- Bốn năm thực hiện cuốn sách là 4 năm lăn lộn khắp các tỉnh thành nước Việt, lần tìm những "câu thần bút hoa" người xưa lưu lại, Nguyễn Sử nói rằng không nhớ nổi mình đã vượt qua bao nhiêu kilomet đường đi nhưng khẳng định rằng, đó là chặng đường hạnh phúc nhất trong cuộc đời mình.

Tôi gặp Nguyễn Sử trong một buổi chiều cuối đông Hà Nội. Sử với tôi vốn là chỗ bạn cũ, biết nhau từ thời để chỏm. Sự quen thân đã khiến tôi lo lắng rằng cuộc phỏng vấn của chúng tôi sẽ nhạt vì mọi thứ đã "quá cũ". Thế nhưng, ngay từ câu hỏi đầu tiên, tôi nhận ra rằng mình đã nhầm.

Nguyễn Sử tựa vào ghế, hào hứng và say mê kể về hành trình của mình bất chấp những cơn mưa nặng hạt cuối đông vẫn vụt qua bên ô cửa sổ. Câu chuyện của Nguyễn Sử như một sự hồi cố với chính bản thân hơn là nhắm tới người ngồi đối diện.

{keywords}
Nguyễn Sử trong một chuyến điền dã dập bia đá ở Ninh Bình. Ảnh: PMF.

Sử cho biết, sau một thời gian dài tiếp xúc và thực hành thư pháp (lối thư pháp chữ Hán, viết bằng mực tàu), va chạm với nhiều người viết thư pháp trong và ngoài nước, có một câu hỏi ám ảnh bản thân mình: Rốt cuộc lịch sử thư pháp Việt Nam ra sao?

"Thư pháp vốn là phép tắc viết chữ. Vậy thì cùng với quá trình sử dụng chữ Hán, người Việt Nam đã có những nguyên tắc viết chữ nào, thể chữ hay phong cách nào đặc thù?" - Nguyễn Sử nói. "Đây là lý do thúc đẩy mình lên đường đi xác lập diện mạo lịch sử thư pháp của Việt Nam"

Nhưng hành trình đó của Nguyễn Sử không hề dễ dàng.

Bắt tay nghiên cứu từ cuối năm 2012, cho tới nay, khi cuốn sách của Nguyễn Sử sắp sửa tới tay người đọc là chẵn 4 năm. Trong suốt 2 năm đầu tiên, Sử dành phần lớn thời gian để đọc lại toàn bộ các bộ chính sử của Việt Nam bằng nguyên bản để tìm ra những mảnh ghép dù nhỏ nhất về phép tắc viết chữ của người Việt.

"Có nhiều chi tiết nhưng khá vụn. Chẳng hạn như vua thấy thích chữ của người này hay quần thần thì thích chữ của vua, hay vào giai đoạn này người ta ưa chuộng lối chữ này… Mình phải nhặt những mảnh đó, phân tích, phán đoán để ghép chúng lại với nhau" - Nguyễn Sử kể. "Đó là công việc khá tốn thời gian bởi những mảnh ghép tìm được rất nhỏ và rất ít".

Không chỉ phải đọc tất cả các bộ chính sử chỉ để tìm một vài câu, chữ nhắc đến chuyện viết chữ của người Việt, Sử còn phải lần tìm những cuốn nhật ký, đặc biệt là nhật ký của các sứ thần Việt Nam khi đi sứ nước ngoài.

"Những cuộc giao lưu với bên ngoài là nơi người ta thể hiện rất rõ ý thức về việc viết chữ đẹp. Vì vậy, trong nhật ký của các sứ thần có rất nhiều chi tiết liên quan tới việc họ giao lưu viết chữ với nhau như thế nào. Đây là những chi tiết rất quan trọng để hình dung về sự phát triển lịch sử thư pháp của Việt Nam" - Nguyễn Sử chia sẻ.

