Nhóm vượt ngục lên đường sớm, cơm thiu, cơm nhão cũng hết, họ phải lấy quả ngái chín, ổi xanh, ngắt rau cải xoong mọc bên bờ suối ăn sống.


TIN BÀI KHÁC


Kế hoạch vượt ngục Sơn La đã được hoàn tất, thì một sự kiện xảy ra. Đồng chí Nguyễn Lương Bằng cũng đề xuất được đi.

Nếu như đi với đoàn người Hoa thì ông Bằng được xếp vị trí số một, song đi với người Thái thì phải đi bộ, mà ông Bằng đã lớn tuổi nên sẽ rất khó khăn. Ông Nguyễn Văn Trân và ông Lưu Đức Hiểu đã được chi ủy giao cho trách nhiệm trình bày để ông Bằng thấy hết những khó khăn, nguy hiểm của chuyến vượt ngục này.

Thế nhưng, đồng chí Sao Đỏ, người cộng sản nổi tiếng kiên trung, bất khuất trước sau chỉ nói: “Vô luận thế nào các đồng chí không tổ chức vượt ngục thì thôi, đã tổ chức thì phải để tôi tham gia. Tất cả các khó khăn, nguy hiểm, các đồng chí chịu đựng được thì tôi cũng có thể chịu đựng được. Cùng nữa có phải hy sinh giữa đường thì cũng phải chịu”. Với tinh thần quyết tâm cao, chi ủy đã đồng ý để ông Bằng đi.
Phế tích nhà tù Sơn La.
Theo kế hoạch, ngày mùng 2 tháng 8 sẽ là ngày tập thể tù chính trị, theo truyền thống sẽ tổ chức bữa liên hoan lớn. Lần này, tổ chức liên hoan còn có ngụ ý tiễn đưa 4 đồng chí vượt ngục. Sớm 3-8-1943, 4 đồng chí sẽ bắt đầu ra đi từ nhà tù khét tiếng này.

Kế hoạch vạch ra là phải làm thế nào đi từ sáng sớm đến chiều tối sẽ đến Tạ Chan, bên bờ sông Đà, dài 50 cây số. Ngay chiều tối phải vượt sông sang đất Yên Bái thì mới thoát.

Để bọn cai tù không phát hiện thiếu 4 người trong suốt thời gian từ sáng sớm đến chiều tối, chi bộ nhà tù đã dùng 4 chiếc chăn, chiếu làm giả như có 4 người đang ốm trong tù, không đi làm được, vậy nên, khi chúng điểm danh mấy lần thì vẫn thấy đủ. Chỉ đến 9 giờ đêm, bọn cai ngục vào hẳn trong tù điểm danh thì mới phát hiện, lúc đó thì 4 đồng chí đã ra khỏi đất Sơn La.
Đường vào nhà tù Sơn La.
Ông Trân nhớ lại: “Buổi liên hoan chia tay ai cũng chúc tụng nhau. Thấy đồng chí Tô Hiệu ốm yếu vẫn lò dò ra, ai cũng xúc động. Tôi muốn nắm chặt tay anh, muốn ngồi bên anh thật lâu, vì lần chia tay này có thể là vĩnh biệt. Người đồng chí đàn anh hiền hòa, đôn hậu, làm việc quên mình vì cách mạng, rất gần gũi, yêu thương quần chúng.

Mỗi người chúng tôi đều tranh thủ từ biệt các đồng chí chi ủy ở lại như Xuân Thủy, Trần Quốc Hoàn, Ngô Văn Quỳnh, và một số đồng chí trong chi ủy biết rõ cuộc vượt ngục của chúng tôi. Lúc đó, trong lòng tôi có bao cảm xúc. Tôi thầm thốt lên rằng: “Ôi các anh! Sớm mai đây chúng ta sẽ xa nhau, các anh sẽ phải đi Côn Đảo.

Chúng tôi sẽ cố gắng vượt ngục ra ngoài hoạt động. Sự nghiệp cách mạng còn dài. Chúng ta nhất thiết sẽ còn gặp lại nhau bởi chúng ta cùng có chung một sự nghiệp sắt đá là giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp”.
Ông Trân hồi tưởng lại Đại hội II diễn ra tại Tuyên Quang.

Kỷ niệm về những ngày vượt ngục, lang thang trong rừng còn mãi hằn in trong tâm trí ông Trân. Ông bồi hồi nhớ lại: “Thoát ra khỏi nhà tù, chúng tôi nhanh nhẹn cải trang, mặc quần áo Thái, đội nón chóp lông, cắp ô trắng, đeo dao và chia làm hai toán. Tôi và anh Hiểu cùng người thanh niên Thái Lò Văn Giá đi trước. Anh Bằng và anh Ninh đi sau.

Cứ thế, bọn sau trông hút bọn trước mà rảo bước. Như kế hoạch, chúng tôi đã đến bờ sông Đà vào lúc chiều tối, thế nhưng, do mưa to trên thượng nguồn, lũ đột ngột đổ về, không tài nào sang sông được. Thuê đò không ai dám chở. Chúng tôi định kiếm khúc gỗ để ôm rồi vượt qua sông, thế nhưng, những cây gỗ trôi trên sông đều bị nước cuốn chìm nghỉm từng quãng xa mới lại nổi lên mà ngần ngại, không ai dám bơi nữa”.
Ông Trần Đăng Ninh (trái) và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Đêm đó, nhóm vượt ngục tìm một con suối và lội ra giữa dòng ngủ trên những tảng đá. Hôm sau, ông Bằng vạch ra kế hoạch mới: Xuyên rừng trở về Chiềng Đông, qua Yên Châu, Mộc Châu theo đường Hòa Bình về Hà Đông. Mọi người đồng ý.

