Dưới đây là tham luận của ông Nguyễn Tuấn Quỳnh.

"Tôi tin là tất cả các vị lãnh đạo Đảng và những người ngồi đây đều là những người yêu thích sách. Và có lẽ cũng trưởng thành, lớn lên cùng những cuốn sách. Vì vậy, tôi nghĩ rằng tất cả quý vị đều đồng cảm và chia sẻ với một việc là chúng ta có rất nhiều những tấm gương thành công, những người được coi là hình mẫu xã hội của chúng ta, tuy nhiên, trong quá trình tuyên truyền, truyền thông, chúng ta không thấy họ gắn liền với cuốn sách.

{keywords}
Toàn cảnh Hội nghị Tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021 của Bộ TT&TT, sáng 12/1

Tôi xin bắt đầu bài phát biểu của mình bằng 1 đề nghị nhỏ, đó là kính mong lãnh đạo Đảng, Chính phủ, đặc biệt là lãnh đạo Bộ TT&TT cùng các vị ở đây hãy lan tỏa, chia sẻ với cộng đồng những cuốn sách các anh chị có, đã đọc, có ấn tượng; những cuốn sách đã góp phần thay đổi cuộc đời các anh chị. Và nhờ các phương tiện truyền thông lan tỏa những thông tin đó. Nói 1 cách nôm na theo ngôn ngữ hiện đại, tôi rất kỳ vọng lãnh đạo Đảng, Chính phủ và các anh chị ngồi đây sẽ là các KOLs của ngành xuất bản Việt Nam.

Nhiều người đã hỏi tôi là vì sao chọn ngành xuất bản. Tôi nghĩ rằng đối với ngành xuất bản, không phải cá nhân tôi mà với rất nhiều người, thực ra sách đã chọn chúng tôi. Tôi học về quản trị kinh doanh, đã có nhiều năm làm việc tại các doanh nghiệp không liên quan tới sách. Tôi là Phó Tổng Giám đốc Công ty PNJ, Tổng Giám đốc SSC, rồi làm cho Phương Nam… Tức là đã có quá trình làm khá nhiều công việc không liên quan tới sách. Và với vai trò doanh nhân, tôi cũng đã đạt được 1 số thành tích nhất định. Tôi đã từng là thành viên HĐQT của nhiều công ty niêm yết trên sàn chứng khoán TP.HCM. Tôi cũng là doanh nhân được yêu thích, giảng viên được yêu thích của thanh niên Việt Nam.

Tuy nhiên, ở tuổi 44, sau quá trình đã làm cho nhiều doanh nghiệp nhà nước cũng như các công ty lớn ở Việt Nam, tôi quyết định mình nên khởi nghiệp. Qua quá trình hơn 40 doanh nghiệp mà tôi đã từng tham gia đầu tư thì tôi nghĩ trong đầu: Đâu là hình ảnh mang cho mình ấn tượng sâu sắc nhất? Thì tôi nghĩ tới cuốn sách. Tôi nghĩ tới việc độc giả cầm cuốn sách do mình xuất bản, một hình ảnh làm lay động tôi. Và vì vậy, tôi quyết định khởi nghiệp, chọn ngành sách làm công việc của mình, và tôi lập ra Văn hóa Sách Sài Gòn.

Tôi nghĩ rằng để nâng cao dân trí thì sách giữ vai trò quan trọng. Và với chính bản thân cuộc đời tôi thì tôi đã học và trưởng thành nhờ sách. Tôi nghĩ sách thuận tiện cho việc tiếp cận tri thức. Tôi có một ít kinh nghiệm khi bắt đầu khởi nghiệp bằng ngành sách vì trước đó là Phó Chủ tịch HĐQT Sách Phương Nam, Tổng Giám đốc Alphabooks. Tuy nhiên, khi thực tế bắt đầu vào điều hành chính doanh nghiệp khởi nghiệp của mình trong ngành sách, tôi hiểu rằng thật ra kinh doanh sách để có hiệu quả là cực kỳ khó khăn.

Tôi hiểu rằng không có khoản đầu tư nào không có rủi ro. Tôi tham gia ngành xuất bản sách hơi muộn, khi thị trường nhu cầu rất nhỏ. Theo số liệu thống kê, năm 2019, chúng ta có tổng doanh số thị trường sách Việt Nam khoảng 2.900 tỷ đồng – 3.000 tỷ đồng. Như vậy, khi chia cho 100 triệu dân thì 1 người dân Việt Nam 1 năm chỉ chi tiêu đâu đó khoảng 30.000 đồng cho sách, rõ ràng chưa đủ để mua 1 cuốn sách. Tất nhiên, số người đọc sách vẫn đang là tỷ lệ khiêm tốn.

