Thừa Thiên Huế nói chung và cố đô Huế nói riêng là mảnh đất địa linh nhân kiệt, có vị trí đặc biệt, rất đặc sắc về con người và truyền thống văn hóa, lịch sử. Trong 143 năm tồn tại (1802-1945), nhà Nguyễn - triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam đã để lại cho hậu thế hệ thống quần thể di tích đồ sộ với thành quách, cung điện, lăng tẩm, đàn miếu, đài tạ, phủ đệ.
Cách đây 30 năm (11/12/2023), Quần thể Di tích Cố đô Huế đã được UNESCO chính thức đưa vào Danh mục Di sản Thế giới trong kỳ họp lần thứ 17 của Ủy ban Di sản Thế giới UNESCO tổ chức tại Colombia với tiêu chí (IV) - Quần thể Di tích Huế là một điển hình tiêu biểu của một kinh đô phong kiến phương Đông.
Việc Quần thể Di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới và 10 năm sau đó, là Nhã nhạc - Âm nhạc Cung đình Việt Nam đã mở đường đưa những di sản văn hóa Việt Nam từng bước hội nhập sâu rộng vào khu vực và thế giới. Di sản Huế còn là một kênh ngoại giao văn hóa đặc sắc, là nhịp cầu nối hết sức quan trọng trong việc thúc đẩy các mối quan hệ bang giao, hợp tác hữu nghị, tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa Việt Nam với bạn bè quốc tế.
Sau khi được Chính phủ phê duyệt, trung tâm đã triển khai thực hiện Đề án Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích Cố đô Huế giai đoạn 1996 - 2010, với tổng mức đầu tư 720 tỷ đồng để bảo quản, trùng tu, phục hồi hơn 80 hạng mục công trình chủ yếu. Tiếp đó, Trung tâm thực hiện Đề án điều chỉnh Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích Cố đô Huế giai đoạn 2010 - 2020, với tổng mức đầu tư hơn 2.300 tỷ đồng để tiến hành bảo tồn, tu bổ, phục hồi và tôn tạo hơn 170 công trình, hạng mục công trình. Nhiều công trình tiêu biểu được trùng tu phục hồi như: Ngọ Môn, Hiển Lâm Các, cụm di tích Thế Miếu, cung Diên Thọ, Duyệt Thị Đường, cung Trường Sanh; lăng Đồng Khánh; Minh Lâu, Điện Sùng Ân (lăng Minh Mạng); Điện Hòa Khiêm, Minh Khiêm Đường, (lăng Tự Đức); Thiên Định Cung (lăng Khải Định)…
Đặc biệt, vào năm 2018, Đề án Di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực I di tích Kinh thành Huế thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Khung chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thực hiện di dời dân cư, giải phóng mặt bằng tại khu vực I hệ thống di tích Kinh thành Huế. Dự án đã thực hiện giai đoạn 1, hoàn thành di dời, xây dựng khu tái định cư phạm vi di tích Kinh thành Huế gồm tường thành, các eo bầu, hộ thành hào và tuyến phòng lộ với 2.938 hộ. Hiện nay, địa phương đang triển khai thực hiện Giai đoạn 2 nhằm hoàn thành di dời, xây dựng khu tái định phạm vi các di tích Hồ Tịnh Tâm, Hồ Học Hải, Đàn Xã Tắc, Khâm Thiên Giám, Xiển Võ Từ, Lục Bộ, hệ thống hồ 4 phường nội thành và di tích Trấn Bình Đài với 1.263 hộ.
Sau 30 năm kể từ khi Quần thể di tích Cố đô Huế được công nhận là Di sản văn hóa thế giới, công cuộc bảo tồn di tích đã triển khai và thực hiện đạt nhiều kết quả rất đáng tự hào, Di sản văn hóa Huế đang từng bước được hồi sinh, diện mạo ban đầu của một Cố đô lịch sử dần dần được hồi phục. Theo đánh giá của UNESCO, công cuộc bảo tồn di tích Huế hiện đang chuyển sang giai đoạn ổn định và phát triển bền vững. Đặc biệt, việc bảo tồn các giá trị di sản văn hóa đã luôn gắn chặt với quá trình khai thác, phát huy giá trị, làm đòn bẩy quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thừa Thiên - Huế và khu vực miền Trung.
Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đang tiến hành trùng tu, phục dựng nhiều công trình quan trọng như điện Thái Hòa, điện Kiến Trung, tổng thể cảnh quan lăng Gia Long… Đồng thời, chuẩn bị đầu tư một số dự án như: Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, Quốc Tử Giám, Thái Miếu, Phủ Nội Vụ, Điện Cần Chánh, Đại Cung Môn,… nhằm phát huy tối đa hiệu quả của di sản văn hóa.
Trong cuộc làm việc với địa phương mới đây, Thủ tướng đã yêu cầu tập trung xây dựng Thừa Thiên Huế thành trung tâm văn hóa, du lịch lớn, đặc sắc, có điểm nhấn, tạo sự khác biệt mang nét đặc trưng riêng có, phát triển du lịch thông minh; gắn kết với tuyến du lịch "Con đường di sản miền Trung" và "Hành lang kinh tế Đông - Tây";...