Rõ ràng, khi một sản phẩm đã rất thành công thì việc tung ra những thiết bị hậu duệ ưu việt hơn là nhiệm vụ cực khó. Không ai khác, chính Apple là hãng thấm thía điều này nhất.

Có phải người dùng đã sai khi kỳ vọng mỗi sản phẩm mới ra mắt lại là một sự lột xác, thay đổi lớn lao so với thế hệ sản phẩm trước đó? Căn cứ từ iPhone 5 và Galaxy S4 mà nói, thì câu trả lời đúng là: Có.

Hầu hết các bài đánh giá về Galaxy S4 đều có chung một kết luận, rằng S4 mang tính tiến hóa hơn là một cuộc cách mạng. Phần cứng đã được cập nhật những công nghệ mới nhất, nhưng ngoại hình của máy không có nhiều khác biệt. Các tính năng phần mềm nghe có vẻ khá thú vị, nhưng chừng nào chưa trên tay, người ta sẽ chưa thể biết chúng hữu ích tới đâu.

Cũng như Apple, người ta cũng đang đặt ra câu hỏi về năng lực duy trì sáng tạo của Samsung. Sự thành công của Galaxy S3 đã gây ra một áp lực lớn cho GS4, khi người ta kỳ vọng quá nhiều ở con dế này. Liệu Samsung có thể đảm bảo "đời sau tốt hơn đời trước" trong bao lâu?

"Tốc độ sáng tạo trong vòng 5 năm qua nhanh tới mức một chiếc smartphone cao cấp hiện hành khác xa một trời một vực với smartphone cách đây 5 năm. Các hãng điện thoại luôn đau đầu tự hỏi: Chúng ta sẽ làm gì tiếp theo? Chúng ta sẽ làm gì để gây ngỡ ngàng cho người dùng khi sản phẩm cũ đã hội tụ tất cả công nghệ và năng lực sáng tạo mình có?", nhà phân tích Wayne Lam của iSuppli chỉ ra.

Không thị trường nào có sự cả thèm chóng chán như smartphone. Cứ nhìn vào cách BlackBerry, Nokia, Motorola và HTC bị thất sủng nhanh đến cỡ nào là biết. Họ đều là những hãng nhanh chân gia nhập thị trường và từng có những sản phẩm thành công, nhưng chỉ một sai lầm, một bước sảy chân đã đủ để đẩy họ ra rìa cuộc chơi. Và điều oái oăm là dù gần đây, một vài hãng vẫn tung ra được những mẫu điện thoại xuất sắc nhưng người dùng vẫn cứ thờ ơ như không.

Đầu tuần này, chuyên gia Peter Misek của Jefferies cảnh báo các nhà đầu tư rằng, nếu như Apple không tăng tốc và sáng tạo thì có lẽ, Táo khuyết cũng sắp phải chịu chung số phận với những thương hiệu kể trên.

Tất nhiên, tại thời điểm này, chưa ai nghĩ Samsung sẽ phải đối mặt với nguy cơ đó. Hãng điện tử Hàn Quốc này đang ở thời kỳ đỉnh cao của mình, nhưng rõ ràng, sáng tạo là một vấn đề mà hãng buộc phải để ý tới. Ngay lúc này, một bước sai có thể chưa đủ để hủy diệt Samsung, nhưng nó có thể gây ra những ảnh hưởng lâu dài đến triển vọng của hãng.

GS4 có lẽ là sản phẩm được thổi phồng nhất mà Samsung từng công bố, dù xét tổng thể, nó vẫn là một sản phẩm tốt. GS4 trông rất giống với GS3, nhưng Samsung đã cập nhật các linh kiện và camera cho máy, đồng thời trang bị màn hình lớn hơn. Phần mềm và tính năng là điểm được Samsung chú trọng hơn khi hàng loạt công năng mới được trình diễn. Nhưng liệu chừng ấy có là đủ? Liệu chúng ta có thực sự cần thiết cả những tính năng đó hay không? Và nếu như người dùng có thể trải nghiệm nhiều tính năng mới đó trên GS3 (Samsung đã thông báo về việc này), thì điều gì thôi thúc họ bỏ tiền ra mua GS4?

Tầm quan trọng sống còn


Vai trò của GS4 với Samsung chỉ có thể tóm lại trong hai chữ: Cực lớn.

Tất nhiên, Samsung không bán duy nhất một mẫu điện thoại mỗi năm như Apple. Sức tiêu thụ của dòng phablet Note vẫn đang rất ổn. Samsung cũng sản xuất cả máy tính bảng, TV, máy ảnh, tủ lạnh, đó là chưa kể đến việc sản xuất linh kiện để cung ứng cho những thương hiệu phần cứng đối thủ.

