Những chia của thầy Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội trong Lễ kỷ niệm Nhà giáo Việt Nam diễn ra sáng 20/11 đã để lại cho người nghe nhiều cảm xúc.
VietNamNet xin trích dẫn lại nội dung bài chia sẻ.
Thầy Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội chia sẻ trong Lễ kỷ niệm Nhà giáo Việt Nam sáng 20/11.
Với tôi, từ trường làng bước ra thị trấn để học, nếu không có những ước mơ gieo vào sau bài giảng của thầy cô, không có những khát khao ẩn sâu sau trang sách, không có những vùng trời xa lạ mà thầy cô mang đến để đi tìm, chắc tôi đã không đi qua được chặng đường có lắm gian nan.
Có những khẩu hiệu nghe rất kêu, những lời khuyên răn đôi khi cũng chỉ là gió thoảng, nhưng cái đọng lại trong mỗi học sinh là một lời động viên an ủi, một câu khích lệ ân cần hay một lần vỗ về đồng cảm.
Trước khi khơi dậy cho học sinh đam mê, khám phá nét diệu kỳ của thế giới tự nhiên, hãy khơi dậy tình yêu thương và lòng trắc ẩn.
Không bắt đầu từ tình yêu thương thì con người chỉ có toan tính thiệt hơn và cuối cùng là cô độc.
Hãy bắt đầu bằng tình yêu thương và nuôi dưỡng lấy tình yêu thương khi đã chọn nghề dạy học.
Giáo dục, cuối cùng là để làm sao con người yêu thương nhau hơn và sống hạnh phúc hơn. Đất nước nào nhận thức đầy đủ và đầu tư xứng đáng cho giáo dục nhân bản thì con người ở đó hạnh phúc.
Tôi thực sự lo ngại khi chúng ta đang muốn thay đổi cách tiếp cận nhưng đâu đó còn dạy cho con trẻ mẹo mực, mục đích cuối cùng là đáp án, còn xa hơn thì chẳng biết để làm gì.
Một bác sĩ có thể mổ tim để cứu một đứa trẻ, nhưng người thầy có thể chạm đến đáy sâu con tim của trẻ, đánh thức những khát vọng diệu kỳ nhất trong hồn của một con người.
Nghĩa vụ cao cả của giáo dục là hướng con người đến tình yêu thương, lòng bao dung và cảm hóa để hạnh phúc.
Thầy cô - thiên chức ấy cao quý lắm! Xin đừng nghĩ đơn thuần vì miếng cơm manh áo để chọn nghề giáo. Một sinh viên có tâm sự với tôi rằng, vì điều kiện gia đình nên thi vào trường Sư phạm. Tôi đã khuyên em nên chọn nghề mình yêu thích và đam mê. Làm nghề giáo thiếu đam mê thì khó lắm.
Không bắt đầu từ tình yêu thương, khó lòng làm tốt bổn phận giáo dục
Nghĩa vụ của giáo dục là phải tạo ra sự bình đẳng cho mọi đối tượng. Tôi có dịp đến thăm đứa cháu ở vùng ven, hỏi cháu học trường nào, cháu bảo học ở trường làng bên cạnh. Cháu ngô nghê bảo rằng, con ước gì học ở trường trên phố. Đẹp lắm, nhiều đồ chơi lắm, mà thôi, ba mẹ không đủ tiền.
Chúng ta có trọng trách để mỗi đứa trẻ tự hào về số phận. Bất cứ là ai, sinh ra trong hoàn cảnh nào đều được đến những ngôi trường tốt nhất trên đất nước này.
Chúng ta có nghĩa vụ đẩy tính tự ti, mặc cảm ra khỏi ý nghĩ của trẻ. Lòng bác ái, bình đẳng và đức tính khoan dung sẽ sinh sôi từ đó. Niềm tin phải được lớn dần trong trẻ.
Điều chúng ta vẫn luôn trăn trở đến nhói lòng là đến khi nào, những đứa trẻ nơi bản làng xa lắc có được trường học ít nhất bằng được dưới xuôi; điều kiện sinh hoạt của thầy cô cũng bớt khó khăn hơn. Những sinh viên chúng ta, bây giờ là những đồng nghiệp, đang thầm lặng làm những điều vĩ đại ở những nơi tên gọi có khi còn lạ lẫm với bao người.
Giáo dục phải mở ra những chân trời mới
Trong những biến động của xã hội và quan niệm có lúc chông chênh, nhưng kỳ vọng về những điều tốt đẹp chưa bao giờ lụi tắt. Ẩn sau sự trách móc của phụ huynh, thậm chí của học sinh là mong muốn những điều tiến bộ.
Trong khả năng, chúng ta hãy làm tốt nhất trọng trách của mình. Chúng ta không thể thay đổi quan niệm xã hội khi chính chúng ta chưa thực sự làm tốt thiên chức của mình. Dẫu biết trong công việc, không phải lúc nào cũng thuận lợi và còn rất nhiều tác động của ngoại cảnh, của những trói buộc lỗi thời.
Khó khăn còn nhiều lắm, thiếu thốn cũng không hề ít. Chặng đường phía trước còn lắm gian nan. Những đòi hỏi đổi mới giáo dục là một thử thách lớn lao đối với mỗi thầy cô.
Còn rất nhiều khó khăn, còn rất nhiều lực cản, nhưng trước hết là giữ lấy con tim lành lặn để có một tâm hồn tràn ngập yêu thương; có một cái đầu minh mẫn, thức thời, rộng mở đến đón cái hay, cái tiến bộ; mang lại cho đời những thay đổi tốt hơn.
Chúng ta hãy cùng nỗ lực, cùng kiên định và cùng bản lĩnh để giữ được cái tâm đối với nghề.
Nguyễn Văn Minh
"Giáo viên phải là tấm gương cảm hóa học trò”
- “Một trong những điều quan trọng của giáo dục nói chung, đặc biệt với giáo dục phổ thông là sự bình đẳng. Tôi trân quý ngôi trường dám làm một điều là mở vòng tay đón nhận tất cả học sinh, kể cả những em có tính cách đặc biệt”.