Cao Bằng là tỉnh nông nghiệp với lực lượng chiếm 74,5% dân số. Nhận thức rõ Nghị quyết “Tam nông” là nghị quyết đầu tiên đề cập toàn diện đến cả 3 lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong đó khẳng định nông dân là chủ thể, xây dựng NTM là căn bản, phát triển toàn diện nông nghiệp là then chốt, ngay từ sớm, tinh thần quyết liệt, nhanh chóng đưa Nghị quyết “Tam nông” (Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5/8/2008 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn) vào cuộc sống được các cấp ủy, chính quyền của tỉnh khẩn trương thực hiện bằng nhiều việc làm thiết thực, cụ thể:
Đổi mới việc học tập, quán triệt Nghị quyết “Tam nông” theo hướng thực chất, thiết thực, hiệu quả, phù hợp tình hình của cơ quan, đơn vị, địa phương, tránh hình thức, qua loa, chiếu lệ; coi trọng việc thảo luận, bàn giải pháp thực hiện; phát huy tính tự giác, sáng tạo của cán bộ, đảng viên trong nghiên cứu, thảo luận và tổ chức xây dựng chương trình, kế hoạch hành động… tạo sự đồng thuận, tin tưởng và quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu nghị quyết đề ra.
Các nhiệm vụ trọng tâm thúc đẩy "Tam nông"
Giai đoạn 2021-2023, ngành Nông nghiệp tỉnh bước vào thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước có nhiều khó khăn, thách thức đan xen; tình hình biến đổi khí hậu toàn cầu và thiên tai, dịch bệnh ngày càng khó lường; sản xuất nông nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ, phân tán; khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp còn thấp; giá cả vật tư đầu vào và giá nông sản không ổn định; thị trường tiêu thụ nông sản bấp bênh.
Trong bối cảnh đó, tỉnh đã thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực trên địa bàn, bước đầu hình thành các vùng sản xuất hàng hóa gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm; sản xuất nông nghiệp đạt được những kết quả tích cực, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp năm 2018 đạt 3.767 tỷ đồng, đến năm 2022 được 4.591 tỷ đồng (tăng 121,9%), giá trị sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản đạt 46 triệu đồng/ha, tăng 8 triệu đồng/ha so với năm 2018. Tỷ trọng ngành nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế của tỉnh giảm dần, năm 2018 là 23,05%, năm 2022 là 22,08% (giảm 0,97%), quy mô sản xuất nông nghiệp có sự tăng trưởng, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp bình quân giai đoạn 2018-2022 đạt 2,77%. Tỷ trọng các ngành nội nghiệp trong lĩnh vực cũng có sự thay đổi, giảm dần tỷ trọng lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi, tăng dần tỷ trọng các ngành lâm nghiệp và dịch vụ nông nghiệp.
Sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025, tốc độ tăng trưởng lĩnh vực nông nghiệp cả giai đoạn ước đạt 3,05% (trong đó, năm 2021 đạt 3,07%; năm 2022 đạt 3,0%; năm 2023 ước đạt 3,1%). So với giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng trưởng bình quân ngành nông nghiệp đã có nhiều sự tiến bộ (trung bình tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2016-2020 đạt 2,25%). Tổng sản lượng lương thực trung bình năm ước đạt 295,4 nghìn tấn, đạt 103,8% KH giai đoạn. Giá trị sản xuất đến năm 2023 ước đạt 46 triệu/ha, đạt 100% Kế hoạch; tăng 06 triệu đồng so với năm 2020.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc, kết cấu hạ tầng được tăng cường, văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ. Hệ thống chính trị ở nông thôn được củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện và nâng lên; Tỷ lệ hộ dân cư nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đến năm 2023 ước đạt 93%, đạt 100% KH; tăng 3% so với năm 2020. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 17 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Tổng số hộ thực hiện di dời gia súc ra khỏi gầm sàn nhà đến hết năm 2023 ước được 6.685/6.634 hộ, đạt 100,8% KH giai đoạn 2021-2023.
Về thực hiện nội dung đột phá về nông nghiệp thông minh, theo hướng sản xuất hàng hóa đặc hữu gắn với chế biến giai đoạn 2022-2025. Diện tích cây Lê trồng mới được 149,95ha, tương ứng 46,9% KH giai đoạn, nâng tổng diện tích cây Lê toàn tỉnh lên 484,3ha; cây Dẻ trồng mới được 159,38ha, tương ứng 22,8% KH giai đoạn, nâng tổng diện tích cây Dẻ toàn tỉnh lên 714,05ha; cây Thạch đen trồng mới được 193,5ha, tương ứng 38,7% KH giai đoạn, nâng tổng diện tích toàn tỉnh lên 579ha; cây Thuốc lá trồng mới được 815,08ha, tương ứng 81,5% KH giai đoạn, nâng tổng diện tích toàn tỉnh lên 3.763,5ha.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, đã hỗ trợ làm chuồng trại chăn nuôi trâu bò được 2.990 chuồng, tương ứng 33,7% KH giai đoạn; hỗ trợ mua 2.383 con giống lợn thịt, tương ứng 23,8% KH giai đoạn; hỗ trợ trồng cỏ chăn nuôi 74,2ha, tương ứng 29,7% KH giai đoạn; hỗ trợ triển khai Dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao tại huyện Quảng Hoà, đến nay chủ đầu tư đã tiến hành san lấp mặt bằng được 90%, dự kiến tháng 11/2023, sẽ triển khai xây dựng trang trại.
