Chương trình đánh dấu chặng đường một thập kỷ đồng hành nâng cao chất lượng sức khỏe người dân Việt Nam, giúp cho gần 1,6 triệu người tại 37 tỉnh thành có cơ hội tiếp cận kiến thức, khám tầm soát 2 bệnh lý mạn tính là tăng huyết áp và đái tháo đường.
Tiếp cận chăm sóc y tế tại các vùng sâu, vùng xa
Trong số các bệnh mạn tính phổ biến, các bệnh không lây nhiễm hiện là nguyên nhân gây tử vong cao gấp 4 lần so với các bệnh truyền nhiễm. Không chỉ ở các nước phát triển mà ở cả các nước đang phát triển, các yếu tố rủi ro đối với bệnh không lây nhiễm như: lối sống ít vận động và chế độ ăn uống không lành mạnh đang được nhân lên. Trong đó, tăng huyết áp và đái tháo đường là hai bệnh không lây nhiễm thường gặp, phải điều trị thường xuyên, dài hạn.
Theo thống kê của Bộ Y tế, 60% người bị tăng huyết áp ở Việt Nam chưa được phát hiện và trên 80% chưa được điều trị. Đặc biệt, trong những năm gần đây, bệnh lý này đang trẻ hóa. Tăng huyết áp được xem là "kẻ giết người thầm lặng" và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Đái tháo đường là một trong 4 bệnh không lây nhiễm chính và đang gia tăng đều đặn trong những năm gần đây trên toàn cầu. Theo thống kê của Hiệp hội Đái tháo đường Thế giới, năm 2017, thế giới có khoảng 425 triệu người mắc bệnh đái tháo đường, riêng tại Việt Nam có khoảng 3,5 triệu người sống chung với căn bệnh này.
Tuy nhiên, việc tiếp cận chăm sóc y tế ban đầu và trang thiết bị y tế vẫn còn nhiều hạn chế ở các khu vực vùng sâu vùng xa. Cụ thể, một số địa bàn ở các tỉnh như Bắc Giang, Yên Bái, Lạng Sơn, Đắk Lắk…, trạm y tế ở xa so với nơi người dân sinh sống, giao thông trở ngại, nhân lực đội ngũ y bác sĩ, thuốc men còn thiếu thốn đáng kể.
Vì thế, nhiều người đã bỏ qua cơ hội được tầm soát bệnh sớm, bỏ lỡ “thời điểm vàng” điều trị. Mặt khác, một số người dân vượt tuyến khám, điều trị, dẫn đến quá tải cho tuyến trên. Đây cũng là một phần lý do gây ra gánh nặng sâu rộng cho ngành y tế Việt Nam, đồng thời cản trở việc cải thiện sức khỏe người dân về lâu về dài.
Chặng đường một thập kỷ đồng hành với người dân Việt Nam
Để tạo cơ hội cho nhiều người có thể tiếp cận với các dịch vụ y tế một cách dễ dàng, từ năm 2012, Novartis đã triển khai chương trình “Cùng sống khỏe”, với sự đồng hành của Quỹ Vì Sức khỏe Tim mạch Việt Nam cùng các sở Y tế, trung tâm kiểm soát bệnh tật tại các địa phương. Chương trình phối hợp với các trung tâm y tế địa phương thực hiện các buổi khám sàng lọc và tuyên truyền kiến thức về bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường cho người trên 40 tuổi tại các xã, huyện trên các địa bàn vùng sâu vùng xa.
Đến năm 2021, chương trình “Cùng sống khỏe” đã tiếp cận gần 1,6 triệu người ở 37 tỉnh thành trên cả nước như Lạng Sơn, Bắc Giang, Yên Bái, Bắc Ninh, Phú Yên, Thái Nguyên, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Nghệ An, Quảng Bình, Sóc Trăng, Trà Vinh, Hậu Giang, Đồng Tháp … Trung bình, mỗi năm chương trình đi đến 15 tỉnh thành, hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cho hơn 200.000 người dân và kinh phí hàng năm lên đến 6-7 tỷ đồng. Theo đó, khoảng 15-20% người dân tham gia chương trình được phát hiện, chẩn đoán có dấu hiệu cao huyết áp, 7-8% bị đường huyết cao và tiếp tục được theo dõi tại các trạm y tế.
Ngoài ra, chương trình cũng tăng cường năng lực tư vấn và kiến thức chuyên môn cho cán bộ y tế địa phương, từ đó cải thiện chất lượng chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Ông Huỳnh Hữu Dũng, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Tỉnh Long An cho biết: “Những tháng cuối năm 2022, “Cùng sống khỏe” đã triển khai thành công tại 6 huyện: Thủ Thừa, Châu Thành, Bến Lức, Tân Trụ, Cần Giuộc, Đức Huệ, mỗi huyện 5 trạm y tế xã. Điểm đáng chú ý của chương trình là đã đem đến cho người dân Long An những buổi tầm soát các bệnh lý hết sức thiết thực, phù hợp tình hình thực tiễn của địa phương”.
Bà Carolyne Hall, Giám đốc Cấp cao Khối Sức khỏe cộng đồng, Novartis toàn cầu chia sẻ: “Vượt qua những khó khăn về mặt địa lý, chúng tôi thực hiện chương trình Cùng Sống Khỏe với mục đích giúp người dân có thể tiếp cận được các dịch vụ y tế tốt với chi phí phù hợp. Hành trình 10 năm đã khẳng định tính bền vững, khả năng duy trì của chương trình cũng như cam kết của Novartis vì sức khỏe của người dân Việt Nam”.
Đại diện Novartis cũng bày tỏ mong muốn phát triển quy mô chương trình sau từng năm, trước hết là mỗi năm mở rộng thêm 1 tỉnh thành, tiếp tục theo dõi và định hướng điều trị cho người bệnh, đồng thời bổ sung các can thiệp liên quan đến những bệnh mãn tính khác như suy tim, ung thư vú để tối ưu hóa cơ hội được tầm soát sớm, cải thiện sức khỏe của người dân.
Doãn Phong