Sau 2 tháng thực hiện ý tưởng tặng 10 ngàn đồng, hiện tại số người sử dụng giỏ, làn để đựng thực phẩm ở chợ Trung Chỉ đã tăng hơn 70%.
Ông Triêm nói, nếu có kinh phí, ông sẽ mua giỏ, làn tặng cho người đi chợ và không quên dặn dò họ lần tới nhớ cầm theo giỏ để đựng đồ.
Người quản lý chợ 'bao đồng'
Ông Lê Văn Triêm (SN 1955) làm quản lý chợ Trung Chỉ đã hơn 10 năm, từ ngày thành lập chợ đến nay. Chợ Trung Chỉ họp vào buổi sáng sớm, lương quản lý chợ của ông chỉ 1,3 triệu/tháng.
Ông Triêm tặng 10 nghìn đồng cho một người xách làn đi chợ |
Tận dụng khu đất trống ở chợ, ông nhận trông xe với giá 30 nghìn/tháng/xe cho các tiểu thương. Hiện có hơn 30 người gửi xe, tổng cộng được hơn 1 triệu.
Gần 10 năm qua, khoản tiền thu được từ khu đất này, ông Triêm dùng để đi thăm các tiểu thương lúc ốm đau, hoạn nạn hay các trường hợp có ma chay...
Cuối tháng 6 vừa qua, sau lễ phát động của phụ nữ TP Đông Hà và phường Đông Lương, chợ Trung Chỉ được chọn làm nơi thí điểm hạn chế sử dụng bao ni lông.
Ông Triêm nói, nếu có kinh phí ông sẽ mua giỏ để tặng cho bà con đi chợ |
Ông Triêm nhận thấy, việc tuyên truyền không sử dụng bao bì ni lông nhiều nơi làm rồi, loa, đài nói ra rả suốt, song hành động thì chưa thực sự mang lại hiệu quả.
Sau nhiều lần trăn trở, suy tính, ông quyết định tặng 10 nghìn đồng cho những ai xách giỏ, xách làn đi chợ bởi vì giỏ dùng được nhiều lần, lại hạn chế được khá lớn số lượng lớn túi ni lông .
Hai tháng nay, ông Triêm dùng khoản tiền trông xe và một phần lương của mình tặng cho những người đi chợ có mang theo giỏ, làn.
Ông khoe, mọi người đánh giá ông là người bao đồng, hay quan tâm những chuyện đâu đâu. Rằng việc ông làm như hạt muối bỏ biển thôi, mất thời gian chứ chả được tích sự gì.
Các tiểu thương và người đi chợ đều đã có thói quen sử dụng giỏ hoặc làn thay túi ni lông |
Những lần đầu ông tặng tiền, nhiều người ngớ người, không hiểu sự tình, có người còn tưởng ông đùa. Mọi người ở chợ bàn tán xôn xao.
Ông Triêm giải thích: “Nếu xét góc độ kinh tế thì tôi không hơn ai cả nhưng đây là một phần những đồng tiền tôi lao động mà có, tôi muốn khuyến khích mọi người lan truyền hành động vì môi trường. Ai cũng tích cực làm theo thì sẽ đưa lại kết quả đẹp".
Đến nay, ông Triêm đã duy trì hành động đẹp được 2 tháng, đưa lại kết quả rõ rệt và hiệu ứng rất tốt. Nếu ở chợ Trung Chỉ trước đây, 100 người chỉ có 10 người xách giỏ đi chợ thì bây giờ đã có hơn 70 người có thói quen này.
Giỏ làm bằng chất liệu tự nhiên, rất thân thiện môi trường được nhiều người sử dụng |
Ông Triêm chia sẻ thêm, ông đã vận động và sắp tới tiểu thương bán hàng nước ở chợ Trung Chỉ sẽ dùng ống hút tre, sau đó tái sử dụng được nhiều lần mà không gây ô nhiễm môi trường.
Chị Nguyễn Thị Lan (42 tuổi) cho hay, thấy ông Triêm tâm huyết với việc xách giỏ đi chợ nên chị đã hình thành được thói quen tốt, ngoài ra nếu mua rau thì chị gói lại bằng lá hoặc trực tiếp bỏ vào giỏ luôn, không cần đến túi ni lông nữa.
Ông Triêm cho biết, vì khoản tiền thu từ khu đất trống ở chợ hạn hẹp, lại có nhiều khoản cần phải chi, đồng lương của ông cũng thấp nên việc tặng 10 ngàn để khuyến khích rất hạn chế, mỗi ngày ông chỉ tặng cho vài người để làm gương thôi chứ tặng tất cả thì không đủ. Mỗi người chỉ được tặng 1 lần.
Ông Triêm bộc bạch thêm, nếu ông có khoảng 10 triệu đồng, ông sẽ mua giỏ tặng bà con đi chợ chứ không tặng tiền nữa. Ông cũng sẽ dặn dò mọi người lần sau đi chợ cầm theo giỏ để hạn chế sử dụng đồ ni lông, rác thải nhựa chừng nào tốt chừng đó.
Hương Lài
Chàng phi công đầu tiên lái thủy phi cơ qua 5 quốc gia về Việt Nam
Với hành trình 10 ngày vượt qua 14.000 km, 5 quốc gia, Đại úy Nguyễn Văn Thuận trở thành phi công đầu tiên lái thủy phi cơ từ Canada về nước.