Lúc này, bọn đế quốc đã săn lùng ráo riết, nhóm vượt ngục phải cắt rừng mà đi. Ngục Sơn La rộng gần 4.000m2 gồm 5 nhà giam chính, 1 dãy 8 xà lim ngầm nằm sâu 3,5m dưới lòng đất, có tường kiên cố bao quanh. Bốn góc có 4 lô cốt cao án ngữ, luôn có lính gác quan sát, đi tuần kiểm tra khắp vùng.

Những ngày đó, mưa như trút nước, mặt rát cứ như ai đó ném sỏi. Dưới suối lũ chảy phăng phăng. Trong lúc vượt suối, ông Trân bị dòng nước xiết cuốn đi một quãng xa, may mà bíu được vào một cành cây mới thoát chết. Họ bì bõm như đàn chuột.

Chân mỏi, bụng đói, sờ đến bọc cơm khô mang theo thì đã ướt nhão và bốc mùi. Thế nhưng, vẫn phải ăn, vứt đi là chết đói. Đi suốt một ngày mà không tìm được mái nhà nào, nhóm vượt ngục đành quây lưng vào nhau, trên một mô đá mà ngủ. Nhưng chẳng ai chợp mắt được vì rét, đói và lo bị quân lính đuổi theo hay dân chúng sục sạo bắt được cắt đầu đem nộp cho chánh sứ.
Ông Nguyễn Lương Bằng.
Hôm sau, nhóm vượt ngục lại lên đường sớm, cơm thiu, cơm nhão cũng hết, họ phải lấy quả ngái chín, ổi xanh, ngắt rau cải xoong mọc bên bờ suối ăn sống. Đi bộ đến chiều thì đến Yên Châu, bước lên đường cái về Hà Nội. Lúc này, ông Trân và ông Hiểu vẫn mặc trang phục người Thái vì nói sõi tiếng Thái, ông Bằng, ông Ninh không nói được tiếng Thái thì mặc quần áo theo kiểu phu làm đường. Nhóm vượt ngục vẫn chia làm hai tốp, tốp nọ báo cho tốp kia nếu gặp nguy hiểm.

Trong quá trình đi đường, ông Trân và ông Hiểu đóng giả người Thái nên không gặp nguy hiểm gì. Ông Bằng và ông Ninh thì mấy lần suýt mất mạng. Tuy nhiên, với sự thông minh, khéo léo, tài đối đáp mà hai ông cứ thế đi qua mũi bọn tri châu, phìa, tạo, quản, những kẻ đang truy lùng 4 người trốn tù nguy hiểm.
Dấu tích gông cùm ở nhà ngục Sơn La.
Hai ông còn cả gan vào nhà tên tri châu khét tiếng độc ác để ngủ nhờ, lại được chúng làm bữa thết đãi trịnh trọng, vì hai ông giới thiệu là… người nhà cụ sứ. Thậm chí, có lần ông Bằng và ông Ninh vào một gia đình người Thái ở gần trang trại nuôi dê của tên Cút-xô để ngủ nhờ, sáng hôm sau đi đường dò hỏi mới hú vía vì chủ nhà là một tay sai đắc lực của Cút-xô.

Nhóm ông Trân ngồi chờ ông Bằng và ông Ninh ở Suối Rút suốt một ngày mới gặp. Từ đây, nhóm vượt ngục xuôi Hà Nội. Đồng chí Lò Văn Giá đưa nhóm vượt ngục đến Suối Rút là hết phận sự. Cuộc chia tay với người thanh niên Thái can trường ngậm ngùi cảm động.
Căn phòng đồng chí Tô Hiệu anh dũng hy sinh.
Ông Trân nhớ lại: “Nhóm vượt ngục chúng tôi thuê thuyền sang chợ Phượng (Hòa Bình), còn nhìn theo bóng người thanh niên Thái và khắc cái tên Giá của anh vào lòng”.

Trở về Hà Nội, nhóm vượt ngục nhanh chóng bắt liên lạc với các sơ sở cách mạng. Đồng chí có biệt danh To Đầu (ông Trần Đăng Ninh) đã bị bọn mật thám bắt lại khi đang hoạt động ở Hưng Yên. Dùng đủ mọi hình thức tra tấn, bọn mật thám không moi được thông tin gì từ phía ông Ninh, chúng đã tống ông vào nhà giam Hỏa Lò với cái án tù đến năm 83 tuổi.

Hoạt động ở Hà Nội được ít lâu thì ông Trân nghe tin anh thanh niên người Thái Lò Văn Giá đã bị bọn công sứ Sơn La bắt. Sau khi nhóm tù chính trị vượt ngục thành công, tên công sứ đã tập hợp tất cả thanh niên ở những bản quanh đó để thẩm vấn, chúng thấy thiếu anh Giá.

Dùng đủ hình thức dụ dỗ, tra tấn không khai thác được tin tức gì, bởi vì anh Giá đã được các chiến sĩ rèn luyện, thử thách đi theo con đường cách mạng. Bực mình, tên công sứ đã đem anh Giá ra trường bắn. Hình ảnh anh Giá ngã xuống như ngọn lửa thổi bùng lên khí thế cách mạng ở các bản làng Sơn La.

(Theo VTC News)