Sau khi đọc toàn bộ sử liệu, sắp xếp các tác phẩm vào từng giai đoạn lịch sử cụ thể, phân tích từng tác phẩm, tìm ra những tác phẩm đẹp, Nguyễn Sử bắt đầu hành trình xuyên Việt đi tìm những "câu thần bút hoa" của mình.

Chưa từng đi dập bia trước đó, thế nhưng, Sử Nguyễn đã mày mò tự học rồi kết hợp các phương pháp để có được những bản dập đẹp nhất, giữ được tất cả hồn cốt những con chữ trên đá.

"Bình thường, giấy dập bia người ta hay dùng giấy dó. Nhưng giấy dó có nhược điểm là kích thước nhỏ nên khi dập những tấm bia lớn phải ghép lại với nhau nên bản dập sẽ không đẹp. Để có bản dập hoàn hảo nhất mình phải đặt mua loại giấy kích thước lớn, mỏng hơn giấy dó từ nước ngoài về để dập. Mực dập cũng đặt mua từ Nhật" - Sử chia sẻ.

{keywords}
Nguyễn Sử dập ván in tại chùa Yên Ninh, NInh Bình. Ảnh: NVCC.

Gần 4 năm tự bỏ tiền túi đi khắp các tỉnh thành Việt Nam, vào tận Đà Nẵng, Sài Gòn hay lên tận Cao Bằng, Sơn La mà đều là những "chốn hoang vu", ít người đặt chân tới, Nguyễn Sử nói, không thể nhớ nổi mình đã vượt qua bao nhiêu kilomet đường đất, chỉ "chắc chắn là không ít".

"Có những nơi như Bắc Ninh, mình phải quay đi quay lại tới 10-15 lần. Bởi một nơi có thể có rất nhiều tấm bia phải dập. Mỗi ngày dập có thể chỉ được 1-2 tấm, có khi không được 1 tấm nên phải đi lại nhiều lần" - Nguyễn Sử chia sẻ.

"Đó là công việc vất vả, ngốn nhiều thời gian và tiền bạc" - Nguyễn Sử nói. Thế nhưng, lúc này, sau khi công việc đã hoàn tất, cuốn sách sắp được ra mắt thì Sử lại cảm thấy rằng, những lúc hạnh phúc nhất của mình là trên những cung đường đi tìm những “câu thần bút hoa” ấy.

Sẵn sàng làm viên đá lót đường cho người khác

Nguyễn Sử cho biết, cũng như Nhật Bản hay Triều Tiên, thư pháp Việt Nam ảnh hưởng khá nhiều bởi những phép tắc viết chữ của người Trung Quốc. Tuy nhiên, hành trình đi tìm những tác phẩm thư pháp Việt đã giúp Nguyễn Sử phát hiện ra rằng, trong hơn 2.000 năm sử dụng chữ Hán, người Việt đã xây dựng rất nhiều loại phong cách viết chữ khác nhau.

"Mỗi triều đại lại xây dựng được một hơi thở riêng cho thời đại mình và có những tác gia xác lập diện mạo cho nghệ thuật Việt Nam" - Sử nói. "Người Việt thời Lý chuộng kỹ thuật chuẩn mực trên từng con chữ dựa trên nền tảng của lối chữ Khải thời Đường. Sự tinh tế, chuộng vận vị nhẹ nhàng thanh thoát của thời Trần chịu ảnh hưởng không ít của nghệ thuật thời Tống, Nguyên".

Tuy nhiên, có những thời kỳ mà người Việt cũng vượt ra khỏi đường ray ảnh hưởng của những lối viết chữ của Trung Quốc. Chẳng hạn như vào thời Lê, chúng ta đã hình thành một phong cách viết chữ đặc thù, khác hẳn và thống nhất trên trong toàn quốc được định danh là lối chữ "Hoa áp".

{keywords}
Cuốn "Lịch sử thư pháp Việt Nam" của Nguyễn Sử chuẩn bị ra mắt. Ảnh: NVCC.

