Thời gian gần đây giá hành và chanh tươi tiếp tục tăng giá khiến nhiều người ngán ngẩm, đặc biệt là các tiểu thương và các chủ cửa hàng ăn.

Nếu trước kia hành tươi có thể xin thì nay phải mua từ 2.000 đồng trở lên thì mới mua được hành tươi. Theo khảo sát của PV, hành và chanh tươi trong ngày hôm nay 19.3 tiếp tục tăng giá chóng mặt.

Cụ thể, giá hành tươi tại chợ đầu mối Long Biên trong sáng 19.3 tăng thêm từ 3.000 – 7.000 đồng/kg. Hiện tại, hành lá được bán buôn với giá 34.000 – 36.000 đồng/kg, tăng 5.000 đồng/kg. Hành củ tươi tăng đột biến so với ngày hôm qua tới 7.000 đồng/kg lên mức 42.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá hành tươi tại các chợ bán lẻ: Hôm – Đức Viên, Mơ, Nguyễn Công Trứ… được các tiểu thương bán tăng giá từ 5.000 – 6.000 đồng/kg.

Có cùng mức tăng giá bất ngờ như hành là chanh tươi. Trong ngày hôm nay, giá chanh tươi bán lẻ tại các chợ dao động trong khoảng 36.000 – 42.000 đồng/kg, tùy loại. Mức giá này tăng khoảng 3.000 – 5.000 đồng/kg. Giá chanh tươi bán theo quả từ 1.500 – 2.500 đồng/quả, tăng 500 đồng/quả.

Tính chung trong một tháng nay, hành hoa và chanh tươi đã tăng giá bán gấp 3 lần so với trước đây (một tháng trước, hành hoa và chanh tươi có giá bán từ 13.000 – 17.000 đồng/kg).

Hành tươi liên tục tăng giá trong thời gian qua.

Với việc tăng giá chóng mặt như trên, nhiều chủ cửa hàng ăn cần sử dụng nhiều chanh và hành tươi: hàng phở, hàng cháo lòng, bún… bị giảm thu nhập đáng kể. Bởi họ phải mất rất nhiều tiền cho hai loại gia vị này trong khi không thể tăng giá bán, nếu tăng giá bán thì mất khách.

Cô Xuân, chủ cửa hàng cháo lòng trên phố Đại Cồ Việt chia sẻ: “Hàng hóa ngày càng tăng giá kiểu này thì lấy đâu ra lãi. Trước kia một ngày tôi chỉ hết tầm 400.000 – 500.000 đồng tiền rau thì nay lên tới 800.000 – 900.000 đồng do giá hành tươi và chanh tăng cao quá (một ngày cửa hàng tôi dùng hết từ 7 – 9 kg hành tuơi, chanh cũng dùng ở mức tương tự).

Có cùng tâm trạng trên, cô Anh, một người bán hàng tại chợ Mơ cho biết: “Từ một tháng trở lại đây không hiểu vì lí do gì mà hành tươi tăng giá khủng khiếp. Đã vậy, chất lượng của hành lại kém xa so với trước. Hành đắt nên họ toàn ngâm nước để nặng cân. Chính điều này khiến hành dễ bị dập nát và thối. Nếu ngày hôm nay tôi không bán hết hàng thì ngày hôm sau chỉ có đổ đi. Buôn bán kiểu này lấy lãi ở đâu ra”.

(Theo Lao động)