Định hướng phát triển: “1 tâm, 2 tuyến, 3 thành, 4 trụ, 5 nhiệm vụ trọng tâm”

Với xuất phát điểm là một tỉnh thuần nông, được xem là nghèo nhất vùng ÐBSCL, Hậu Giang ngày nay vươn lên trở thành tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm đạt khá cao. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo đúng hướng, tăng dần tỷ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ, giảm dần tỷ trọng khu vực nông nghiệp.

Bởi vậy, xây dựng định hướng chiến lược phát triển và quy hoạch tỉnh Hậu Giang là 1 trong 3 nhiệm vụ đột phá chiến lược trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 của tỉnh Hậu Giang.

Ngay từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tỉnh đã tổ chức nhiều đoàn khảo sát, trao đổi, học tập kinh nghiệm công tác lập quy hoạch và chính sách thu hút doanh nghiệp hiệu quả tại một số tỉnh, thành phố trong nước.

Một góc thành phố Vị Thanh

Quan điểm xuyên suốt trong Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là đảm bảo phù hợp với định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long và Nghị quyết số 13 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, bảo vệ và phát triển nền tảng văn hóa, xã hội, lấy con người làm trung tâm, coi tài nguyên nước là cốt lõi, đảm bảo việc duy trì nguồn sống cho môi trường và người dân sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đặc biệt, tỉnh đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về định hướng chiến lược quy hoạch và chính sách thu hút đầu tư phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh với mục tiêu: 1- Đến năm 2025, tỉnh Hậu Giang cải thiện vị trí xếp hạng quy mô kinh tế, thu ngân sách so với các tỉnh, thành phố trong cả nước; xây dựng thành công các nền tảng bền vững cho tăng trưởng các giai đoạn tiếp theo; 2- Đến năm 2030, sản xuất công nghiệp của tỉnh đạt mức khá, không còn là tỉnh khó khăn về phát triển kinh tế; 3- Đến năm 2050, Hậu Giang trở thành trung tâm sản xuất công nghiệp và logistics của vùng đồng bằng sông Cửu Long, trở thành tỉnh có trình độ phát triển khá so với cả nước.

Trên cơ sở đó, tỉnh tập trung xây dựng và hoàn thiện Quy hoạch phát triển tỉnh Hậu Giang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo định hướng: “1 tâm, 2 tuyến, 3 thành, 4 trụ, 5 nhiệm vụ trọng tâm”. Cụ thể:

Một tâm: phát triển huyện Châu Thành trở thành trung tâm phát triển về đô thị và công nghiệp, là bệ phóng để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong trung hạn và dài hạn.

Hai tuyến: tập trung khai thác phát triển theo 2 tuyến động lực là cao tốc Cần Thơ - Cà Mau kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh và tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng kết nối với các tỉnh Nam sông Hậu.

Ba thành: ưu tiên phát triển và nâng tầm 3 trung tâm đô thị của tỉnh là: thành phố Vị Thanh, thành phố Ngã Bảy và thị xã Long Mỹ.

Bốn trụ cột: tập trung phát triển công nghiệp hiện đại, nông nghiệp sinh thái, đô thị thông minh và du lịch chất lượng.

Năm nhiệm vụ trọng tâm: 1- Hoàn thiện đồng bộ các cơ chế, chính sách; 2- Phát triển nguồn nhân lực chất lượng đáp ứng yêu cầu phát triển các lĩnh vực trụ cột; 3- Cải cách hành chính mạnh mẽ, kết nối với ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; 4- Hoàn thiện đồng bộ hệ thống hạ tầng, tập trung vào các hạ tầng giao thông và công nghiệp kết nối với các trung tâm phát triển kinh tế; 5- Phát triển văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

Khát vọng phát triển tỉnh Hậu Giang

Tại Hội nghị thẩm định Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa diễn ra sáng nay, phát biểu tại hội nghị ông Nghiêm Xuân Thành, Bí thư Tỉnh ủy cho biết, khi xây dựng quy hoạch Hậu Giang nghiên cứu kỹ lưỡng trên cơ sở khoa học và thực tiễn để khai thác phù hợp với tiềm năng tiềm lực và điều kiện của tỉnh; đây thực sự là cẩm nang, là kim chỉ nam định hướng phát triển của tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 và với thiên thời, địa lợi, nhân hòa thì Tỉnh sẽ có sự đổi mới trong cách thức tiếp cận như chuyển dịch cơ cấu kinh tế thể hiện trong quy hoạch này tập trung vào chuyển đổi khu vực I, đồng thời tăng tỷ trọng khu vực II, đó là khu vực công nghiệp.

Với tiềm năng, lợi thế của Hậu Giang hiện nay là trung tâm của Nam Sông Hậu có 300 km cao tốc, do đó các khu công nghiệp sẽ là bước phát triển đột phá của Hậu Giang và cũng chính thức được thủ tướng phê duyệt diện tích đất công nghiệp của Hậu Giang từ nay đến năm 2030 đứng thứ hai trong các tỉnh của đồng bằng sông Cửu Long và với khu vực công nghiệp như vậy thì khu vực dịch vụ cũng sẽ có sự chuyển dịch thể hiện đổi mới, đột phá, quyết Tâm khát vọng của Hậu Giang.

Cửu Long