Trong trường hợp người phạm tội dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác thì hành vi này phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự thêm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, ngoài tội lưu hành tiền giả.

Do nhiều lần mua bán với người nước ngoài nên Nguyễn Quốc N. (SN 1978) và Bùi Trường V. (SN 1979) được đối tác thanh toán số tiền là 5.800USD. Tuy nhiên, khi N. đem 200USD đi bán thì phát hiện USD giả và bị trả lại. Sau đó, N. cùng V. thuê xe du lịch đi chơi. Trên đường đi, N. đưa cho V. 1.000USD giả đến cửa hàng vàng để đổi ra vàng trót lọt. Sau đó, trên đường đi N. và V. bị công an bắt giữ và đưa về trụ sở. Lợi dụng lúc đông người, N. đã ném chiếc ví trong có 31 tờ USD giả. Trên đường về trụ sở công an, N. còn bỏ 1.600USD giả vào bao thuốc lá ném ra ngoài nhưng bị công an thu giữ. Theo kết luận giám định của Viện Khoa học Hình sự, Bộ Công an thì 58 tờ USD thu được của N. là USD giả. Vấn đề đặt ra trong vụ án này là có thể xử lý N. và V. về mấy tội danh?
Ý kiến bạn đọc

Phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Nguyễn Quốc N. và Bùi Trường V. phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bởi lẽ các đối tượng này biết rõ tiền mà họ đem đổi lấy tiền VND hoặc mua vàng là tiền giả, ý thức chủ quan và thủ đoạn đều thể hiện sự gian dối đối với người bị hại. Trường hợp phạm tội này, tôi cho rằng cũng tương tự như trường hợp dùng vàng giả, mật gấu giả, cao hổ cốt giả để lừa người mua, nên cần phải xem xét về tội lừa đảo, vừa đúng với ý thức chủ quan cũng như thủ đoạn phạm tội của N. và V.

Nguyễn Thúy Anh (Đông Hưng - Thái Bình)

Phạm tội lưu hành tiền giả

Hành vi của Nguyễn Quốc N. và Bùi Trường V. đã phạm tội lưu hành tiền giả, khách thể của tội phạm này là xâm phạm đến an ninh tiền tệ theo Điều 180, Bộ luật Hình sự. Tôi cho rằng không thể truy cứu trách nhiệm hình sự của các đối tượng này về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản vì tội lưu hành tiền giả là tội phạm nặng hơn tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trên thực tế hiện nay, một hành vi cấu thành nhiều tội phạm khác nhau thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội nặng nhất. Do đó, các đối tượng này phải bị xử lý về hành vi lưu hành tiền giả.

Hoàng Thái Hà (Tam Điệp - Ninh Bình)

Lưu hành tiền giả và chiếm đoạt tài sản

Tôi cho rằng cả Nguyễn Quốc N. và Bùi Trường V. không chỉ phạm tội lưu hành tiền giả mà còn phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bởi hành vi lưu hành tiền giả của các bị cáo đã được quy định thành một tội độc lập, dù người phạm tội có hay không có việc dùng tiền giả để mua hàng hóa, chỉ cần đưa tiền cho người khác là đã cấu thành tội lưu hành tiền giả rồi. Còn việc các bị cáo dùng tiền giả để lừa người khác chiếm đoạt tài sản lại cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Do đó cần phải xử lý các đối tượng này về cả 2 tội lưu hành tiền giả và lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Nguyễn An Minh (Nha Trang - Khánh Hòa)

{keywords}
(Ảnh minh họa)

Bình luận của luật sư

Do kỹ thuật lập pháp, có những điều luật nhà làm luật chỉ quy định một tội gồm một hành vi khách quan như: tội giết người; tội vô ý làm chết người; tội bức tử; tội đe doạ giết người; tội hiếp dâm; tội mua bán phụ nữ; tội cướp tài sản; tội trộm cắp tài sản; tội buôn lậu...

Nhưng cũng có nhiều tội, nhà làm luật quy định hai hoặc nhiều hành vi khách quan, như: tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính; tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác; tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản; tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm; tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, công trái giả...

Trong các trường hợp trên, do kỹ thuật lập pháp nên việc định tội cũng có tính chất kỹ thuật (kỹ thuật định tội), còn việc xác định hành vi cấu thành một tội hay nhiều tội lại là vấn đề khoa học mà nhà làm luật không thể quy định được.

Ví dụ: Trong trường hợp nào thì hành vi cấu thành tội giết người và cướp tài sản, trường hợp nào chỉ cấu thành tội cướp tài sản mặc dù người bị hại vẫn bị người phạm tội tước đoạt tính mạng; trường hợp nào hành vi chỉ cấu thành tội chống người thi hành công vụ, trường hợp nào vừa cấu thành tội chống người thi hành công vụ, vừa cấu thành tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác.

Về lý luận cũng như thực tiễn xét xử cho thấy, trường hợp Bộ luật Hình sự quy định tội ghép gồm nhiều hành vi phạm tội khác nhau, có trường hợp định tội danh đầy đủ (định tội theo tất cả các hành vi được ghi trong điều luật), có trường hợp chỉ định tội về một hoặc một số hành vi ghi trong điều luật, nhưng lại có trường hợp định tội danh cho từng hành vi riêng biệt và tổng hợp hình phạt như trường hợp phạm nhiều tội. Ví dụ: Bộ luật Hình sự quy định: “Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự”.