Tuy nhiên, tôi nghĩ việc làm sách cũng là cơ hội để tôi khám phá tiềm năng bên trong của mình và đóng góp được cho cộng đồng ở mức độ cao hơn. Ở độ tuổi không còn trẻ, tôi nhận ra rằng mình đã rất là may mắn, vì vậy tôi ý thức mình phải đóng góp, chia sẻ trở lại với cộng đồng.

Tâm niệm của tôi và rất nhiều người làm sách là cố gắng xuất bản nhiều cuốn sách có giá trị cho xã hội.

Điều hành công ty khởi nghiệp đặc biệt trong ngành sách thì khó khăn hơn rất nhiều so với các công ty lớn mà trước đây tôi đã từng điều hành. Do nguồn lực hạn chế, tôi phải làm rất nhiều việc, phải tính toán trong nguồn tài chính có hạn. Ngay cả thói quen chi tiêu trong công ty lớn trước đây giờ áp dụng vào công ty nhỏ thì tôi cũng gặp nhiều khó khăn.

Năm 2020, Saigon Books cũng như nhiều công ty sách khác cho dù đối diện với nhiều khó khăn trước sự khắc nghiệt của thị trường sách và cả những khó khăn do Covid-19 đem đến, nhưng vẫn nỗ lực kinh doanh và xuất bản nhiều sách có giá trị.

Riêng với Saigon Books thì cuối năm vừa qua, bạn đọc báo Nhân Dân Sài Gòn bình chọn sách được yêu thích nhất, chúng tôi có 3 đầu sách nằm trong Top 3, tức là 3 cuốn sách đứng đầu, đó là cuốn Tái tạo vật chất, cuốn Sang chấn tâm lý thì sẽ chữa lành, và cuốn 12 cuộc đời.

Tôi thấy đại dịch cũng là cơ hội để Saigon Books nhìn nhận lại hoạt động kinh doanh của mình. Và tôi quyết định Saigon Books phải chuyển đổi số và định hướng phát triển doanh nghiệp trong bối cảnh rất nhiều thay đổi không thể lường trước được.

Như nhiều người ngồi đây, tôi trăn trở khi tỷ lệ đọc sách ở Việt Nam chưa cao. Tôi biết vấn đề không phải nằm ở chỗ giá sách chúng ta đang cao. Theo tôi, một trong những nguyên nhân là chúng ta có những doanh nhân thành công, chính trị gia, người nổi tiếng, được nhiều người quan tâm, nhưng câu chuyện thành công của họ không gắn với việc đọc sách, không được truyền thông là những cuốn sách thay đổi họ như thế nào.

Một nguyên nhân khác, chúng ta chưa chú trọng việc bắt buộc đọc sách trong nhà trường. Nhiều nước phát triển quan tâm và khuyến khích học sinh tạo thói quen đọc sách ngay từ khi học mẫu giáo. Tôi kỳ vọng chúng ta sẽ bắt đầu khuyến khích đọc như Nhật Bản, hay có những chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp làm sách như Hàn Quốc, Thái Lan, để xuất bản thực sự cất cánh.

Về phía mình, với Saigon Books, ngoài việc nỗ lực cùng các nhà xuất bản cho ra đời những cuốn sách hay, tôi muốn có thêm cho mình 1 sứ mệnh, đó là góp phần xây dựng, phát triển đội ngũ tác giả người Việt. Hiện nay, 80% sách trên thị trường là sách dịch. Vì vậy, Saigon Books đang đi đầu trong việc xuất bản sách dành cho các tác giả là doanh nhân Việt Nam, là người viết Việt Nam. Chúng tôi cũng có kế hoạch phối hợp mở các lớp để đào tạo tác giả viết sách tại Việt Nam.

Tính đến nay tôi đã có 5 năm khởi nghiệp cùng với Saigon Books và với Saigon Books bước những bước tiếp theo. Đến giờ này, sau 5 năm, mặc dù trải qua những khó khăn, tôi vẫn tin rằng sự lựa chọn của mình là đúng. Tôi yêu công việc xuất bản sách và tôi có niềm tin rất lớn vào sự phát triển thị trường sách Việt Nam.
Nhân dịp năm mới, kính chúc ngành TT&TT sẽ có 1 năm thực sự cất cánh.

Xin cảm ơn!"