Đối với lĩnh vực lâm nghiệp, diện tích cây Hồi trồng mới được 1.382ha, đạt 276,6% KH giai đoạn, nâng tổng diện tích toàn tỉnh lên 7.516,9ha; Cây Quế trồng mới được 2.719,09ha, đạt 151,1% KH giai đoạn, nâng tổng diện tích toàn tỉnh lên 5.183,33ha; cây Mắc ca trồng mới được 76,16ha, tương ứng 12,7% KH giai đoạn, nâng tổng diện tích toàn tỉnh lên 134,56ha; cây Trúc sào trồng mới được 87,2ha, tương ứng 7,3% KH giai đoạn, nâng tổng diện tích toàn tỉnh lên 4.354,19ha.
Cũng trong giai đoạn vừa qua, tỉnh Cao Bằng đã phê duyệt 02 dự án, gồm: Dự án xây dựng khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao do Sở Khoa học và Công nghệ làm chủ đầu tư, tổng vốn đầu tư 16,5 tỷ đồng, địa điểm xây dựng tại xã Lê Chung, huyện Hòa An. Đến nay, đang thực hiện thi công các hạng mục công trình Nhà ở cán bộ, Nhà sản xuất giống thực vật bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào, Nhà trực kỹ thuật, Kho. Dự kiến hoàn thành tất cả các hạng mục vào Quý II năm 2024. Dự án đầu tư phát triển nông nghiệp thông minh do Sở nông nghiệp và PTNT làm chủ đầu tư, tổng vốn đầu tư 2 tỷ đồng, địa điểm thực hiện tại xã Bạch Đằng, huyện Hòa An. Đến nay, đã hoàn thành xây dựng nhà ươm giống cây trồng, hệ thống tường rào; đang tiến hành hạng mục lắp đạt thiết bị để sớm đưa dự án vào hoạt động. Tổng vốn đã giải ngân 596,666 triệu đồng, dự kiến hoàn thành giải ngân trong quỹ III năm 2023.
Để phát huy nội lực của chủ thể nông dân, nhất là nông dân ở vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh để nông dân hiểu đúng, trúng và thực hiện thành công nghị quyết thì việc “xóa mù” kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi để ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất cho người dân là một cách “vượt vũ môn” đưa Nghị quyết “Tam nông” vào cuộc sống nhanh chóng và thấm sâu nhất. Mỗi cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh tùy thuộc vào tình hình thực tế tại địa phương đã có những giải pháp “xóa mù” KHKT trồng trọt, chăn nuôi phù hợp nhất. Qua đó, trình độ ứng dụng khoa học công nghệ của nông dân từng bước được nâng lên, tư duy sản xuất, kinh doanh nông nghiệp không ngừng đổi mới, dần dần thích ứng với kinh tế thị trường. Nông dân phát huy tốt vai trò chủ thể trong xây dựng nông thôn mới, tham gia hợp tác, liên kết chuyển đổi cơ cấu trong nông nghiệp, phát triển ngành nghề nông thôn.
Thu nhập bình quân đầu người ngày càng được nâng lên từ 24,9 triệu đồng (năm 2018), tăng lên 44,04 triệu đồng (năm 2022), đến hết năm 2022, tổng số hộ nghèo của tỉnh là 37.409 hộ chiếm tỷ lệ 28,94% (giảm 6.627 hộ so với năm 2018); trình độ dân trí ngày càng cao, dân chủ được mở rộng, quyền làm chủ của nông dân ngày càng được phát huy.
Hội nông dân Cao Bằng và khát vọng xây dựng “Nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hiện đại, nông dân văn minh”
Báo cáo văn kiện tại Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Cao Bằng lần thứ IX, nêu rõ: Trong nhiệm kỳ qua, các cấp Hội nông dân tỉnh Cao Bằng đã chú trọng tuyên truyền, phổ biến về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; các nghị quyết của Trung ương Hội và Đảng bộ tỉnh, HĐND tỉnh về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Các cấp Hội đã thành lập được 38 chi hội và 36 tổ hội nông dân nghề nghiệp với trên 600 hội viên, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, dịch vụ. Tổ chức gần 29.000 cuộc tuyên truyền cho gần 1 triệu 500 nghìn lượt cán bộ, hội viên nông dân, đạt 307,7%. Tổ chức được trên 60 lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Hội và phong trào nông dân cho trên 3.400 lượt cán bộ Hội cơ sở và chi Hội.