Thế nhưng GS4 vẫn là sản phẩm chủ lực của hãng trong năm nay, quyết định danh tiếng và tên tuổi cho Samsung. Nó là sản phẩm buộc người dùng phải nhắc tới Samsung và giúp Samsung đánh bóng hình ảnh của mình trên thị trường.

Đó là một thiết bị mà hãng có thể tự hào cầm trên tay rồi nói: "Đây là biểu tượng cho sức sáng tạo của chúng tôi. Nếu bạn thích nó, hãy dùng thử cả các sản phẩm khác mà chúng tôi đang bán". Smartphone cũng là nơi tạo ra hầu hết lợi nhuận cho hãng chứ không phải thị trường điện thoại đại chúng giá rẻ.

Với đà thành công mà GS3 hiện có, việc duy trì được guồng quay và tăng tốc nó là một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng, nếu không họ máy Galaxy S sẽ nhanh chóng tụt dốc. Nhiều nhà phân tích lo ngại rằng, những ngày hoàng kim sáng tạo của cả Apple lẫn Samsung đều đã qua, khi cả hai ông lớn cuối cùng đều nhượng bộ trước áp lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh quá khắc nghiệt.

Khó có thể gọi iPhone 5 là một thất bại, bởi sản phẩm này vẫn đang bán chạy nhất thị trường trong Quý IV/2012. Thế nhưng ngay từ khi ra mắt, iPhone 5 đã bị chỉ trích nhiều vì thiếu sự đột phá và yếu tố "sành điệu" vốn gắn liền với thương hiệu Quả táo.

Điểm sai lầm nhất của Apple ở iPhone 5 (ít nhất là theo quan điểm của giới công nghệ), là Táo khuyết đã không đưa thêm tính năng nào thực sự mới mẻ, khác biệt vào thiết bị này, cũng như không thực sự nâng cấp hệ điều hành. Cũng khó để nói rằng Samsung chưa bổ sung đủ tính năng mới cho GS4, nhưng bản thân mẫu điện thoại này trông không mấy khác biệt với S3. Rồi sẽ đến lúc người ta chất vấn Samsung về năng lực sáng tạo, giống như điều mà họ đang làm với Apple lúc này.

Tất nhiên, Samsung cũng chẳng chết được kể cả khi GS4 không được giới chuyên môn đánh giá cao. Ngược lại, con dế này sẽ vẫn bán rất chạy, nhưng ấn tượng về một con tàu giảm tốc sẽ ảnh hưởng nặng nề đến các thế hệ điện thoại Galaxy kế tiếp. Người dùng có thể vẫn mua GS4, nhưng chưa chắc đã quay lại với S5 hay S6.

Nói cách khác, 2013 chưa phải là năm bản lề với Samsung. 2014 hoặc 2015 mới là thời điểm mà Samsung bị thử thách thực sự.

Hướng tới tương lai


Cũng như Apple, Samsung luôn tự hào về mình như một trong những công ty công nghệ sáng tạo nhất. Thế nhưng danh hiệu ấy thực ra rất dễ mất. iPhone đã không được bình chọn là smartphone tốt nhất 2012 bởi nhiều tạp chí, và thế chỗ cho iPhone chính là Galaxy S3. Nếu như S4 không phải là sự nhảy vọt về công nghệ và trải nghiệm so với S3, rất có thể danh hiệu mà GS3 có được lại chuẩn bị đổi chủ.

Các đối thủ cũng đang rất tranh thủ dịp này để dìm hàng Samsung. LG thì treo hẳn một tấm poster cỡ đại ngay phía trên pa-nô quảng cáo Galaxy S4 để quảng cáo cho Optimus G Pro, trong khi Giám đốc Marketing Phil Schiller của Apple gọi điện thoại Android là "hàng tặng miễn phí và khó lòng so bì được với iPhone".

Tệ hơn, sáng nay, sau khi theo dõi lễ công bố GS4 chính thức, Chủ tịch HTC còn thẳng thừng nói rằng, Samsung chỉ mạnh về tiền chứ thiếu hẳn sự sáng tạo.

Nhưng Samsung cũng trấn an dư luận rằng, hãng sẽ không kiêu ngạo và ngủ quên trên chiến thắng. "Kinh doanh công nghệ là một sân chơi khốc liệt. Bạn kiêu ngạo thì bạn sẽ hở sườn và trở nên yếu đuối", Giám đốc Samsung khu vực Đông Nam Á, châu Đại dương và Đài Loan khẳng định.

Hãy cùng chờ xem, hậu GS4, Samsung sẽ còn độc chiêu nào để giới thiệu với người dùng.

Y Lam (Theo CNET)