Hàng ngàn giáo sinh năm cuối của các trường ĐH sư phạm đang trong kỳ thực tập tại các trường THPT.

Ảnh có tính chất minh họa

Với kỳ thực tập này, giáo sinh được tiếp cận thực tế, tìm hiểu hoạt động của trường học, trực tiếp làm công tác chủ nhiệm và đứng lớp giảng dạy... Đây là kỳ thực tập quan trọng, trang bị những kỹ năng thực tế cần thiết chuẩn bị cho việc làm thầy sau khi ra trường. Sự tâm huyết, lòng yêu nghề của nhiều giáo viên phần nào được hình thành trong thời gian này. Thế nhưng, ở nhiều nơi giáo sinh đã có sự chuẩn bị không tốt cho kỳ thực tập, thậm chí lơ là, xem nhẹ kỳ thực tập vì “kiểu gì cũng được xếp loại xuất sắc hoặc giỏi”.

Theo hướng dẫn đánh giá cho điểm thực tập sư phạm có các thang bậc như sau: loại xuất sắc từ 9-10 điểm, loại giỏi từ 8 đến cận 9, loại khá từ 7 đến cận 8, loại trung bình khá từ 6 đến cận 7, loại trung bình từ 5 đến cận 6, loại yếu từ 4 đến cận 5, loại kém dưới 4 điểm...

Tuy có các mức xếp loại như vậy nhưng phần lớn giáo sinh thực tập đều được xếp loại từ giỏi đến xuất sắc, rất ít giáo sinh bị xếp loại khá và trung bình. Kết quả này khiến nhiều người ngạc nhiên. Bởi ai cũng biết trong 5-6 năm trở lại đây, đầu vào sư phạm ngày càng giảm sút, nhiều trường, nhiều ngành sư phạm điểm chuẩn chỉ bằng hoặc nhỉnh hơn điểm sàn một chút.

“Đầu vào, đầu ra” như vậy là kết quả mỹ mãn như có một phép mầu. Nhưng sự thật chẳng có phép mầu nào ở đấy cả, có chăng là sự hào phóng đến mức dễ dãi trong đánh giá, xếp loại.

Cách đánh giá, cho điểm hào phóng đến mức cào bằng giúp giáo sinh có “bộ hồ sơ đẹp”, nhưng mặt trái của nó là làm giáo sinh chuẩn bị không tốt cho đợt thực tập, có tâm lý chủ quan, xem nhẹ, không có động lực phấn đấu. Bên cạnh đó việc hào phóng cho điểm 10 sẽ khiến giáo sinh ảo tưởng về khả năng của mình, từ đó thiếu tinh thần cầu thị, học hỏi nghiêm túc. Cách đánh giá này không những có hại cho giáo sinh mà còn hại cho cả nền giáo dục nước nhà.

Theo Thu Thủy (Tuổi Trẻ)