Trong nhiệm kỳ, các cấp Hội đã làm tốt hoạt động dịch vụ, hỗ trợ vốn cho nông dân. Kết thúc nhiệm kỳ, nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân tăng 28,146 tỷ đồng, bình quân mỗi năm tăng trên 10%, đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội VIII đề ra. Từ nguồn quỹ cho vay luân chuyển được 697 dự án cho gần 4.000 lượt hộ vay với tổng số tiền 85,666 tỷ đồng. Hiện nay, toàn tỉnh đang thực hiện 416 dự án cho trên 2.000 hộ vay, với số tiền 62,163 tỷ đồng.
Các cấp Hội đã tổ chức trên 300 lớp đào tạo nghề cho trên 13.000 lao động nông thôn, đa số hội viên nông dân sau đào tạo có việc làm và thu nhập ổn định. Hội cũng đã phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức được trên 60 cuộc tuyên truyền, phổ biến chính sách việc làm, thông tin thị trường lao động cho trên 4.000 cán bộ, hội viên, nông dân và nhân dân.
Ngoài ra, phối hợp với các doanh nghiệp cung ứng trên 2.000 tấn phân bón các loại theo phương thức ứng trước, trị giá trên 18,83 tỷ đồng; cung ứng trên 2.000 tấn giống ngô, lúa, cây trồng trị giá trên 2,394 tỷ đồng, 17 tấn thuốc bảo vệ thực vật trị giá 17 tỷ đồng, 74 tấn thức ăn chăn nuôi trị giá 1,398 tỷ đồng; cung cấp 552 máy nông nghiệp, trị giá 4,303 tỷ đồng. Phối hợp với ngành nông nghiệp tổ chức gần 700 buổi tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ cho trên 30.000 lượt hội viên nông dân, trong đó, tập trung hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc, phòng chống dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi. Hội Nông dân các cấp phối hợp với ngành Bưu điện tổ chức 23 hội nghị tập huấn hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản hàng hóa trên sàn thương mại điện tử cho trên 1.300 hội viên, nông dân; đưa 330 sản phẩm nông sản đặc hữu của địa phương và 64 sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn.
Cũng trong nhiệm kỳ, Hội Nông dân các cấp đã xây dựng 11 mô hình, dự án điểm, tổng kinh phí 1,9 tỷ đồng với 120 thành viên tham gia. Qua triển khai thực hiện, các mô hình đã góp phần nâng cao nhận thức cho hội viên nông dân về việc liên kết sản xuất theo tổ, nhóm và chuỗi giá trị; đồng thời, bám sát chỉ đạo của tỉnh trong Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), xây dựng thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp. Các huyện, thành hội đã tổ chức hướng dẫn xây dựng 134 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ tiên tiến. Ngoài ra, vận động, hướng dẫn, thành lập được 42 mô hình kinh tế tập thể, 2 dự án về hỗ trợ sản xuất theo chuỗi liên kết sản phẩm; hướng dẫn thành lập được 33 hợp tác xã với 256 thành viên, 558 tổ hợp tác với trên 7.000 thành viên. Bên cạnh đó, các cấp Hội đã tích cực vận động hội viên thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, sửa chữa trên 6.000 km đường giao thông, gần 2.000 km kênh mương. Nhân dân đóng góp công lao động và trên 9 tỷ đồng.
Cùng với đó, đã tổ chức thực hiện 6 mô hình điểm, phối hợp tổ chức 2 hội thảo khoa học "Nghiên cứu, đề xuất một số giải pháp nâng cao an toàn vệ sinh lao động trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi"; hướng dẫn thành lập trên 900 mô hình bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Vận động di dời trên 2.500 chuồng trại ra khỏi gầm sàn nhà; xây dựng gần 5.000 nhà tiêu hợp vệ sinh. Phối hợp với cơ quan chức năng xây dựng mô hình tự quản, tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc. Chủ động phối hợp với Ban Điều phối Dự án Hỗ trợ kinh doanh cho nông hộ tổ chức thực hiện Tiểu hợp phần 2.1 hướng dẫn thành lập và vận hành nhóm đồng sở thích CIGs với tổng kinh phí thực hiện 2,346 tỷ đồng. Tổ chức 11 lớp tập huấn giảng viên nguồn cho trên 400 học viên.
Phát biểu tại đại hội, Bí thư Tỉnh ủy Trần Hồng Minh đề nghị HND các cấp hội chú trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, cơ cấu mùa vụ, đưa nhiều giống mới có năng suất, chất lượng và giá trị cao vào sản xuất, mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất; tham gia liên kết nhằm phát triển nông nghiệp toàn diện và bền vững theo hướng sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị. Chủ động phối hợp với các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Bí thư Tỉnh uỷ yêu cầu các cấp hội nông dân tỉnh nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả các phong trào do Trung ương, địa phương phát động, nhất là phong trào thi đua yêu nước, SXKDG, xây dựng nông thôn mới. Thực hiện có hiệu quả mục tiêu phát triển “Nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hiện đại, nông dân văn minh”; chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho hội viên; phát huy tốt vai trò đại diện của nông dân, tích cực tham gia giám sát, phản biện xã hội, xây dựng Đảng, chính quyền các cấp trong sạch, vững mạnh…