- Đây là ảnh hôm đi đón dâu. Mọi người đi đông thế này cơ mà.
- Lúc này là ăn cỗ cưới. Cả thảy có 10 mâm cỗ nhỏ.
- ...
Anh Vũ Văn Vị (sinh năm 1971, quê Sóc Sơn, Hà Nội) đưa đôi tay co quắp, vui vẻ chỉ về phía những bức ảnh vợ chồng anh chụp trong ngày cưới cách đây 11 năm. Duy có khung ảnh treo tường đã ố màu, bong tróc do để lâu ngày, những ảnh còn lại vẫn nguyên vẹn, được cất cẩn thận trong một cuốn album.
Để tìm đủ số ảnh đã cất kỹ dưới ngăn tủ, anh Vị phải loay hoay khá lâu. Mức thương tật 85% với một bên chân đã mất hẳn khiến người đàn ông khó khăn trong việc di chuyển, hoạt động.
Album ảnh cưới là món quà kỷ niệm vô giá với vợ chồng anh Vị, cùng là bệnh nhân phong lâu năm. Từ ngày đặc biệt năm ấy, cuộc đời anh chị như bước sang một trang mới.
Những tấm ảnh cưới được anh Vị giữ gìn cẩn thận - Ảnh: NVCC |
Năm 1979, khi học tiểu học, anh Vị bắt đầu thấy bàn chân xuất hiện các vết nứt nẻ. Chúng lớn dần theo thời gian nhưng không gây đau đớn. Lúc anh đi lại, sỏi, đất cát nhét đầy trong vết nứt. Khi anh lên 10 tuổi, các vết này nứt toác thành từng mảng. Sau đó, tay, chân của anh dần co quắp.
Anh Vị nghỉ học, nhiều năm ròng rã đi khám chữa ở các cơ sở y tế, tuy nhiên không phát hiện ra nguyên nhân. Anh tìm tới các thầy lang, uống thuốc nam mười mấy năm, tình hình vẫn không thuyên giảm.
Đến năm 1993, khi 22 tuổi, anh mới biết mình mắc bệnh phong. Thời điểm này, tay chân của anh đã gần như hỏng. Mùa rét là lúc chàng trai trẻ đau đớn nhất, không thể tự bước đi dù dùng gậy hỗ trợ.
Anh được đưa vào trại phong Quả Cảm (Bắc Ninh) năm 1994, sau đó 2 năm phải cưa một bên chân.
Anh Vị kể, anh sống một mình ở khu điều trị phong trong cảnh “làm không được, ăn cũng không xong”. Chàng trai trẻ khi ấy chỉ nuôi vài con gà để cải thiện bữa ăn, nuôi thêm chú chó bầu bạn cho bớt cô quạnh. Gia đình thi thoảng ghé vào thăm, động viên ít câu rồi lại vội ra về vì còn bộn bề cuộc sống riêng.
Suốt những ngày tháng sau đó, anh Vị tự mình chịu đựng, vượt qua nỗi cô đơn. Anh không dám mơ ước tới một mái ấm nhỏ. “Bệnh nhân phong ai mà không cô đơn. Nhưng ngày ấy tôi nghĩ, hoàn cảnh này, người ta có lấy mình không? Rồi nếu về với nhau rồi, mình có lo được cho người ta hay không?”, anh chia sẻ.
Năm 2010, anh Vị gặp chị Vàng Thị Và (sinh năm 1980, quê Đồng Văn, Hà Giang), người vợ của anh bây giờ. Chị Và người dân tộc Mông, khuôn mặt hiền lành, có chiếc răng khểnh khiến nụ cười duyên hơn. Chị đã sống ở trại phong Phú Bình, Thái Nguyên 7 năm.
Từ khi còn nhỏ, chị Và đã thấy cơ thể rất yếu, hay ho, sốt. Năm chị 12 tuổi, ống chân tự nhiên phồng lên, sau đó, lần lượt các ngón tay cũng cứ thế sưng phồng bất thường, co quắp. Chị đi khám tại bệnh viện, làm các xét nghiệm, bác sĩ kết luận chị mắc bệnh phong và cho thuốc điều trị.
Người phụ nữ ám ảnh khi nghĩ đến tuổi thơ bị người xung quanh xa lánh, mắng chửi vô cớ vì mắc bệnh. Ngày ấy, gia đình nghèo khó, chị mỗi ngày đều phải đi chăn bò, phụ bố mẹ nuôi các em. Nhưng cứ ra đường, chị sẽ bị chửi bới là “đồ hủi”, thậm chí xua đuổi, ném đất đá.
