Với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở và sự đồng lòng, chung sức của người dân nên chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) của tỉnh Hậu Giang có nhiều tác động tích cực đến khu vực nông thôn của tỉnh: diện mạo nông thôn có chuyển biến tích cực, kết cấu hạ tầng kỹ thuật - kinh tế xã hội, nhất là hệ thống điện, đường, trường, trạm, cơ sở vật chất văn hóa, công trình thủy lợi… ngày càng được đầu tư cơ bản, đồng bộ và hoàn thiện đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Một trong những đổi thay dễ nhận thấy nhất khi về các vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh hiện nay là hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội đã và đang được đầu tư khang trang và đầy đủ tiện nghi. Cụ thể về giao thông, ngoài việc tỉnh luôn tăng cường các nguồn lực đầu tư thì nhiều năm qua, các ngành và địa phương trong tỉnh còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các cấp và người dân, mạnh thường quân thực hiện Chiến dịch giao thông nông thôn - thủy lợi với phương châm "Nhà nước và Nhân dân cùng làm".
Trong đó, các địa phương ưu tiên nâng cấp, mở rộng nhiều tuyến đường và cầu có chiều rộng từ 3-3,5m trở lên nhằm đáp ứng theo bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng xã NTM, cũng như NTM nâng cao và kiểu mẫu. Điển hình như trong năm vừa qua, toàn tỉnh xây dựng được 112 tuyến đường giao thông, với chiều dài 23,4km; đồng thời thực hiện 113 cây cầu, mỗi cây có chiều dài từ 30m, bề ngang tối thiểu 3,5m, tải trọng cho xe tải qua lại từ 5 tấn trở lên. Hiện toàn tỉnh có 40/51 xã đạt tiêu chí số 2 về giao thông.
Bên cạnh đó, chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) luôn được các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở, cùng người dân trong tỉnh quan tâm thực hiện và hiện gặt hái được nhiều kết quả khả quan. Cụ thể, toàn tỉnh hiện có 266 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn OCOP, với 125 chủ thể tham gia. Trong đó, có 92 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao và 174 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao. Những kết quả trong xây dựng NTM và OCOP thời gian qua đã góp phần quan trọng vào sự phát triển chung về kinh tế - xã hội của tỉnh Hậu Giang.
Thu nhập bình quân đầu người của tỉnh đến cuối năm 2023 đạt 80,33 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn 3,49%. Tốc độ tăng trưởng kinh tế cuối năm 2023 đạt 12,27%, đứng thứ 2 cả nước; riêng 4 tháng đầu năm 2024, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đứng thứ 9 cả nước và thứ 2 vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Qua tổng hợp mới đây của Văn phòng điều phối các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Hậu Giang, hiện tình hình thực hiện xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Tính đến nay, Hậu Giang có 40/51 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 78,4%; đồng thời có 11 xã NTM nâng cao, đạt 27,5% và có 3 xã NTM kiểu mẫu, đạt 27,3%. Ngoài ra, toàn tỉnh có 3/8 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, gồm: thành phố Ngã Bảy, thành phố Vị Thanh và huyện Châu Thành A, đạt 37,5%.