công ty chuyên về thương mại điện tử là Shopee bắt tay với Now. Cú bắt tay được giới quan sát cho là nhằm đối đầu trực tiếp với Grab trong cuộc đua giao đồ ăn trực tuyến.
Đua nhau lấy lòng người dùng
Các dịch vụ giao thức ăn đã không ngừng được đầu tư và cải tiến. Theo các chuyên gia, đơn vị giao hàng nào nhanh nhất, nhiều khuyến mãi nhất và nhiều thực đơn phong phú nhất ắt sẽ thắng trong cuộc đua giành thị phần này.
Trong khi Now mang đến hàng loạt bộ sưu tập món ăn, tận dụng tài nguyên từ nền tảng Foody để tạo nên sức hấp dẫn, GrabFood cũng không kém sáng tạo khi triển khai chương trình "Món độc quán quen", kết hợp với các đối tác nhà hàng, quán ăn để tạo nên các món ăn độc nhất chỉ có trên nền tảng.
Grab cũng cho ra mắt mô hình GrabKitchen sau một tháng thử nghiệm tại quận Thủ Đức (TP.HCM), quy tụ 12 thương hiệu nhà hàng, quán ăn được yêu thích trên nền tảng.
Còn GoViet, bằng những chiến dịch khuyến mãi mạnh mẽ cho người dùng cũng như những chính sách ưu đãi với đối tác vận chuyển, đồng thời thường xuyên ưu đãi miễn phí giao hàng trong bán kính 5 km nên ứng dụng này cũng đã có thị phần riêng.
Tân binh Baemin đã mạnh tay giảm đến 70% cho đơn hàng đầu tiên và những chính sách đãi ngộ dành cho các đối tác vận chuyển mới. Gần đây, ngoài việc triển khai dịch vụ tại Hà Nội, Baemin cũng rất tích cực ban hành thêm các chính sách mới. Về phía tài xế, công ty bắt đầu áp dụng chính sách thu phí giao tận nơi đối với các khách hàng muốn nhận món ở cửa phòng.
Mặc dù được hậu thuẫn từ nhiều phía, dĩ nhiên vì những đơn vị khai thác mảng giao đồ ăn đều có nền tảng về vốn, công nghệ,... song với một cuộc chiến “khô máu” thì buộc họ phải “cân đo đong đếm”.
“Thách thức không hề nhỏ”, một đại diện ứng dụng giao hàng đã phải thừa nhận khi nói về cuộc đua đốt tiền này. Việc rút lui của hầu hết các hãng đều do không tiềm lực để tiếp tục cuộc chơi.
Bên cạnh đó, thói quen sử dụng tiền mặt của khách hàng Việt một mặt cũng tạo nên rào cản trong thị trường giao đồ ăn, giới quan sát ghi nhận. Nhiều trường hợp “bom hàng” gây nhiều thiệt hại cho cả hãng cũng như tài xế.
Be chính thức tạm dừng dịch vụ giao đồ ăn beFood. Năm 2019, Lala (thuộc Ahamove) đã đóng cửa sau 1 năm thử nghiệm. Hay trước đó, FoodPanda - đối thủ trực tiếp của Now cũng đã phải "bán mình" cho Vietnammm.
Thư Kỳ