Tổ ấm hiện tại của anh Vị, chị Và tại trại phong Quả Cảm (Bắc Ninh) - Ảnh: N.Liên |
23 tuổi, bệnh trở nặng hơn, chị Và chuyển hẳn vào trại phong ở. Đau đớn vì bệnh tật, nhớ nhà, lại không hiểu tiếng Kinh, chị sống trong khủng hoảng suốt thời gian dài. “Quen với việc tự lo tự liệu, tôi nghĩ không lập gia đình cũng chẳng sao. Bao nhiêu bệnh nhân phong, họ cũng sống như vậy tới cả đời người…”, chị Và tâm sự.
“Nói thế mà hôm đám cưới, cô ấy khóc từ Thái Nguyên về tới đây đấy”, anh Vị thủ thỉ trêu đùa vợ. Một đám cưới như cổ tích là hạnh phúc bất ngờ mà trước đó hai anh chị chưa từng nghĩ tới.
Vợ chồng anh Vị biết nhau năm 2010 qua sự giới thiệu của y tá Nguyễn Thị Xuân ở trại phong Quả Cảm.
Ấn tượng đầu của anh Vị về vợ rất tốt. Còn chị Và thì ngược lại: “Lúc đầu, tôi chỉ thấy anh ấy là một ông già trông thật khó tính. Tôi nghĩ, nhất định sẽ không lấy đâu”. Thế mà, họ yêu nhau lúc nào không biết.
Sau một thời gian tìm hiểu, họ kết hôn, cùng về sống tại Quả Cảm. Đám cưới tổ chức bình dị mà ấm cúng, có đại diện y bác sĩ, bệnh nhân của hai trại phong với 10 mâm cỗ nhỏ. Y tá Xuân là người giúp đỡ tổ chức tất cả nghi thức, cỗ bàn cho hai vợ chồng anh Vị.
Ngôi nhà nhỏ của người đàn ông 39 tuổi từ ấy ấm áp hơn vì có bàn tay phụ nữ vun vén. Anh chị cùng trồng thêm rau, nuôi thêm gà, bên nhau lúc ốm đau, hoạn nạn.
“Cùng hoàn cảnh nên hiểu nhau lắm, những lúc cơ thể đau đớn lại có người cùng tâm sự. Chúng tôi nương tựa vào nhau, bổ khuyết cho nhau. Nhờ có anh, cuộc sống của tôi ý nghĩa hơn”, chị Và chia sẻ.
Con trai 3 tuổi là niềm vui, động lực lớn nhất với vợ chồng anh Vị - Ảnh: N.Liên |
Sau 8 năm chung sống, anh chị có em bé đầu lòng. Ngày ấy, chị Và thấy cả cơ thể thường xuyên đau nhức, cứ ăn vào lại nôn nao, khó chịu. Vừa đi nạo các vết loét ở chân về, được phát thuốc uống, chị nghĩ có thể do tác dụng phụ của thuốc, tuy nhiên vẫn nhờ chồng đi mua que thử thai.
“Tôi không biết xem que thử thế nào. Nhờ hàng xóm, họ bảo 2 vạch rồi, anh chị có con rồi, hai vợ chồng cứ thế bật khóc”, chị Và xúc động nhớ lại.
Bé Vũ Lê Quang Vinh, con trai của anh chị chào đời ngày 8/7/2018 tại Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh bằng phương pháp sinh mổ, nặng 2,8 kg. Do là ca sinh rất đặc biệt, hoàn cảnh “chưa từng có” tại bệnh viện, anh chị được các bác sĩ giúp đỡ hoàn toàn chi phí.
Ngay từ nhỏ, Vinh đã rất ngoan, có thể tự ăn, tự chơi. Bé hiểu bố mẹ bệnh nên ít quấy khóc, không đòi bế và cũng không bao giờ nũng nịu, vòi vĩnh đi chơi. “Thậm chí, khi tôi muốn bế, cháu còn bảo không phải bế đâu, mẹ ngã đấy”, chị Và kể.
Con trai giờ là niềm vui, động lực lớn nhất với anh chị. Mong ước lớn nhất của vợ chồng anh Vị là con lớn lên thật khỏe mạnh, trở thành người có ích. Cuộc sống còn nhiều khó khăn, anh chị vẫn đang chắt chiu và nỗ lực mỗi ngày để dành những điều tốt nhất cho con.
Nguyễn Liên
WHO trao tặng thuốc điều trị cho bệnh nhân phong Việt Nam
Chiều nay 26/3, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam đã trao tặng gần 3.000 vỉ thuốc phong và 20.000 viên lampren cho bệnh nhân phong tại Việt Nam. Đây đều là thuốc điều trị không có trên thị trường.