Không chỉ định hình phong cách từng thời đại, nghệ thuật thư pháp của Việt Nam còn được định danh bằng những con người. "Lâu nay, nghệ thuật của Việt Nam ngoại trừ văn học và nhất là mỹ thuật thì không có tác gia nào cả. Thư pháp đã làm được việc ấy. Đây có thể coi là một sư bổ sung đáng kể cho những mảng trống của lịch sử nghệ thuật Việt Nam" - Nguyễn Sử nói.

"Đó là Lý Nhân Tông, Chu Nguyên Hạo thời Lý hay Phạm Sư Mạnh, Nguyễn Trung Ngạn, Phạm Hàm thời Trần, Lê Thánh Tông thời Lê rồi Cao Bá Quát của thời Nguyễn… Nhiều nhân vật được người nước ngoài xưng tụng là chữ đẹp đứng đầu An Nam như Nguyễn Đình Giới, Nguyễn Thái Sung" - Nguyễn Sử cho hay.

Nguyễn Sử nói rằng, thời điểm viết cuốn sách là lúc mình có nhiều cơ hội thuận lợi. "Ban đầu, mình chỉ nghĩ là chỉ có thể khảo lịch sử thư pháp Việt Nam từ khoảng những năm bắt đầu độc lập, tức khoảng thế kỷ thứ X. Thế nhưng, vào năm 2013 - 2014 ở Bắc Ninh phát hiện tấm bia năm 604 và năm sau đó lại phát hiện ra tấm bia cổ hơn vào năm 314. Nhờ vậy, mạch nối dài 2.000 năm quá trình sử dụng chữ Hán của người Việt đã được nối liền".

Khẳng định mình là người đầu tiên nhìn vào lịch sử suốt 2.000 năm ấy khi chữ Hán đã hoàn tất vai trò của mình, Nguyễn Sử cho rằng, mình cũng gặp may mắn khi khoảng vài chục năm gần đây, người Việt bắt đầu quan tâm tới truyền thống, thư pháp cũng nhân cơ hội đó mà phát triển, có nhiều người quan tâm và yêu thích.

Tôi hỏi có lúc nào trong suốt 4 năm thực hiện cuốn sách, Nguyễn Sử cảm thấy muốn bỏ cuộc hay không? "Chưa bao giờ!" - Sử đáp như không cần phải suy nghĩ. "Vì mọi thứ thuận lợi quá chăng?" - Tôi hỏi. "Mọi thứ không phải thuận lợi nhưng mình không thể bỏ được. Lý do là vì mình quá yêu nó" - Sử nói.

Với Nguyễn Sử, cuốn sách đầu tiên trong sự nghiệp nghiên cứu không phải nhắm tới mục đích khẳng định danh tiếng. "Mình yêu nó và muốn người ta thấy rằng, đây là thứ lịch sử chúng ta đã lãng quên chứ không phải bất cứ ai khác. Nếu không phải mình làm thì ai sẽ làm? Chúng ta đã chờ quá lâu cho những bộ vi sử như thế này" - Sử chia sẻ.

"Có thể có người sẽ đặt câu hỏi nó có cần thiết hay không? Mình cho rằng có còn hơn không. Mình sẵn sàng làm lót đường cho những nhà nghiên cứu khác chồng lên thay vì không làm gì cả" - Nguyễn Sử giải thích.

Thai nghén một cuốn sách về lịch sử hoàn toàn không dễ, thai nghén một cuốn sách sử về lĩnh vực hoàn toàn sơ khai với hệ thống tư liệu bất hoàn chỉnh lại càng khó hơn bao giờ hết. Vì thế, nếu không phải một kẻ đam mê đến "điên khùng" như Nguyễn Sử, hẳn khó mà theo được đến cùng.

Nhưng sự "điên khùng" ấy hẳn là sự điên khùng rất đáng trọng. Nhất là với một người trẻ tuổi như Nguyễn Sử.

Lê Văn