Cô bé Mirjam Lapid-Andriesse 10 tuổi là một trong những người Do Thái thoát khỏi chuyến tàu tử thần của Đức quốc xã. Ảnh: BBC |
Lúc đó, cô bé Mirjam chưa nhận thức những sự thật kinh khủng đang diễn ra xung quanh mình.
Thảm họa diệt chủng Holocaust tàn ác mà Đức quốc xã gây ra khiến trên 100.000 người Do Thái từ các thành phố và thị trấn trên khắp Hà Lan bị bắt đến các trại tập trung tử thần ở Auschwitz và Sobibor (Ba Lan). Trong số các nạn nhân có hàng nghìn trẻ em và chỉ có 5.000 người sống sót.
Bà Mirjam nay đã 86 tuổi nhớ lại: “Trong thời đó, tôi vẫn là một cô bé, bởi vậy những ký ức của tôi đều là những ký ức của một đứa trẻ và không mang tính chính trị”.
Mirjam là con út trong một gia đình có 4 người con gồm 2 trai và 2 gái. Gia đình bà bị đưa đến trại trung chuyển Westerbork vào tháng 6/1943. Cuộc sống ở đây đã cướp đi những điều tốt đẹp nhất tuổi thơ của bà.
“Ban đầu cuộc sống khó khăn ảnh hưởng đến người lớn nhiều hơn, nhưng sau đó nó cũng ảnh hưởng đến những đứa trẻ như tôi. Chúng tôi không thể đi bơi hay đi xem phim nữa, chúng tôi bị tịch thu xe đạp và không được phép đến trường. Chính vì thế, tôi đã mất đi 3 năm học”, bà Mirjam kể lại.
Gia đình Lapid-Andriesse gồm 6 thành viên. Ảnh: BBC |
Bà vẫn cho rằng gia đình mình quá may mắn so với những người khác. Bà kể: “Gia đình tôi gồm 6 thành viên nhưng có tới 5 người sống sót. Cha tôi qua đời vì thiếu thức ăn và kiệt sức trên chuyến tàu chở chúng tôi đến các trại tập trung nước Đức, chỉ 6 tuần trước khi gia đình được giải cứu".
Trong những ngày trước khi chiến tranh kết thúc, Đức quốc xã bắt đầu thủ tiêu bằng chứng tại các trại tập trung, bao gồm các trụ sở và tài liệu, vận chuyển tù nhân đến các địa điểm khác nhau ở Đức.
Bà nhớ lại khoảnh khắc được cứu thoát khi ngồi trên một trong ba chuyến tàu rời khỏi trại tập trung ở Bergen-Belsen, miền Bắc nước Đức. Những tù nhân Do Thái bị nhồi nhét vào bất cứ khoảng trống nào còn sót lại trên mỗi toa tàu.
“Chuyến tàu của chúng tôi được gọi là chuyến tàu tử thần. Ban đầu tàu dự định đi đến trại tập trung Theresienstadt, nhưng phải đổi đi đường khác do quân Đồng minh đánh bom trước khi dừng tại ngôi làng nhỏ Tröbitz. Tôi đã trải qua sinh nhật lần thứ 12 của mình trên chuyến tàu đó, vào ngày 17/4/1945”, bà Mirjam hồi tưởng.
"Vào thời điểm đó, rất nhiều tù nhân trên tàu thiệt mạng. Nhiều người chết đói trước khi thức ăn được mang tới. Chỉ còn rất ít người sống sót trong hành trình đầy khắc nghiệt khi được quân Đồng minh giải cứu. Từ đó trở đi, tôi luôn kỷ niệm ngày sinh nhật của mình vào ngày 23/4 – ngày mà chúng tôi được quân đội Liên Xô giải phóng ở Tröbitz. Chúng tôi bị giam giữ suốt 2 tháng ở đây sau đó mới được đưa về Hà Lan. Cho đến giờ, tôi vẫn liên lạc với một gia đình ở đó”, bà kể thêm.
Hiện tại, bà Mirjam sinh sống tại Israel và luôn nhớ lại những ký ức về cuộc sống ở Utrecht, khu ổ chuột Amsterdam và trại tập trung Westerbork.
Bà đã kết hôn với một người Nam Phi. Họ sống tại Kibbutz Tzora, Israel và sinh được 5 người con. Đến giờ họ đã có 14 đứa cháu. Một trong những người con của bà qua đời trong một tai nạn máy bay trực thăng khi đang làm nhiệm vụ cho quân đội Israel.
Phụ nữ chuẩn bị thức ăn tại trại tập trung Bergen-Belsen năm 1940. Ảnh: BBC |
Công ty Đường sắt Quốc gia Hà Lan (NS) đã tham gia vào việc vận chuyển các nạn nhân Do Thái bị đưa đến các trại tập trung của phát xít Đức trong Chiến tranh Thế giới thứ 2. NS hiện đang phải đối mặt với các khoản bồi thường cho những nạn nhân Do Thái còn sống sót và thân nhân những người đã thiệt mạng vì “lịch sử đen tối của họ”.
Ông Dirk Mulder - đại diện của Trung tâm Tưởng niệm quốc gia Westerbork - cho biết: “NS nghe theo lệnh của Đức quốc xã vận hành các chuyến tàu đó. Người Đức đã trả tiền cho NS và họ làm việc này mà không có một lời phản đối nào”.
Năm 2005, NS chính thức gửi lời xin lỗi tới các nạn nhân. Họ miêu tả các chuyến tàu của mình là một “trang đen trong lịch sử” và hứa sẽ bồi thường cho mỗi người sống sót 17.000 USD và 7.800 USD cho người thân các nạn nhân.
“Tôi không bao giờ mong đợi bất cứ điều gì, tuy rằng 17.000 USD là một số tiền bồi thường rất lớn. Nhưng tôi vẫn không có kế hoạch đặc biệt nào với khoản tiền này cả”, bà Mirjam cho biết.
Theo Baotintuc