Sau hơn 10 năm thực hiện, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), tỉnh Hậu Giang đã huy động mọi nguồn lực để tập trung thực hiện chương trình NTM trên địa bàn toàn tỉnh nhằm thay đổi diện mạo nông thôn có chuyển biến tích cực, kết cấu hạ tầng kỹ thuật - kinh tế xã hội, nhất là hệ thống điện, đường, trường, trạm, cơ sở vật chất văn hóa, công trình thủy lợi và tư duy sản xuất theo hướng hiện đại. 

Tính đến nay, toàn tỉnh Hậu Giang đã có 40/51 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 78,4%; đồng thời có 11 xã NTM nâng cao, đạt 27,5% và có 3 xã NTM kiểu mẫu, đạt 27,3%. Ngoài ra, toàn tỉnh có 3/8 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, gồm: thành phố Ngã Bảy, thành phố Vị Thanh và huyện Châu Thành A, đạt 37,5%. Bên cạnh đó, về chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) luôn được các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở, cùng người dân trong tỉnh quan tâm thực hiện và hiện gặt hái được nhiều kết quả khả quan. Cụ thể, toàn tỉnh hiện có 266 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn OCOP, với 125 chủ thể tham gia. Trong đó, có 92 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao và 174 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao. Những kết quả trong xây dựng NTM và OCOP thời gian qua đã góp phần quan trọng vào sự phát triển chung về kinh tế - xã hội của tỉnh Hậu Giang.

Thu nhập bình quân đầu người của tỉnh đến cuối năm 2023 đạt 80,33 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn 3,49%. Tốc độ tăng trưởng kinh tế cuối năm 2023 đạt 12,27%, đứng thứ 2 cả nước; riêng 4 tháng đầu năm 2024, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đứng thứ 9 cả nước và thứ 2 vùng đồng bằng sông Cửu Long.

W-haugiang.png
Một góc NTM tỉnh Hậu Giang nhìn từ trên cao

Ðể đáp ứng những yêu cầu và nhiệm vụ mới đang đặt ra đối với nông nghiệp, nông thôn, nhất là trong quá trình xây dựng NTM của tỉnh trong thời gian tới thì việc chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng NTM tỉnh quan tâm thực hiện.

Trong đó, một số mô hình thí điểm dự kiến thực hiện trong htời gian tới như: Mô hình sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm tự động tại xã Đông Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang với nội dung thực hiện: Hỗ trợ mortor, hệ thống điều khiển khoảng 500ha. Nguồn lực dự kiến: 45 tỷ đồng, (trong đó: Ngân sách đề nghị Trung ương: 14 tỷ đồng; Ngân sách địa phương: 8,5 tỷ đồng; Nguồn huy động khác (vốn dân đối tứng): 22,5 tỷ đồng).

Mô hình xã nông thôn mới thông minh tại xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, với nội dung thực hiện: Xây dựng hệ thống trạm quan trắc đo chất lượng môi trường thông minh; Xây dựng hệ thống trạm bơm tưới thông minh 4.0 phục vụ phòng chống ngập lụt và hạn hán; Xây dựng hệ thống tưới tự động, tiết kiệm nước ứng dụng công nghệ 4.0 cho cây khóm; Lập bản đồ số hoá trong lĩnh vực nông nghiệp; Xây dựng Trang Thông tin điện tử của xã; Chuyển đổi số truyền thanh; Trang bị phòng học thông minh; Xây dựng hầm ủ rác thải sinh hoạt làm phân hữu cơ góp phần làm sạch môi trường;  Lập bản đồ số đường giao thông và quy hoạch xây dựng; Đầu tư thay thế hệ thống đèn chiếu sáng hiện hữu bằng hệ thống đèn LED công nghệ cao kết hợp xây dựng trung tâm điều kiển thông minh tiết kiệm năng lượng và quản lý vận hành – duy tu bảo dưỡng. Nguồn lực dự kiến: 33,445 tỷ đồng (Trong đó: Ngân sách đề nghị Trung ương hỗ trợ: 22,445 tỷ đồng; Ngân sách địa phương: 10 tỷ).

Việc xây dựng thí điểm các mô hình nông thôn mới thông minh là hết sức thiết thực phù hợp với xu hướng công nghệ số trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã được Đảng và Nhà chỉ đạo quyết liệt thực hiện, mô hình thực hiện thành công sẽ làm điểm nhân rộng các địa phương trên toàn tỉnh và đặt ra nhiều kỳ vọng cho lĩnh vực xây dựng nông thôn mới trong trong thời gian tới.