Hai vợ chồng anh Vừ A Ninh và chị Vàng Thị Hoa (Bản Nậm Kè, Huyện Mường Nhé, Điện Biên), là người dân tộc Mông, kết hôn từ năm 2017. Sau một năm không thấy tin vui, anh chị đi khám hiếm muộn và được biết anh tinh trùng yếu, còn chị bị viêm âm đạo.
Anh Ninh là Bộ đội Biên phòng, công tác tại Đồn Biên Phòng Nậm Kè tỉnh Điện Biên, chị Hoa là giáo viên mầm non, cả 2 thường xuyên phải đi công tác, làm việc tại các điểm bản xa. Đặc biệt, trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát, hai vợ chồng lại càng khó có thời gian ở bên nhau, cộng thêm kinh tế khó khăn nên hành trình tìm con của hai vợ chồng càng thêm khó khăn.
Tương tự, gia đình quân nhân Chu Văn Trường (Đại đội 29, Phòng Kỹ thuật, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bắc Ninh) cùng vợ là chị Nghiêm Thị Hồng cũng trải qua hành trình 9 năm dài tìm con. Họ ba lần thực hiện hỗ trợ sinh sản, một lần thụ tinh nhân tạo bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI) và hai lần thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) nhưng không có kết quả.
Cũng có trường hợp đã hiếm muộn 13 năm như anh Phan Văn Thanh và vợ là chị Lô Thị Ất người dân tộc Tày ở xã Khâm Thành, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Anh thường xuyên công tác xa nhà, vì vậy sau 7 năm lấy nhau không có tin vui, hai vợ chồng thực hiện Thụ tinh trong ống nghiệm nhưng thất bại.
Một số gia đình hoàn cảnh khó khăn đã có con nhờ hoạt động hỗ trợ thụ tinh nhân tạo miễn phí |
Còn với gia đình anh Hoàng Đức Cảnh (hiện đang công tác tại Phòng hậu cần - Sư đoàn 316) và chị Đặng Thị Hoài Trang (Xã Chí Đám, Huyện Đoan Hùng, Tỉnh Phú Thọ), anh chị cũng đã bước trên hành trình tìm con được 8 năm kể từ khi kết hôn năm 2013 đến nay. Sau ba lần không may sảy thai, anh Cảnh và chị Trang đã lặn lội thăm khám tại nhiều bệnh viện để tìm con. Vợ tắc vòi trứng, chồng tinh trùng yếu cùng áp lực từ họ hàng khiến hai vợ chồng không khỏi đau lòng.
Ngoài ra, còn có gia đình anh Hoàng Văn Dũng - chị Nguyễn Thị Yến kết hôn từ năm 2013 nhưng đến nay nhưng họ vẫn chưa có cơ hội được làm cha làm mẹ. Công tác tại Bộ Tham mưu - Quân chủng Hải quân, anh Dũng phải công tác xa nhà, lênh đênh trên biển trong suốt thời gian dài. Hai vợ chồng cũng đã một lần thực hiện thụ tinh nhân tạo nhưng không thành công.
Họ là một số trong hàng nghìn gia đình quân ngân tại các đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng Việt Nam phải chạy chữa, điều trị thời gian dài, tốn kém chi phí để mong có được hạnh phúc làm cha mẹ. Với đặc thù thường xuyên phải công tác xa gia đình, làm nhiệm vụ giữ an ninh và nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19, cơ hội có con của họ càng thêm khó khăn.
Vừa qua, ngày 22/12, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội đã cùng Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội triển khai chương trình Hỗ trợ Quân nhân hiếm muộn để hỗ trợ các gia đình quân nhân hiếm muộn trên hành trình tìm kiếm con yêu. 10 cặp vợ chồng sẽ được hỗ trợ 100% chi phí thực hiện thụ tinh ống nghiệm.
Ths.BS Lê Thị Thu Hiền – Phó Giám đốc, Trưởng khoa Hỗ trợ sinh sản Bệnh viện, cho biết, hiện nay, tỷ lệ các cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn đang có xu hướng gia tăng. Nguyên nhân dẫn đến hiếm muộn rất đa dạng, có thể do vợ, do chồng hoặc do cả hai. Với người vợ nguyên nhân hay gặp nhất là tắc 2 vòi tử cung, hội chứng buồng trứng đa nang, bất thường tử cung, lạc nội mạc tử cung. Còn với người chồng, vô sinh thường do bất thường số lượng, chất lượng tinh trùng… Điều đáng mừng là y học hiện đại ngày nay đã có nhiều phương pháp có thể giúp điều trị khả năng có con cho những người hiếm muộn.
Cũng theo Ths.Bs Lê Thị Thu Hiền, chỉ cần các cặp vợ chồng hiếm muộn nhận thức sớm tình trạng của mình, chia sẻ cởi mở và được can thiệp sớm, khả năng điều trị thành công là rất cao.
Lê Phương