Nếu người phạm tội thực hiện hành vi tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán cùng một loại vũ khí quân dụng là lựu đạn, thì người phạm tội chỉ bị kết án về một tội, đó là tội: “Tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán vũ khí quân dụng” và người phạm tội chỉ bị áp dụng một hình phạt chính. Nếu người phạm tội thực hiện nhiều hành vi, nhưng mỗi hành vi lại đối với các loại vũ khí quân dụng khác nhau thì người phạm tội phải bị kết án về các tội danh khác nhau theo hành vi mà họ thực hiện. Ví dụ: A. đang vận chuyển 2 khẩu súng AK thì bị bắt quả tang, cơ quan điều tra khám nhà A. còn phát hiện A. tàng trữ 4 quả lựu đạn mỏ vịt. Trong trường hợp này, A. phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hai tội: “Tội tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng” và “Tội vận chuyển trái phép vũ khí quân dụng”. Tòa án phải quyết định hình phạt đối với từng tội và tổng hợp hình phạt theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Có trường hợp người thực hiện các hành vi cấu thành nhiều tội khác nhau, về nguyên tắc phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tất cả các tội khác nhau đó. Ví dụ: A. trộm cắp tài sản, trên đường bỏ chạy đã hành hung người đuổi bắt để tẩu thoát và đã gây thương tích cho người đuổi bắt có tỷ lệ thương tật là 25%. Trong trường hợp này A. phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hai tội: Tội trộm cắp tài sản và tội cố ý gây thương tích cho người khác, mặc dù hành vi trộm cắp và hành vi cố ý gây thương tích được thực hiện kế tiếp nhau và hành vi cố ý gây thương tích cũng là yếu tố định khung hình phạt.

Lại có trường hợp thực hiện nhiều hành vi cấu thành nhiều tội khác nhau, có trường hợp chỉ kết án về một tội, có trường hợp kết án về nhiều tội. Ví dụ: A. giết người để cướp tài sản thì A. bị kết án về hai tội: “Tội giết người” và “Tội cướp tài sản”. Nhưng nếu chỉ gây thương tích để cướp tài sản thì dù thương tích cho bao nhiêu người, với tỷ lệ thương tật bao nhiêu phần trăm thì người phạm tội cũng chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cướp tài sản, không bị truy cứu về tội cố ý gây thương tích. Vì sao lại như vậy? Từ trước đến nay được giải thích rằng, trong trường hợp người phạm tội thực hiện nhiều hành vi, mà các hành vi đó đều cấu thành tội phạm thì người phạm tội chỉ bị truy cứu về tội nặng nhất.

Quan điểm này đã tồn tại từ trước khi có Bộ luật Hình sự năm 1985 và cho đến nay vẫn được coi là một quan điểm chính thống và có thể coi đây là tiêu chí để phân biệt khi người thực hiện nhiều hành vi cấu thành nhiều tội khác nhau, thì trường hợp nào chỉ kết án về một tội, còn trường hợp nào bị kết án về nhiều tội. Tuy nhiên, quan điểm chính thống và được coi như án lệ này có cái gì đó không ổn, bởi lẽ, một người thực hiện nhiều hành vi và các hành vi đó đều cấu thành tội phạm khác nhau, lại chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một tội nặng nhất, còn các tội khác lại không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, thì về lý luận cũng như thực tiễn khó có thể chấp nhận được, trừ trường hợp hành vi phạm tội đó là phương pháp, thủ đoạn để thực hiện hành vi phạm tội nặng hơn hoặc hành vi đó đã là yếu tố định khung hình phạt, thì mới truy cứu trách nhiệm hình sự về tội nặng nhất. 

Trở lại vụ án trên chúng ta thấy, Nguyễn Quốc N. và Bùi Trường V. cũng có hai hành vi (hành vi lưu hành tiền giả và hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản), xét về khía cạnh nào đó thì hành vi lưu hành tiền giả cũng là thủ đoạn, phương pháp để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhưng xem xét kỹ ta thấy thủ đoạn gian dối và hành vi lưu hành tiền giả hoàn toàn khác nhau, không liên quan với nhau. Hành vi lưu hành tiền giả có thể được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như: đem tiền giả cho hoặc bán lại cho người khác (đổi tiền giả lấy tiền thật), người bán nói rõ cho người mua biết đó là tiền giả, người mua cũng biết đó là tiền giả nhưng vẫn mua, tất nhiên việc trao đổi này không thể ngang giá, hoặc đem tiền giả tặng cho người khác có thể nói với người được tặng cho hoặc không nói đó là tiền giả; trộn tiền giả với tiền thật để thanh toán nhằm đánh lừa người khác; dùng tiền giả để mua hàng hóa...

Trong các hình thức trên, có những hình thức người phạm tội không dùng thủ đoạn gian dối, có hình thức người phạm tội phải dùng thủ đoạn gian dối mới lưu hành được tiền giả. Trong trường hợp người phạm tội dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác thì hành vi này phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự thêm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, ngoài tội lưu hành tiền giả. 

(Theo An ninh Thủ đô)