Một trong những bất cập lớn nhất trong quá trình thu hút FDI thời gian qua là thất bại trong việc chuyển giao công nghệ hiện đại vào Việt Nam. Nhập khẩu công nghệ lạc hậu đặt Việt Nam trước nguy cơ thành một “bãi rác công nghệ”.

Các tin liên quan

Thỏa thuận riêng để chiều các ông lớn

Thành tích tỷ đô và niềm tự hào khó nuốt

Giằng xé phân cấp: Kẻ tiếc người thèm

Những con số giật mình

Sau thành công gần đây khi thu hút một vài tập đoàn lớn, nhiều người bắt đầu kỳ vọng vào một làn sóng mới về FDI “công nghệ cao”. Tuy nhiên, con đường trở thành một quốc gia công nghệ cao là không đơn giản khi trên thực tế, Việt Nam vẫn là một quốc gia nhập khẩu “công nghệ thấp”.

Báo cáo tổng kết mới đây của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, mục tiêu thu hút công nghệ, bao gồm công nghệ cao và công nghệ nguồn, từ đó chuyển giao công nghệ vào Việt Nam chưa đạt được như kỳ vọng.

Theo thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đào Quang Thu, thống kê cho thấy trên 80% doanh nghiệp FDI sử dụng công nghệ trung bình của thế giới, 5-6% sử dụng công nghệ cao, 14% ở mức thấp và lạc hậu. Không ít trường hợp nhà đầu tư nước ngoài lợi dụng sơ hở của luật pháp, yếu kém trong quản lý nhà nước để nhập khẩu vào Việt Nam máy móc, thiết bị lạc hậu gây ô nhiễm môi trường, khai tăng giá trị nhập khẩu và giá trị chuyển giao công nghệ.

{keywords}

 “Công nghệ thấp dẫn đến các DN tại Việt Nam chủ yếu thực hiện việc gia công, một số doanh nghiệp được coi là công nghệ cao nhưng những khâu sử dụng công nghệ cao lại không thực hiện ở Việt Nam. Hệ quả là doanh nghiệp Việt Nam tạo ra gia trị gia tăng thấp, khó tham gia vào mạng sản xuất toàn cầu”, báo cáo viết.

Các thống kê về chuyển giao công nghệ của Bộ Khoa học Công nghệ cũng khiến những người quan tâm đến FDI phải giật mình.

Tổng số các Hợp đồng chuyển giao công nghệ đăng ký và được cấp Giấy chứng nhận hoặc phê duyệt từ năm 1999 đến tháng 6/2012 trên toàn quốc là 838 hợp đồng. Trong đó, số hợp đồng thuộc các dự án FDI chiếm trên 50%, tức là chỉ hơn 400 hợp đồng, một con số khiêm tốn so với tổng số gần 14 ngàn doanh nghiệp FDI đang còn hiệu lực.

Chủ trương chính sách không thiếu, tất cả đều đã nhấn mạnh đến vai trò của công nghệ và chuyển giao công nghệ. Thế nhưng, mọi thứ đã không như kỳ vọng, công nghệ cao đã lảng tránh Việt Nam trong thời gian dài.

Đòi hỏi thay đổi chính sách

Từ góc nhìn của bộ quản lý chuyên ngành, Bộ Khoa học công nghệ cho rằng ngoài một số ngành đã tiếp thu được công nghệ tiên tiến với trình độ hiện đại của thế giới như bưu chính - viễn thông, dầu khí, xây dựng, cầu đường… nhưng nhìn chung việc thu hút công nghệ cao chưa đạt kết quả đặt ra.

Mặc dù các công nghệ chuyển giao vào Việt Nam hầu hết là các công nghệ có trình độ bằng hoặc cao hơn công nghệ sẵn có ở Việt Nam, nhưng mới chỉ đạt mức trung bình hoặc trung bình tiên tiến so với các nước trong khu vực.

Bất cập nằm ở chỗ các công nghệ được chuyển giao theo các dự án FDI thường là các công nghệ được đưa vào theo lợi ích của nhà đầu tư, mà thường không phải theo nhu cầu đổi mới công nghệ do phía Việt Nam chủ động đưa ra. Trong khi đó, nhà đầu tư thường chú trọng, quan tâm hàng đầu đến lợi ích đầu tư, đầu tư để sinh lợi, nhưng quy định pháp luật lại cho phép nhà đầu tư tự chịu trách nhiệm về nội dung công nghệ.

{keywords}

Thực tế qua thẩm định các dự án FDI cho thấy, nội dung giải trình công nghệ thường rất sơ sài, nhiều trường hợp không có giải trình công nghệ. Để lựa chọn công nghệ phù hợp với mục tiêu của dự án, thường phải đưa ra các phương án công nghệ để so sánh, lựa chọn phương án tối ưu, xem xét quy trình công nghệ, trình độ công nghệ, nguồn gốc xuất xứ máy móc, thiết bị, tính đồng bộ của dây chuyền sản xuất…

Nhưng với xu thế đơn giản hóa thủ tục hành chính, hồ sơ dự án đầu tư ngày càng đơn giản, nên cơ quan thẩm định công nghệ không có đủ cơ sở để xem xét, đánh giá.

Mặt khác, khi phân cấp đầu tư, hầu hết các cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đầu tư tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương lại không gửi hồ sơ dự án hỏi ý kiến các Sở Khoa học và Công nghệ theo quy định. Do đó, trong trường hợp nhà đầu tư đưa vào máy móc, thiết bị, công nghệ lạc hậu, tiêu hao nhiều năng lượng, nguyên liệu, gây ô nhiễm môi trường,… thì không có cơ chế để ngăn chặn ngay từ đầu, mà phải đợi đến khi hậu kiểm thì không có cơ quan nào chịu trách nhiệm giải quyết hậu quả.

Thực tế đó khiến cho các cơ quan chức năng cảm thấy cần phải có những thay đổi chính sách cho phù hợp tình hình mới, nếu không muốn Việt Nam tiếp tục là bãi đáp của công nghệ cũ, lạc hậu.

Theo Bộ Khoa học và công nghệ, cần sửa đổi, bổ sung quy định về nội dung của hồ sơ dự án đầu tư. Theo đó, nội dung giải trình công nghệ, thiết bị phải là nội dung bắt buộc trong các dự án đầu tư, để các cơ quan thẩm định có căn cứ xem xét, đánh giá, thẩm định, ngăn chặn ngay từ đầu các công nghệ, thiết bị cũ, lạc hậu.

Mặt khác, bộ này cho rằng cần sửa đổi Luật chuyển giao công nghệ theo hướng bắt buộc đăng ký Hợp đồng chuyển giao công nghệ để có thể kiểm tra, giám sát được nội dung công nghệ sẽ chuyển giao, tránh việc lập Hợp đồng chỉ để hưởng ưu đãi và được tính chi phí chuyển giao công nghệ vào chi phí sản xuất hợp lý, nhưng nội dung lại không phải là chuyển giao các đối tượng công nghệ.

Thời gian gần đây, cùng với việc đẩy mạnh phân cấp quản lý đầu tư, bản thân các tỉnh thành cũng đã có lựa chọn riêng trong vấn đề chuyển giao công nghệ. Tại Bắc Ninh, đã có những chính sách thể hiện thái đọ rất rõ ràng đối với vấn đề thu hút đầu tư công nghệ cao.

Chủ tịch tỉnh này, ông Nguyễn Nhân Chiến nói chính sách thu hút FDI của tỉnh trong thời gian tới sẽ được điều chỉnh theo hướng ưu tiên thu hút các dự án có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường.

Yến Thanh